Học kinh doanh có giúp kiếm việc dễ hơn? – Hướng nghiệp cho người thuộc nhóm Quản lý

Giới thiệu

Lời tôi thường nghe nhất từ các học sinh lớp 12 và quý cha mẹ là, ‘Học ngành thương mại (hay kinh tế) để đảm bảo sau này có việc làm,’ và lý do mà họ đưa ra là ‘Ở thời đại này, nơi nào cũng cần người tốt nghiệp nhóm ngành kinh doanh’. Quan điểm trên có lúc đúng và có lúc sai. Hôm nay, tôi viết bài này để chia sẻ với các em và quý cha mẹ từ góc nhìn của một người làm hướng nghiệp những điều sau:

  • Nhóm Quản lý có các đặc điểm gì?
  • Những người thuộc nhóm Quản lý phù hợp với các ngành học và công việc gì?
  • Có phải tất cả các ngành liên quan đến kinh tế và thương mại đều phù hợp với nhóm Quản lý hay không?
  • Có phải cứ học nhóm ngành kinh tế và thương mại là sẽ đảm bảo có việc làm sau khi hoàn tất việc học hay không?

Nhóm Quản lý – họ là ai?

Theo học thuyết Holland, các bạn thuộc nhóm Quản lý có những đặc điểm như sau:

  • Họ thích và có khả năng lãnh đạo và thuyết phục người khác (bạn bè đồng lứa) làm theo mình.
  • Họ thích buôn bán (hàng hóa và ý tưởng) từ nhỏ.
  • Họ không yêu thích các hoạt động hay môn học đòi hỏi sự quan sát kỹ càng, nghiên cứu và phân tích.
  • Trong một nhóm người, khi cần người đứng ra lãnh đạo, họ sẽ không ngần ngại là người lên tiếng dù cho họ chưa biết hết việc cần làm hay chưa có đủ khả năng cho công việc ấy.
  • Họ thích và có khả năng lấy được sự tin phục của bạn đồng lứa, thành viên gia đình, hay người xung quanh.
  • Họ có khả năng ra quyết định, thường là người quyết đoán, và ít có nhu cầu suy nghĩ quá kỹ khi trước khi làm một việc gì đó.
  • Họ xem trọng sự thành công trong những vai trò quản lý lớp/nhóm. Họ thích nghĩ đến việc kiếm nhiều tiền.
  • Họ thường là người năng động, có tham vọng, và giao tiếp tốt.

Những người thuộc nhóm Quản lý phù hợp với các ngành học và công việc gì?

Từ khi còn rất nhỏ, các bạn thuộc nhóm Quản lý đã tỏ ý thích về việc kiếm nhiều tiền trong tương lai, giữ các vị trí quan trọng trong công ty, hay trở thành người thành công được nhiều người biết đến.

Các bạn nhỏ thuộc nhóm này chưa bao giờ ngại ngần nói ‘không’ với cha mẹ, lanh lẹ trong việc giao tiếp với người khác, thường biết mình muốn gì, không ưa bị ép làm điều họ không thích, và khá giỏi trong việc thuyết phục cha mẹ theo ý mình.

Theo nghiên cứu của công ty ACT (American College Testing), người nhóm Quản lý phù hợp với những công việc liên quan đến ‘quản trị và quản lý trong doanh nghiệp tư nhân, marketing và bán hàng, các dịch vụ liên quan đến tuyển dụng, các vị trí quản trị và quản lý trong cơ quan nhà nước, trường học.’ Do đó, các ngành học nào liên quan đến quản trị doanh nghiệp, quản lý nhân sự, marketing, bán hàng, quản lý công, quản trị giáo dục đều phù hợp. Cụ thể hơn, bất cứ ngành học nào đòi hỏi khả năng làm việc với con người, sở thích về quản trị, quản lý, lãnh đạo con người, khả năng học thương mại, kinh tế, kinh doanh, chính trị, đều phù hợp. Tuy nhiên, cần phải để ý là nhóm Quản lý rất không thích và không giỏi tự nhiên khi phải chú ý đến chi tiết, sự ngăn nắp, sắp xếp nên trừ khi họ cũng thuộc nhóm Nghiệp vụ, họ sẽ không học tốt các ngành học đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chi tiết, số liệu, sắp xếp, phân tích nhiều.

Có phải tất cả các ngành liên quan đến kinh tế và thương mại đều phù hợp với nhóm Quản lý hay không?

Như đã nói ở trên, trừ khi cũng có những đặc điểm thuộc nhóm Nghiệp vụ (sẽ nhắc đến trong bài viết sau), các bạn nhóm Quản lý không phù hợp với các ngành liên quan đến kinh tế hay thương mại nhưng đòi hỏi kỹ năng để ý chi tiết, kỹ năng phân tích và làm việc với dữ liệu, kỹ năng sắp xếp và ngăn nắp như Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng, v.v.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nhóm thứ hai hay thứ ba của họ, sẽ có nhiều bạn thuộc nhóm Quản lý thích làm việc trong các lĩnh vực như chính trị, giáo dục, kỹ thuật, nghệ thuật ở vị trí quản trị, quản lý, bán hàng, khởi nghiệp, v.v. Do đó, họ có thể chọn ngành học ở bậc Cao học, hay học ngành thứ hai, hay tham gia các hoạt động bên ngoài để thỏa mãn sở thích và khả năng khác của họ.

Có phải cứ học nhóm ngành kinh tế và thương mại là sẽ đảm bảo có việc làm sau khi hoàn tất việc học hay không?

Trước khi trả lời, tôi xin đặt vài câu hỏi sau cho độc giả cùng phân tích:

  • Với một người không thích xã giao, không ưa bán hàng/ý tưởng, không giỏi thuyết phục người khác, không nhạy trong các môn học kinh tế, họ có thể học tốt ngành đòi hỏi những kỹ năng trên không?
  • Nếu không học tốt được những ngành này, điều gì sẽ xảy ra suốt thời gian học của họ? Có phải là họ sẽ tốn nhiều thời gian để học hơn, điểm cũng thấp hơn, tự tin xuống dốc, động lực đi học cũng thấp đi, không thấy hợp với bạn đồng học, và luôn cảm giác mình không bằng bạn bè trong lớp?
  • Nếu câu trả lời cho câu hỏi thứ hai là ‘có’, thì khi tốt nghiệp, nộp đơn tìm việc làm, các bạn này có thể nổi bật trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng, có thể nổi bật trong công việc liên quan đến ngành họ đã học không?

Ý của tôi là, dù một ngành nghe tên có hấp dẫn đến đâu, hiện đang tuyển dụng nhiều đến đâu, mà người học nó không có khả năng tự nhiên để học tốt, không thích để tìm tòi khám phá thêm, không xây dựng được mạng lưới bạn bè trong lúc học, thì sẽ rất khó để họ tìm một công việc phù hợp sau khi hoàn tất việc học.

Lời kết

Với xã hội thời hiện đại được xây dựng quanh lĩnh vực thương mại và kinh doanh, tôi nghĩ sẽ rất hữu dụng cho bất cứ một người trẻ nào để học thêm kiến thức của nhóm ngành này. Tuy nhiên, chỉ nên là ‘học thêm’ chứ không nên là học chính. Học thêm ở đây là học một, hai, hoặc ba lớp về tài chính, kế toán, kinh tế vĩ mô/vi mô để có kiến thức thực tiễn khi ra đời, đặc biệt cho các bạn nhóm Xã hội hay Nghệ thuật. Nhưng nếu các bạn bị yêu cầu học Cử nhân Thương mại (hay Marketing, hay Quản trị kinh doanh) rồi mới học ngành mình thích sau thì tôi sẽ rất lo lắng (trừ khi các bạn có nhóm Quản lý trong hai nhóm cao nhất của họ) vì khả năng học tốt, học giỏi, và ra trường đúng hạn sẽ rất khó cho những người không phù hợp với nhóm ngành thương mại và kinh doanh.

Nội dung trích lược từ: Những điều cần biết khi hướng nghiệp các ngành kinh doanh của RMIT & Cha Mẹ