1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 28
- Giới tính: Nam
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 11 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành:
- 12/12
- Đại học Tôn Đức Thắng, ngành Quản lý Thể thao, chưa tốt nghiệp
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Chứng chỉ An toàn & Cứu hộ nước do Liên đoàn Thể thao dưới nước TP HCM cấp
- Chứng chỉ Đào tạo bơi lặn do Liên đoàn Thể thao dưới nước TP HCM cấp
- Chứng chỉ Austswim về an toàn nước do Tổ chức quốc gia về giảng dạy và an toàn nước của Úc cấp
- Số giờ làm hằng tuần:
- Linh động, với trung bình mỗi ngày tù 4 – 6 tiếng
- Trong đó, mùa ít bận là mùa lạnh còn mùa bận là mùa hè khi các bạn nhỏ nghỉ hè
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Giảng dạy tự do
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
Đào tạo và huấn luyện học viên về bơi lội, quan trọng là:
- Đảm bảo sự an toàn dưới nước cho học viên
- Đảm bảo chất lượng học tập cho học viên
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Khi em học cấp 3, em không thích học lắm. Tới khi vào cấp 3, ba em khuyến khích đi học nghề, mà em lại không thích theo sự sắp đặt của ba mẹ nên thay vào đó, em xin ba mẹ đi tập thể thao lại với một người thầy cũ. Em đi tập một thời gian thì bị chấn thương vai, nên thầy kêu em lên hồ phụ thầy dạy. Khi đó em tầm 17 tuổi. Ba ở nhà thì thấy em lông bông, không đi học nghề nên vẫn kêu em đi học nghề. Còn thầy kêu em thử làm nghề dạy bơi giống thầy. GIữa 2 lựa chọn, thì em chọn theo thầy, hơn là sự sắp đặt từ gia đình. Từ đó, em bắt đầu vào nghề. Thời gian đầu em làm nghề, em thấy rất vui, em thích thể thao và thích dạy mấy đứa nhỏ. Nhờ đi dạy thì em cũng có tiền nữa.
- Em là con giáo viên, nên từ lớp 1 tới lớp 5 thì hay được kèm cặp và theo sát việc học. Lên cấp 2, có 1 lần em nổi loạn, ba em chỉ nói 1 câu là học sao miễn con đừng xấu hổ là được. Từ đó thì áp lực của em về việc học nhẹ nhàng hơn nhiều. Gia đình em rất thoải mái, nhưng cũng muốn con trai theo dạng yên tâm là đi học Đại học lấy được cái bằng nên thời gian đầu vẫn dõi theo em. Em biết điều đó nên cố gắng thể hiện cho ba mẹ thấy dù có bằng Đại học hay không, mình vẫn ổn.
- Nếu được chọn lại thì em vẫn chọn thể thao nhưng không chọn phát triển tại Việt Nam. Vì huấn luyện và đào tạo thể thao ở Việt Nam không có tư duy mở, đa phần là làm theo mệnh lệnh mà không được giải thích rõ ràng. Ví dụ khi em còn nhỏ và đang sinh hoạt trong câu lạc bộ bơi lội, bản thân em thích nhất là bơi sải. Nhưng đội của quận 7 lại thiếu 1 người bơi ngửa. Để đều cự ly cho đội thì em bị bắt buộc phải bơi ngửa mà không có sự giải thích rõ ràng. Nếu như em được giải thích rõ ràng như bơi ngửa hỗ trợ cho bơi sải như thế nào thì em sẽ thoải mái hơn. Hoặc khi em tập bóng rổ, những người có chiều cao như em, ở môi trường nước ngoài thì sẽ là người kiểm soát vòng ngoài, đánh xa bảng rổ. Ở Việt Nam thì hay được đưa vào đứng gần bảng rổ hơn và cũng không có sự giải thích là tác dụng của nó là gì, hỗ trợ gì khi quay ra đánh vòng ngoài. Em thấy thể thao Việt Nam không thiếu nhân tài, có thể gọi là cực kỳ nở rộ về nhân tài. Nhưng thiếu người dẫn dắt có tầm nhìn để đưa thể thao Việt Nam lên một tầm cao mới, ở quy mô toàn cầu.
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Nghề của em không có một ngày làm việc tiêu biểu mà khá linh động. Em chuyển câu hỏi thành Em thường làm gì trước khi dạy và trong khi dạy sẽ phù hợp hơn.
a. Trước khi dạy thì em: Hỏi nhu cầu học viên bằng một vài câu hỏi:
- Học viên biết gì về môn bơi lội này rồi?
- Họ hiểu khi học bơi là học cái gì?
- Học viên hiểu thế nào về mong muốn của mình? (Định nghĩa từ “biết bơi”)
b. Trong 1 – 2 buổi dạy đầu tiên:
- Dạy các bước cơ bản dưới nước trước để xác định xem mức độ tiếp thu các phương pháp học mới của học viên như thế nào
- Linh hoạt biến đổi cách hướng dẫn, truyền đạt và trang bị để họ hiểu hơn
5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Điều em thích là:
- Có thể luôn tạo ra một thứ gì đó mới trong công việc của mình.
- Vì khi tham gia thể thao, họ luôn muốn thấy 1 thứ gì đó được cải thiện thì nghề này làm được điều có thể thấy đó qua từng buổi học.
- Thể thao giống như một nơi kết nối của đủ mọi lĩnh vực. Nhờ nghề này, em được tiếp xúc với nhiều người có kiến thức rộng, tư duy mở để mình học hỏi và phát triển bản thân.
- Sự linh hoạt về thời gian.
Trước đây, em từng không thích nghề này vì thấy nó nhàm chán nhưng gần đây, em vừa thấy rõ được cơ hội linh hoạt trong nghề này như em nói bên trên nên không thấy không thích điểm nào nữa cả.
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Thái độ:
- Tính kiên nhẫn
- Mạnh dạn thử nghiệm cái mới trong phương pháp dạy. Ví dụ ở bản thân em, lúc em mới ra dạy, thầy em không chỉ gì hết. Em hỏi thầy “Ủa thầy ơi, dạy sao thầy?”, thầy em trả lời “Thì con bơi sao con dạy lại vậy. Thầy đã quăng cho con cái cần câu, câu được hay không thì con tự tìm cách đi”. Nhờ vậy, em tự rèn luyện thái độ đó từ sớm cho mình. Một ví dụ khác khi em dạy, em có một học viên em bé không biết thở nước. Em chợt nhìn thấy mẹ bé cho bé uống Coca bằng ống hút thì bé hút được. Em mới mượn cái ống hút, rồi lấy ống hút cho bé thử. Em nói bé ngậm ống hút bằng miệng, thở qua cái ống hút trên bờ. Bé làm được, em cho bé xuống nước làm tương tự. Bé cũng làm được, em cho bé thử cắm ống hút nhẹ vào mũi, thở dưới nước bằng mũi qua ống hút. Sau đó thì bé đã biết thở dưới nước. Hoặc có thời gian em dạy ở một hồ bơi nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, ban lãnh đạo có ra chỉ đạo là không dùng phao tay trong giảng dạy nữa nên em đã tự sáng tạo ra phao lưng – được tạo từ 2 cái phao tay, gắn vào dây, đeo vào lưng.
Kiến thức chuyên môn: Như em chia sẻ bên trên, các chứng chỉ chuyên môn cần có khi hành nghề thì chắc chắn phải có
Kỹ năng:
- Kỹ năng truyền đạt kiến thức cho học viên:
- Em lấy ví dụ cho dễ hiểu về sự khác nhau giữa chia sẻ và truyền đạt. Chia sẻ là khi mình kể hoặc nói cho người ta biết và không cần quan tâm là người ta có làm được hay không. Còn truyền đạt là mình nói, kể, truyền tải như thế nào mà họ phải làm được kỹ năng đó.
- Khi em bơi, em là người sử dụng kỹ năng, còn khi em dạy thì em là người truyền đạt kỹ năng đó cho người khác.
- Làm nghề này cần hiểu rõ, mình đang làm thầy, nghĩa là mình giúp học viên chỉ ra cái họ cần cải thiện và mình truyền đạt cách họ có thể cải thiện, rồi để họ tự thử áp dụng. Mình đồng hành và nhắc nhở khi cần.
- Chứ mình không làm thợ, bắt học viên phải làm theo cái này cái kia giống như mình làm thì mới được giống mình hay nói cách khác là cầm tay chỉ việc. Cơ địa mỗi người mỗi khác đó. Cách áp dụng cho mình nhiều lắm cũng chỉ phù hợp với một nhóm người có cơ địa giống mình thôi.
- Kỹ năng tổ chức và sắp xếp học viên.
- Kỹ năng quản lý số đông học viên trong một lớp
- Kỹ năng quan sát phải rất tốt. Điều này cần mình để ý, khi học viên bơi 2 – 3 hơi đầu tiên là đã biết mình cần làm gì với học viên đó rồi. Trong đầu mình cần xác định rõ cơ bản là cần làm gì với từng học viên và nảy ra thêm ý tưởng để học viên có thể làm thử các cách gì khác nữa.
- Kỹ năng giao tiếp: hướng dẫn dễ hiểu cho học viên nghe, cảm thấy thích, vui, đầu óc thoải mái, học mới vô.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Nghề này sẽ kiếm nhiều tiền, em nghĩ vì họ thấy mình đi du lịch, đi gặp người này người kia, nhưng thật ra đó là sự linh động thời gian và các mối quan hệ cần có trong công việc thôi.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Có, nhưng cần nỗ lực.
- Khó khăn đầu tiên là phải đi xây dựng thương hiệu cá nhân. Mình cần hiểu rõ mình khác biệt gì trên thị trường và cộng đồng. Điều khác biệt của em là em có kiến thức và kỹ năng từ thế hệ làm nghề truyền thống. Em cũng tạo và duy trì được nhiều mối quan hệ từ thời gian đi phụ dạy.
- Đầu tiên là hãy tiếp thu các bước đầu tiên càng nhanh càng tốt. Đừng bắt đầu bằng quan tâm sẽ kiếm được bao nhiêu tiền. Rồi, hãy chọn những người hợp tác ưu tín để bắt đầu. Đó là những người có trang bị kiến thức cho mình, nâng cấp mình lên, chứ không phải chỉ chia hoa hồng. Việc ngâm mình dưới nước để dạy không dễ, đứng yên một chỗ trong nước không hề dễ với những người không có sức khỏe. Hợp tác uy tín còn là rõ ràng và công bằng trong tiền bạc và chi phí.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
a. Điều quan trọng khi làm nghề, là truyền tải kiến thức chất lượng cho mọi người:
- Em đúc kết được điều này khi được mời làm diễn giả cho công ty Adidas và chuẩn bị nội dung kiến thức cần có trước khi đi bơi. Thể thao Việt Nam có 2 dạng kiến thức, một là kiến thức truyền miệng, hai là kiến thức có nền tảng.
- Ví dụ: Mọi người thường có một niềm tin chung là thở 2 bên nhanh hơn thở 1 bên khi bơi sải nên ai học bơi sải cũng được dạy là thở 2 bên đi. Em thắc mắc, mọi người đã kiểm chứng chưa? Nếu có 1 dẫn chứng là các vận động thành tích cao thế giới thở 1 bên mà thành tích tốt thì mọi người thấy sao? Thay vì chỉ làm theo hoặc chỉ dạy người khác theo cách đó, mình nên tự đi xác nhận và đo cho bản thân mình trước, nếu đúng thì chia sẻ lại trải nghiệm của mình.
- Một ví dụ khác là, khi bơi, mình lấy hơi bằng miệng, thở ra bằng mũi – mọi người tin vậy là đúng rồi làm theo. Nhưng không có khoảng dừng để nghĩ lại xem có hợp lý hay không, và còn kiểu nào khác không, nếu mình làm kiểu khác thì nó có sai không.
- Hoặc, khi tập xảy ra stress hoặc chấn thương, có những cái stress trong việc chạy bộ mà huấn luyện viên chạy bộ hoặc huấn luyện viên tập gym đã thử nhưng không giải quyết được cho họ, bởi vì ai cũng muốn khẳng định cái tôi và khả năng của mình luôn là đúng. Khi kiến thức xuất phát từ kinh nghiệm thì nó chỉ đúng với một nhóm người cùng thể trạng, đặc tính, …
b. Tập trung dạy phương pháp học: Thời gian sau này, em dạy chuyên môn rất ít, mà dạy phương pháp học nhiều hơn, cụ thể là phương pháp tiếp nhận cái gì đó mới.
Ví dụ em kích thích bản năng khám phá và xử lý dưới nước của học viên bằng cách khởi đầu bài học bằng cách cho học viên làm quen dưới nước. Học viên muốn làm gì cũng được khi ở dưới nước. Đây không phải là một bài tập. Nó chỉ là một kỹ năng cực kỳ cơ bản thôi. Học viên nào hiểu được điều này và khai thác được hết các bài tập ban đầu của em bằng cách khởi động bằng thả lỏng, khám phá bản thân, khám phá môi trường, khám phá được các tác động mà môi trường lên mình thì họ đã tiếp nhận một phương pháp tự học mới rất hiệu quả.
c. Khai thác bản năng dưới nước của mỗi người:
Trước năm 2013 thì nhu cầu học đứng nước của học viên gần như không có, sau 2013 thì mới có nhu cầu này. Khác biệt này xảy ra đến từ khác biệt trong phương pháp đào tạo. Khi học viên được dạy kỹ năng từ đầu, chứ không phải khai thác và nhận biết bản năng từ đầu, họ nghĩ rằng đứng nước là một kỹ năng cần phải học trong quy trình. Tuy nhiên, con người có bản năng tự nhiên để di chuyển bản thân từ A đến B dù trong môi trường nào. Và khi được yêu cầu, bản năng sẽ biết tìm cách. Vậy nên, hãy để cho học viên nhận biết bản năng này, được thử khai thác nó, được thử làm sai rồi chỉnh sửa để làm cho đúng.
d. Dạy bơi không phải là bán thời gian mà là bán sản phẩm:
- Khi bán sản phẩm là dù dạy 1 học viên hay dạy 3 học viên thì chất lượng đầu ra đều như nhau. Điều này đồng nghĩa với việc học phí của mỗi học viên trong lớp 1 người hay lớp 3 người đều như nhau. Còn bán thời gian thì khi dạy lớp 3 học viên chất lượng khác lớp 1 học viên, dẫn đến học phí của mỗi học viên cho lớp 3 học viên thường rẻ hơn học 1 – 1. Em đang bán sản phẩm chứ không bán thời gian.
- Bản thân em hiện tại khi gặp nhu cầu lớp 1 học viên cũng cân nhắc kỹ nhu cầu và khả năng. Vì với lớp 1 – 1, mức độ quan tâm của thầy dành cho học viên là 100%. Đối với một số học viên, đây sẽ vô hình tạo nên một áp lực trong quá trình học của họ. Em đã từng dạy 1 – 1, sau đó chị học viên bị áp lực nên chuyển thành lớp 2 học viên để thoải mái hơn.
e. Khi nghĩ rằng, mình đang đào tạo chứ không chỉ huấn luyện, mình sẽ có tư duy và cách tiếp cận hiệu quả và rộng mở:
Với em, đào tạo giống như một dự án có thành phẩm rõ ràng thấy được. Huấn luyện là một bước/ một phần cụ thể trong đó. Đào tạo và huấn luyện sử dụng những kỹ năng khác nhau. Em đã làm công việc Huấn luyện, giờ em đang tiếp tục chinh phục con đường Đào tạo. Em nghĩ, các bạn mới bắt đầu hãy thử nghĩ theo cách này để tìm được con đường phù hợp cho mình.
Bài viết liên quan: