Họa sĩ – Giám đốc phát triển sản phẩm

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 26
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân Sư phạm Mỹ thuật
  • Số giờ làm hằng tuần: 85 – 90 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty giáo dục – 34 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Hiện giờ mình đang là Giám đốc phát triển sản phẩm cho một công ty giáo dục Mỹ thuật.

Mình phụ trách nghiên cứu, bảo trì và cải tiến toàn bộ hệ thống sản phẩm, nhằm đem lại các sản phẩm mới và các ý tưởng sáng tạo.

Việc nghiên cứu này bao gồm cả trực tiếp giảng dạy, đảm bảo giáo trình và chất lượng đào tạo ở các chi nhánh khác nhau tại Hà Nội và Tp.HCM của công ty.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Mình bắt đầu vào nghề này từ năm thứ 3 đại học, đơn giản vì giáo dục mỹ thuật là ngành học chính của mình ở trường. Lý do mình học là vì mình may mắn được tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm, và quan trọng hơn là có ý thức cố gắng chăm chỉ luyện tập thường xuyên. Mình cũng có điểm mạnh là khả năng học nhanh những môn liên quan đến mỹ thuật. Điều nữa là đặt sự quan tâm tới mọi điều xung quanh – gia đình, bạn bè, thú cưng,… Có thể nói là những điểm này đem tới cơ hội cho mình ở công việc hiện tại.

Công việc này còn mang mong muốn xa hơn của nhóm. Đó là chúng mình muốn chia sẻ, nâng cao kiến thức và kỹ năng hội hoạ tới nhiều người hơn. Từ đó nâng cao trình độ thẩm mỹ cho xã hội.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8:00 – 12:00 Kiểm tra email, giải quyết các công việc trực tiếp và qua email, facebook, điện thoại
13:30 – 17:30 Đào tạo nhân sự giảng dạy mới hoặc nghiên cứu sản phẩm giáo dục mới
18:30 – 21:30 Dạy lớp Mỹ thuật ca tối hoặc đi dự giờ để nắm bắt tình hình sản phẩm
Ghi chú Thỉnh thoảng mình vẫn duy trì việc vẽ, sáng tạo các tác phẩm cá nhân để không bị lụt tay nghề

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Tính nhất quán với nghệ thuật, sự thoải mái sáng tạo. 
  • Được làm việc nhiều với các hoạ sĩ trẻ, từ đó trau dồi chuyên môn.
  • Thấy được giá trị thực tế công việc mình đang làm mang lại cho xã hội. 

Công việc này là giúp các bạn học viên hiểu hơn về Hội hoạ, thấu hiểu công sức và khó khăn trong công việc của các hoạ sĩ. Từ đó, cộng đồng sẽ có sự công nhận chắc chắn hơn vào giá trị các tác phẩm Hội hoạ. Xa hơn nữa là góp phần phát triển nền Mỹ thuật Việt Nam.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Đa số đồng nghiệp của mình còn khá trẻ. Đôi khi mình phải quản lý đồng nghiệp với tính cách ưa tự do, thích thể hiện cái tôi không đúng thời điểm. 
  • Tương tự, đồng nghiệp của mình cũng chưa nhận thức được sự cần thiết của những kỹ năng cơ bản của người lao động trong thời đại 4.0.

Để vượt qua những điều mình không thích này, mình và các bạn đồng nghiệp cần tự điều chỉnh và trau dồi kỹ năng tương tác với đồng nghiệp qua thời gian. Mình xác định chúng mình cùng chung sứ mệnh thì sẽ gắn bó được với nhau, nên sẽ cho nhau thời gian để trao đổi và điều chỉnh theo hướng tích cực.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Với vị trí quản lý chuyên môn và phát triển sản phẩm, mình thấy bạn cần:

  • Cần một cái nhìn thoáng, giảm bớt cái tôi trong nghệ thuật.
  • Tôn trọng tất cả các phong cách, ý tưởng, trường phái,… của Hội hoạ.
  • Luôn có tư duy học hỏi, công nhận cái tốt và chỉ ra điểm còn hạn chế theo hướng tối ưu chứ không bài trừ, trù dập.
  • Có thái độ cầu thị, học hỏi từ tất cả các thành viên trong công ty vì mỗi người có một thế mạnh, sở trường, kho kiến thức và kỹ năng khác nhau.
  • Tôn trọng sự đa dạng trong mọi mặt của cuộc sống.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Công việc của mình hay bị hiểu lầm là chỉ đi dạy vẽ hoặc chỉ là hoạ sĩ với tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, thiếu thực tế. Họ hiểu sai như vậy là do định kiến từ công việc này từ xưa, hoặc do một số giai thoại trong lịch sử về Hội hoạ đã xây dựng nên hình ảnh nghệ sĩ phá cách, không cần kỷ luật, cố gắng.
  • “Nghệ thuật chỉ dành cho con nhà nòi” là một hiểu lầm khác. Bản thân mình có rất nhiều áp lực với việc bị so sánh với những người làm nghệ thuật khác trong gia đình. Đừng mặc định là mình sinh ra đã vẽ đẹp hơn người khác, tất cả đều là do thật sự đam mê và cố gắng, chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày. Thậm chí, sự khó chịu khi phải mang cái danh hão ấy đôi khi còn là gánh nặng.
  • Con đường từ học ra đi làm là một đường thẳng. Dù nói là công việc hiện giờ đúng với ngành mình đã học nhưng chặng đường từ khi có ý tưởng, kết nối, mở lớp đầu tiên rồi bây giờ là phát triển nhiều chi nhánh, nhiều lớp học khác nhau thì rất dài, toàn chuyện khổ cực và khó khăn thôi. Các bạn cứ biết là mình và đồng nghiệp luôn cố gắng và có trách nhiệm với công việc là được rồi. 

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Nói đơn giản thì có.

Thu nhập của một nghệ sĩ thì mình không nắm rõ, còn lương trung bình của giáo viên mỹ thuật tại công ty mình thì khoảng từ 5 – 10 triệu/ tháng.

Yếu tố ảnh hưởng tới mức lương này là khả năng và thời gian cung cấp được cho công việc.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

  • Đầu tiên là hãy quên cái tôi đi và làm việc chăm chỉ bằng hoặc hơn những người khác. Bản thân mình dù đi xin việc làm thuê hay khởi nghiệp thì đều là quá trình “hội nhập” vào một tập thể nhỏ hoặc một thị trường lớn. Nếu chỉ chăm chăm giữa cái tôi cá nhân mà bỏ qua phần làm quen, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm thì sẽ không thể tồn tại được ở bất cứ đâu.
  • Thứ hai là không được ngại thay đổi, vì một bức tranh chỉ đẹp khi được xã hội công nhận, chứ không thể chỉ đẹp trong mắt hoạ sĩ đó. Phải chịu khó tiếp thu ý kiến, cập nhật những cái hay, cái mới và thay đổi bản thân theo hướng vừa tích cực hơn và vừa phù hợp với hoàn cảnh chung của xã hội thì mới tồn tại được.