Huấn luyện viên Yoga Trị liệu, Phục hồi tự nhiên

1. Thông tin căn bản

  • Tuổi: 28
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân Đại Học
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Registered Yoga Teacher 200 (RYT 200) – Yoga Alliance Us
  • Số giờ làm hằng tuần: 6 – 8 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Trung tâm huấn luyện Yoga

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Xây dựng chương trình học Yoga và Thiền theo chuyên đề. Mỗi chuyên đề có thời lượng từ 10 – 15 buổi nhằm truyền tải sâu kiến thức và trải nghiệm của một khía cạnh trong thực hành Yoga & Thiền. Những chuyên đề có thể kể tên như “Thở đúng sẽ khỏe” (10 buổi), “Định tuyến chỉnh dáng” (10 buổi), Mantra & giọng nội lực (10 buổi),…

Công việc này giống như content creator (Người sáng tạo nội dung), đồng thời cũng giống như R&D (Research and Development) – nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Vào năm 2018, ý tưởng đầu tiên là khi mình tìm kiếm một nghề có thể giúp mình sống & làm việc ở Singapore, và mình tìm thấy một trung tâm đào tạo Huấn luyện viên Yoga Quốc Tế có thể làm việc ở Singapore sau khi tốt nghiệp. Vậy là mình rẽ hướng từ một giáo viên Tiếng Anh sang một Huấn luyện viên Yoga.

Đây là định hướng của bản thân. Người nhà muốn mình trở thành giáo viên tiếng Anh. Hiện tại mình vừa dạy Yoga, vừa dạy tiếng Anh. Nhìn lại thì mình thật sự may mắn khi đến với con đường Yoga và Thiền từ sớm.

Sau khi tốt nghiệp Huấn luyện viên Yoga, mình ở lại để giảng dạy cho trung tâm đã đào tạo ra mình. Ban đầu, mình làm ở vị trí trợ lý chuyên môn, hỗ trợ giáo án, giáo trình và slide giảng dạy cho Huấn luyện viên, sau đó là làm trợ lý dự án quốc tế bên Singapore. Sau một thời gian qua Singapore tìm hiểu thực tế về ngành Yoga, mình thấy không hợp lắm với bản thân (mặc dù làm việc ở Singapore đã từng là mơ ước của mình). Cuối cùng mình vừa làm ở Ban Chuyên Môn, vừa đứng lớp đào tạo Huấn luyện viên Yoga (Train the trainer)

Ôi, nếu được chọn lại, mình muốn sẽ đến với con đường Yoga và Thiền sớm hơn ấy chứ. Yoga là bộ môn tuyệt vời, từ tiểu đồng tới lão niên vẫn có thể tập được. Đó là chưa kể đến vô vàng những lợi ích mà Yoga mang lại cho sức khỏe. Mình nhớ mãi câu nói “Khi có sức khỏe, ta có cả ngàn ước mơ. Khi không có sức khỏe, ta chỉ có một ước mơ – đó là được khỏe mạnh”. Mình đang làm một nghề giúp mình khỏe mạnh mỗi ngày, và giúp cả cộng đồng người Việt ngoài kia tập luyện để khỏe hơn.

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

05:30 – 6:00 Nghi thức đầu ngày
6:00 – 10:30 3 lớp Yoga buổi sáng
13:00 – 16:30 Tự nghiên cứu & tập luyện
17:00 – 20:30 2 lớp Yoga tối
21:00 – 21:30 Shutdown ritual – nghi thức ngắt kết nối
22:00 Nghỉ ngơi

5. Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Đây là 3 điều mình thích nhất ở công việc này:

  1. Thời gian linh động: Các lớp cố định một khung giờ nên mình có thể sắp xếp được cả công việc – gia đình – trao dồi kỹ năng. Điều này sẽ rất khác với các công việc “9-to-5” (công việc hành chính), bạn sẽ có xu hướng mệt mỏi sau giờ làm, và mong muốn mau đến ngày chủ nhật (mình từng làm nhân viên văn phòng nên hiểu tâm lý này)
  2. Tập luyện cho mình và cho cộng đồng: Nếu nhìn dưới góc độ thể dục, Yoga là môn giúp khí huyết lưu thông, giảm đau cơ và cột sống. Một Huấn luyện viên yoga sẽ có ý thức tập luyện cho bản thân. Việc tập Yoga mỗi ngày giúp hơi thở tốt hơn (dài và sâu), tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình thải độc qua da,…
  3. Cơ hội đi và trải nghiệm: Nhiều Yogi (Người thực hành Yoga) trên thế giới chọn cuộc sống tự do và du lịch vòng quanh thế giới. Khi họ đến một quốc gia, họ sẽ ở lại dạy Yoga cho một trung tâm đã liên hệ trước. Với số tiền kiếm được khi dạy Yoga như vậy, họ sẽ tiếp tục hành trình đến với nhiều vùng đất. Đây cũng chính là định hướng của mình trong tương lai.

6. Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Nghề Huấn luyện viên Yoga là nghề mang lại bình an cho bản thân và người khác. Chỉ khi có sức khỏe và bình an, mình mới có thể lan tỏa giá trị đến những người xung quanh. Khi đã nghiêm túc thực hành con đường Yoga, mình hài lòng với con đường đã chọn, nên không có gì không thích cả.

7. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Một người Yogi sẽ cam kết thực hành 5 lối sống. Chỉ cần theo đúng 5 lối sống này là chúng ta có thể hạnh phúc với những gì mình đang làm.

1/ Luyện tập đúng

Yoga là một bộ môn vận động, vì thế có khả năng sẽ dẫn đến chấn thương (đặc biệt là các vùng khớp). Việc duy trì ý thức luyện tập đúng sẽ giúp người Yogi hiểu về cơ thể và tập luyện đúng cường độ. Không nên chạy theo những tư thế khó mà tập luyện quá sức của bản thân.

2/ Hít thở đúng

Theo bạn, thứ gì quý nhất?

Vật chất bên ngoài mất đi có thể tìm lại, chúng ta có thể nhịn đói nhịn khát nhiều ngày và cơ thể vẫn sống được. Nhưng nếu chúng ta nhịn thở vài phút thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc bạn cũng có câu trả lời. Tầm quan trọng của hơi thở, có lẽ ít ai nhìn ra vì chúng ta đang bận rộn kiếm sống, tất bật với chuyện công việc, gia đình, xã hội. Nghề Huấn luyện viên đơn giản lắm. Nghề này dạy mình biết cách ngồi tĩnh lặng quan sát hơi thở, vì hơi thở là cuộc sống. Hơi thở ngắn thì cuộc sống ngắn, còn hơi thở dài thì cuộc sống dài.

3/ Thư giãn đúng

Có bao giờ bạn nói với bản thân “thôi mình mệt rồi, nằm nghỉ ngơi xíu rồi làm việc tiếp”. Thế là theo thói quen, bạn vội chụp lấy điện thoại và bắt đầu lướt mạng xã hội, còn không thì nghe một bài nhạc hoặc lên Youtube xem những clip mới nhất. Tôi cũng từng như bạn, và sau khi làm những việc ấy xong, tôi nhận ra hai sự thật: Một là mắt và não của tôi vẫn hoạt động và không hề thư giãn, Hai là tôi tốn nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Tôi đang thực hành phương pháp thư giãn đúng của Yoga, quả thật rất có hiệu nghiệm. Mỗi lần muốn thư giãn, tôi sẽ nằm trên sàn và mở rộng tay chân tự do. Tôi nhắm mắt, miệng cười hàm tiếu, và để cho hơi thở đi vào và đi ra tự do. Tôi chỉ cần chưa đến 10 phút để phục hồi lại năng lượng cho cơ thể.

4/ Dinh dưỡng đúng

Chúng ta là kết quả của những gì chúng ta ăn vào. Nếu thực hành Yoga một thời gian, cơ thể sẽ tự động chuyển sang chế độ ăn nhiều rau và ít thịt động vật. Mỗi lần chuẩn bị ăn món gì là tôi đều suy nghĩ liệu món này có tốt cho cơ thể của tôi hay không.

5/ Tư duy tích cực

Mọi việc xảy ra đều có 2 mặt. Khi trở thành Huấn luyện viên Yoga, tôi học được cách chọn nhìn sự việc với bản chất vốn dĩ của nó. Bản thân sự việc xảy ra không đúng cũng không sai, nó nên xảy ra như vậy. Từ đó tôi cảm thấy mọi việc đến với mình thật nhẹ nhàng, và tôi đón nhận mọi thứ dễ dàng hơn.

8. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Nhiều người nghĩ rằng Yoga là môn thể dục hoặc thể dục thẩm mỹ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Điều này có cơ sở, hoàn toàn ở truyền thông. Các trung tâm Yoga luôn lựa chọn những người có ngoại hình đẹp nhất, gương mặt tươi tắn nhất làm người đại diện. Thế rồi không biết từ khi nào Yoga lại là môn làm đẹp cho chị em phụ nữ, và những người thừa cân, người cao tuổi hoặc thậm chí nam giới rất “ngại” đến những phòng tập cộng đồng.

Trên thế giới, Yoga trở thành một môn trị liệu tự nhiên không dùng thuốc. Bằng cách tập luyện Yoga, chúng ta có thể phục hồi một số nhóm bệnh của cơ thể (đau cột sống, đau khớp, huyết áp,…). Thế nên, xã hội hãy nhìn các Huấn luyện viên Yoga như những người chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, hơn là chỉ dạy thể dục hay thẩm mỹ.

9. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

So với các ngành trong các trường Cao Đẳng, Đại Học thì Huấn luyện viên Yoga có thể được xem là một ngành ít thời gian đầu tư nhất (chỉ 200 giờ cho 1 bằng Quốc tế và khoảng nửa năm thực hành giảng dạy). Bất kỳ nghề nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực, và đặt biệt là một người thầy lâu năm trong ngành dìu dắt. Nếu đảm bảo được 2 điều này thì việc có thu nhập với nghề Huấn luyện viên Yoga không còn là vấn đề. 

10. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Nếu bạn đã đọc quyển Nhà Giả Kim, sẽ thấy tác giả có một triết lý rất hay về cuộc sống. Bạn hãy ghi nhớ điều này: “Một khi chúng ta muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ hợp sức lại giúp đỡ chúng ta”. Trước khi muốn trở thành Huấn luyện viên Yoga, bạn hãy tự hỏi, bạn THẬT SỰ muốn làm nghề này chứ? Vạn sự khởi đầu nan, bất kỳ nghề nào cũng phải trải qua thử thách. Ai trong chúng ta cũng là “thạch trung ẩn ngọc” (viên ngọc nằm trong đá). Phải vượt qua sóng gió cuộc đời và những va chạm trong nghề thì đá mới có thể bị bào mòn để viên ngọc được rực sáng. Cho dù lựa chọn của bạn là gì, hãy tin tưởng quyết định của bạn.

Và một kinh nghiệm sau cùng, bạn hãy thường xuyên đánh giá mức độ hạnh phúc của bạn với công việc mà bạn làm, đặt biệt là khi trở thành người giảng dạy hoặc người huấn luyện. Vì chỉ khi bạn hạnh phúc thì học viên của bạn mới nhận được nhiều giá trị từ bạn.