Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Kỹ thuật & Xã hội theo trắc nghiệm Holland

**Bài viết được thực hiện bởi chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho. Trước khi đọc bài, quý phụ huynh và các em học sinh hãy tìm hiểu và sử dụng bài trắc nghiệm Sở thích nghề nghiệp theo Holland để xác định nhóm sở thích của mình.

Xin lưu ý: Đối tượng độc giả chính của bài viết là cha mẹ có con trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, kiến thức trong bài viết cũng hướng đến các nhóm độc giả khác như học sinh, sinh viên và người đi làm. Sông An rất mong các độc giả đều gặt hái được kiến thức bổ ích cho bản thân khi tham khảo.

Mở đầu

Theo giáo sư John Holland (1985), cha đẻ của Lý thuyết Tính Cách Nghề Nghiệp và Môi Trường Làm Việc, nếu một người sở hữu một trong ba cặp đối nhau trong sáu nhóm tính cách nghề nghiệp, bao gồm Kỹ thuật & Xã hội, Nghiên cứu & Quản lý, Nghệ thuật & Nghiệp vụ, thì người ấy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xác định mục tiêu nghề nghiệp cũng như giải quyết những trở ngại trong đời sống cá nhân (Holland, 1985, p.28).

Sau mười năm làm việc trong lĩnh vực hướng nghiệp, tôi gặp khá nhiều bạn trẻ cũng như những người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm thuộc về trường hợp trên. Khi gặp họ, một trong những điều đầu tiên tôi làm là cùng họ nhìn lại các mâu thuẫn nội tại bị gây ra bởi hai nhóm tính cách nghề nghiệp đối nhau. Chỉ khi nhận ra sự mâu thuẫn và học cách sống với nó, họ mới tìm ra được hướng đi phù hợp nhất trong hành trình phát triển nghề nghiệp tiếp theo.

Đó là lý do của loạt bài viết này với hy vọng các bạn trẻ thuộc trường hợp trên và gia đình họ hiểu sớm để chuẩn bị hiệu quả cho quyết định nghề nghiệp của các em. Hôm nay tôi viết về trường hợp khi một người có hai nhóm đối lập là Kỹ thuật & Xã hội.

 

Sự mâu thuẫn đến từ đâu?

Quý độc giả có thể đọc lại các bài tôi viết trước đây về nhóm Kỹ thuật và nhóm Xã hội để hiểu kỹ hơn. Trong bài này, tôi chỉ tóm tắt những chi tiết cho thấy vì đâu khi hai nhóm này ở trong cùng một con người, mâu thuẫn sẽ xảy ra.

  • Những em thuộc nhóm Kỹ thuật yêu thích các hoạt động tương tác với các đồ vật, công cụ, máy móc và động vật một cách rõ ràng, mạch lạc. Người thuộc nhóm này có năng lực thủ công, cơ khí, nông nghiệp, điện và kỹ thuật và do đó không thích các hoạt động mang tính lý thuyết hay xã giao. Nói ngắn gọn, người thuộc nhóm Kỹ thuật có các xu hướng không thích đoàn thể, ít ưa giao tiếp với con người, thoải mái hơn khi làm việc một mình với đồ vật, máy móc, dụng cụ, cây cối, hay động vật (Holland, 1985, p.19).
  • Trong khi đó, những em thuộc nhóm Xã hội lại ưa các hoạt động tương tác với con người để tuyên truyền, huấn luyện, phát triển, chữa lành hoặc giác ngộ. Người thuộc nhóm này có năng lực giao tiếp với các cá nhân và năng lực liên quan đến giáo dục. Nói ngắn gọn, người thuộc nhóm Xã hội không có thế mạnh về thủ công và kỹ thuật, không thích các hoạt động rõ ràng, có trật tự, có hệ thống liên quan đến vật liệu, công cụ hoặc máy móc và thoải mái hơn khi làm việc với người khác (Holland, 1985, p.21).

Hãy đặt mình vào vị trí của một bạn trẻ có hai nhóm Kỹ thuật & Xã hội mà chưa hiểu rõ chính mình. Sẽ dễ hiểu thôi nếu bạn trẻ này lo lắng khi thấy có lúc mình rất thích làm việc với người khác, thích giao tiếp và giúp đỡ bạn bè hay người xung quanh rồi đột ngột có những lúc không thích trò chuyện hay gặp gỡ bất kỳ ai, cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với máy móc, vật dụng, và công cụ. Đây là điều rất thường xảy ra cho những ai có cả hai nhóm Kỹ thuật & Xã hội.

Giải pháp là gì?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là hiểu và chấp nhận chính mình có những tính cách nghề nghiệp thuộc hai nhóm trái ngược nhau, ở đây là Kỹ thuật và Xã hội. Khi ta có cách giải thích cho hành vi và cảm xúc của ta, mọi chuyện sẽ dễ giải quyết hơn rất nhiều.

Điều thứ hai và quan trọng không kém đó là các bạn trẻ thuộc nhóm này nên hiểu rằng mỗi khó khăn trong cuộc sống đều đi kèm với một món quà đặc biệt. Món quà mà cuộc sống dành tặng cho các bạn thuộc hai nhóm Kỹ thuật và Xã hội đó là họ hoàn toàn bổ túc được điểm yếu cho chính bản thân mình. Hãy tưởng tượng một kỹ thuật viên rất giỏi chuyên môn kỹ thuật mà cũng giỏi giao tiếp, đào tạo, và làm việc nhóm! Họ sẽ phát triển rất tốt trong nghề nghiệp. Họ sẽ có nhiều cơ hội nắm giữ các vị trí quản lý bên trong ngành kỹ thuật nhờ điểm mạnh của nhóm Xã hội mang lại. Đó là bức tranh tuyệt vời nhất của một người có hai nhóm Kỹ thuật và Xã hội đã vượt qua mâu thuẫn và phát triển toàn diện thế mạnh của mình.

Vậy làm sao để kết hợp điểm mạnh của hai nhóm đối nhau và khắc phục sự mâu thuẫn mà chúng mang tới? Tôi hay dùng hình ảnh ẩn dụ của một người bước lên một bước rồi bước lùi một bước. Đó là hình ảnh của một người có hai nhóm đối nhau khi chưa giải quyết được mâu thuẫn của mình. Kết quả là họ mãi quay về khởi điểm. Sau đó, tôi dùng hình ảnh của cùng người ấy bước lên một bước, sau đó xoay người lại, rồi bước lùi một bước. Lúc này, người ấy đã tiến lên được hai bước chứ không quay về khởi điểm nữa. Chìa khóa là làm sao ta có thể quay người?

Nhóm Kỹ thuật và Xã hội – Làm sao ta có thể quay người?

Photo by Teymur Gahramanov on Unsplash

Các bạn trẻ sẽ quay người được khi:

  • Hiểu về bản thân trong cả hai nhóm
  • Trải nghiệm các hoạt động nghề nghiệp trong cả hai nhóm để hiểu sở thích và khả năng tự nhiên của mình
  • Chấp nhận sự mâu thuẫn nội tại và học cách lắng nghe nhu cầu của bản thân để tìm sự cân bằng. Ví dụ, khi mệt thì tránh giao tiếp với người khác.
  • Kiên nhẫn và kiên trì. Với thời gian và sự tập luyện, bạn sẽ tìm ra điểm quay mình ấy.

Cơ hội nghề nghiệp

Theo Mạng nghề nghiệp của Mỹ (Onet) có một số công việc phù hợp cho những người có hai nhóm Kỹ thuật và Xã hội:

  • Nhóm ngành thuộc khối Chữa trị: Nhà thần kinh học, Bác sĩ sản khoa/phụ khoa/nhãn khoa, Bác sĩ vật lý và phục hồi chức năng, Trị liệu vật lý, Trợ lý bác sĩ, Bác sĩ y học thể thao, Chuyên gia châm cứu
  • Nhóm ngành thuộc khối Đào tạo/Giáo dục: Giáo viên khoa học nông nghiệp (sau bậc phổ thông trung học), Huấn luyện viên thể thao, Giáo viên hóa học (sau trung học), Giáo viên kỹ thuật (sau bậc phổ thông trung học), Giáo viên khoa học bảo tồn và lâm nghiệp (sau bậc phổ thông trung học)
  • Nhóm ngành khác: Chuyên gia chăm sóc da, Chuyên viên cấp cứu, Huấn luyện viên thể dục, Cảnh sát, Giám sát phòng cháy và chữa cháy, Lính cứu hỏa, Kỹ thuật viên dinh dưỡng, Nhân viên cứu thương, Chuyên viên thú y, Tài xế xe buýt v.v.

Kết

Tôi hy vọng bài viết này tháo gỡ được phần nào băn khoăn của những bạn trẻ có hai nhóm Kỹ thuật và Xã hội. Chúc các bạn tìm ra phương pháp “xoay người” để giải quyết mâu thuẫn và sử dụng tốt nhất những điểm mạnh hai nhóm này mang lại. Hãy nhớ, bạn phải bước đi trong cuộc hành trình nghề nghiệp vì chỉ khi bước đi bạn mới từ từ tìm ra đích đến. Đừng suy nghĩ quá nhiều vì điều này sẽ làm bạn đứng yên tại chỗ và hoảng sợ nhiều điều.

Nguồn bài viết: : Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Kỹ thuật & Xã hội theo trắc nghiệm Holland của RMIT & Cha Mẹ