1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 31
- Giới tính: Nam
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5,5 năm
- Trình độ học vấn và chuyên ngành: Cử nhân Ngôn ngữ Anh và Cử nhân Quản trị Kinh doanh
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Nghiệp vụ Sư phạm
- TESOL DIPLOMA Việt Nam và Canada
- Chứng chỉ Giảng dạy Kỹ năng mềm (ĐH Sư Phạm TP.HCM)
- Chứng chỉ Tham vấn tâm lý (ĐH KHXH&NV)
- Foundation in Soft Skills Program (Ubiquity University)
- Chuyên viên Hướng nghiệp Sài Gòn K10 (Hướng nghiệp Sông An)
- Indigo Level 1 Certification Course
- 7 Habits of Highly Effective People (Franklin Covey Vietnam)
- Chính sách Bảo vệ trẻ em (Canadian International School System)
- Moving School (Asian Lay Leaders Forum and Saigon Pastoral Center)
- Số giờ làm hằng tuần: 17h/ngày, riêng Thứ Bảy và Chủ Nhật sẽ trực cách tuần 24/24.
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Bộ phận Nội trú riêng biệt, nằm trong quy mô của hệ thống trường quốc tế. 4 thành viên cơ hữu sẽ đảm nhận nhiệm vụ chăm lo đời sống trực tiếp cho các học sinh Nội trú. Các phòng ban như: Buồng phòng, Y tế, Tham vấn, Bảo vệ, Y tế, Bếp ăn, Bảo trì, Cây xanh,… hỗ trợ chặt chẽ để tạo môi trường tốt nhất cho học sinh.
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
Mình có 2 trách nhiệm chính: quản lý vận hành khu Nội trú và chăm sóc đời sống tinh thần cho học sinh.
Quản lý vận hành
-
- Phối hợp với các phòng ban như: buồng phòng, bus, bảo vệ, bếp ăn, bảo trì để đảm bảo cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ học sinh tốt nhất có thể.
- Tuyển dụng, quản lý, đánh giá giáo viên Nội trú.
- Hỗ trợ tuyển sinh, tiếp đón phụ huynh mới tham quan.
Chăm sóc đời sống tinh thần học sinh
-
- Kết nối với Ban Giám hiệu, GVCN và giáo viên bộ môn để hỗ trợ học sinh kịp thời về học tập và đời sống.
- Phối hợp cùng bộ phận Y tế để nắm bắt tình hình sức khoẻ và hỗ trợ học sinh khi cần, có thể đưa học sinh đi khám/chữa bệnh.
- Phối hợp cùng bộ phận Tham vấn tâm lý, Tham vấn hướng nghiệp, phòng Học vụ và phòng Kiểm soát hành vi để kịp thời nắm bắt tình hình đời sống của học sinh.
- Giữ liên lạc với phụ huynh để cập nhật tin tức và phối hợp, hỗ trợ khi cần.
- Trò chuyện, hỏi han, động viên học sinh thực hiện theo chương trình sống hàng ngày và nhắc nhở các con về lễ nghi phép tắc: đi thưa về trình, nói lời xin lỗi, cảm ơn,…
- Tổ chức các chương trình sinh hoạt, vui chơi như: chơi thể thao, xem phim, mua sắm cùng học sinh. Bất kì khi nào học sinh cần, mình sẽ hỗ trợ hết mức có thể.
- Giữ liên lạc với cựu học sinh và nhờ các bạn hỗ trợ khi cần.
Giờ ngồi liệt kê ra mới thấy có quá nhiều việc không tên. Để dễ tưởng tượng, mình cứ nghĩ đến vai trò (thường là) của một người cha trong gia đình: lo về điện nước, thiết bị hỏng hóc trong gia đình. Trách nhiệm người cha thể hiện trong việc quản lý, vận hành khu Nội trú của mình. Và vai trò (như là) người mẹ được thể hiện qua khía cạnh chăm sóc đời sống tinh thần cho học sinh: lắng nghe, trò chuyện, động viên, an ủi, dạy dỗ và cả cả răn đe. Đó có thể là cùng học sinh đi xem phim, mua sắm, ăn uống bên ngoài hoặc cùng đi dã ngoại, du lịch. Việc phối hợp nhịp nhàng các nhiệm vụ này không chỉ giúp công ty yên tâm với dịch vụ cung cấp cho phụ huynh – học sinh, mà xa hơn, chúng còn giúp cho học sinh có một môi trường an toàn về thể chất và tinh thần để từ đó học sinh có thể phát triển một cách tốt nhất.
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
-
- Bước ngoặt bén duyên với nghề
Sau tốt nghiệp, mình dành 3 năm để làm tình nguyện, khám phá bản thân và từ đó, mình nhận ra mình rất có đam mê với giáo dục và muốn thử sức ở mảng này. Mình chớp lấy cơ hội khi tham gia khóa thực tập sinh ở Philippines để học hỏi thêm về mảng giáo dục và nâng cao khả năng Tiếng Anh. Giai đoạn 6 tháng ở Philippines như là một phép thử để mình xem xét bản thân có phù hợp với môi trường giáo dục hay không và mình có thể làm gì ở lĩnh vực này. Kết thúc 6 tháng đó, mình thấy được sự thú vị của nghề và quyết tâm tìm kiếm cơ hội để có thể chính thức “gia nhập” vào lĩnh vực giáo dục.
-
- Con đường dấn thân để hiểu mình – hiểu nghề
Lần đầu tiên mình làm công việc này là tháng 08/2017. Khi đó, bạn mình rủ rê mình qua Cebu, Philippines để làm Thực tập sinh Quản lý học viên tại một trường Anh ngữ. Mình làm công việc này trong 6 tháng với nhiệm vụ chăm sóc đời sống Nội trú xa nhà cho các bạn học viên Việt Nam đa dạng lứa tuổi (từ 15-45 tuổi). Sau này, khi về lại Việt Nam, mình gặp khá nhiều khó khăn trong việc chuyển ngành, vì chuyên ngành chính của mình liên quan đến Kinh tế, trong khi kinh nghiệm về lĩnh vực Giáo dục lại không đủ.
Tháng 08/2018, mình bắt đầu công việc Trợ giảng lớp Tiếng Anh cho học sinh lớp 1 và lớp 2 tại một trường Quốc tế. Sau vài tháng đi làm, cô Hiệu phó có giới thiệu công việc Giáo viên Nội trú cho mình, nhưng mình từ chối. Đến tháng 08/2019, khi quyết định gắn bó lâu hơn với mảng giáo dục và mong muốn được làm gì đó nhiều hơn cho các bạn học sinh cấp 2 và cấp 3, cũng như thử thách bản thân, mình đã ứng tuyển vào vị trí Giáo viên Nội trú ngay khi nhận thông báo tuyển dụng từ cô Hiệu phó.
Sau khi được nhận, mình bắt đầu quản lý khu Nội trú Nam và xây dựng kế hoạch sinh hoạt chung cho toàn bộ khu Nam – Nữ. Qua thời gian, mình dần được chuyển giao công việc bởi người tiền nhiệm, từ đó từng bước học cách quản lý và vận hành khu Nội trú. Đến tháng 07/2020, sau cuộc trò chuyện với quý Hội đồng quản trị của tập đoàn, mình đã nhận được quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Nội trú (Head of Boarding House) của cả hệ thống gồm 3 trường đơn ngữ/song ngữ.
-
- Ảnh hưởng từ gia đình
Gia đình mình không ở Sài Gòn. Khi lên Sài Gòn học, mình ở cùng các anh chị em ruột và anh chị em họ hai bên nội – ngoại. Quyết định đi làm xa gia đình là điều rất mới mẻ với mình. Năm đầu tiên mình từ chối công việc cũng là vì mình chưa sẵn sàng với việc ra riêng. Với mình khi ấy, gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. Sau này, khi chị gái lập gia đình và anh trai đi làm xa, mình nghĩ chắc cũng đã đến lúc để mình có một bước chuyển mới. Khi đó, ba mình la quá trời vì anh chị bỏ lại thằng út ở một mình, nhưng sau khi giải thích và động viên, dần ba má cũng hiểu cho quyết định của mình. Hiện tại, cả nhà ai cũng vui với công việc của mình. Nhà có 4 anh chị em, 2 người ở Bình Thạnh, 2 người ở Quận 7 nên mỗi lần tụ tập cũng dễ dàng.
-
- Quyết định gắn bó lâu dài
Từ khi làm công việc này, mình thấy thích thú dữ thần luôn. Mình cảm giác như được quay lại thời học sinh, vui và năng lượng lắm. Công việc này cũng giúp mình lớn lên rất nhiều khi phải đảm nhiệm vai trò của một người cha, người mẹ của vài chục học sinh từ đủ vùng miền, đủ nền văn hoá. Với tính chất công việc đặc thù, mình phải không ngừng nâng cấp bản thân và giữ được sự linh hoạt, tỉnh táo. Vì vậy, nếu được chọn lại, mình sẽ chọn làm công việc này sớm hơn (cười lớn).
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
06:30 | Gọi học sinh dậy, cập nhật tình hình sức khoẻ xem các bạn có ốm đau hay mệt gì không. |
07:00 | Xem học sinh đã dậy và dọn dẹp giường, soạn cặp vở sẵn sàng chưa, sau đó “lùa” các bạn đi ăn sáng. |
07:30 | “Lùa” ăn sáng lần nữa và nhắc học sinh đón bus đi học. |
08:00 – 15:00 | Giờ nghỉ. Tuy nhiên, trong trường hợp học sinh cần đi bệnh viện hoặc cần hỗ trợ khẩn cấp, mình vẫn có thể linh động sắp xếp. |
15:00 – 15:50 | Đón học sinh về lại Khu Nội trú và điểm danh. |
16:30 – 17:30 | Chơi thể thao cùng học sinh: cầu lông, chạy bộ, đá banh, tập gym,… |
17:30 – 19:00 |
|
19:00 – 21:30 |
|
21:30 – 22:00 |
|
22:00 – 23:00 |
|
Ghi chú |
Thời gian làm việc trong tuần như sau:
Khi cần hỗ trợ vào lúc học sinh bị bệnh, gia đình cần đưa đón sớm hơn, hoặc trong các dịp tập huấn, dã ngoại, thi cử, mình có thể sắp xếp hỗ trợ thêm. Đối với các dịp lễ Tết, mình sẽ vào khu Nội trú vào 12h trưa ngày cuối của kỳ nghỉ để chuẩn bị đón học sinh. |
5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Thích nhất
-
- Được làm việc cùng các bạn trẻ và học được rất nhiều từ các bạn: năng lượng, sáng tạo, nhanh nhạy.
- Đồng hành, hướng dẫn và lắng nghe những câu chuyện của học sinh.
- Được làm ba làm mẹ của mấy chục đứa con to đầu nên được học và thực hành làm ba mẹ từ sớm (cười).
- Được làm anh hai của một bầy em út, được “quậy”, “nghịch” cùng tụi nhỏ, kiểu như “chữa lành” đứa trẻ bên trong của chính mình. Những điều ngày tuổi teen mình chưa kịp làm, giờ đây, gần như mình đã được đám nhỏ “đồng hành” trên mọi nẻo đường.
- Được chia sẻ, hướng dẫn học sinh sống sao cho tử tế, vui buồn cùng các bạn, có cơ hội truyền cảm hứng đến cho các bạn.
- Được thử thách bản thân ở công việc “hiếm” tại Việt Nam, phải chủ động và học hỏi, nâng cấp bản thân không ngừng.
- Là thành viên tham gia trực tiếp và xuyên suốt vào quá trình nộp đơn, khảo sát, phỏng vấn và chuẩn nhận đạt chuẩn CoIS (Hệ thống các trường Quốc tế) của Khu Nội trú. Quá trình này bắt đầu từ khoảng tháng 04/2020. Hiện tại, Khu nội trú mình làm việc là Khu Nội trú thứ 2 tại Việt Nam đạt chuẩn CoIS.
- Được gặp gỡ các học trò từ nhiều vùng miền, quốc gia với đa dạng nền văn hoá.
- Được phép sáng tạo và đổi mới, được tin tưởng và trao quyền.
Không thích nhất
-
- Thời gian làm việc khá nhiều. Đôi lúc, mình cảm thấy hơi khó chịu vì điện thoại luôn phải cầm trong tay và phải trả lời tin nhắn mọi lúc mọi nơi: từ học sinh, phụ huynh, giáo viên, các phòng ban,… đặc biệt là các dịp đầu năm học, thi cử.
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
- Có hiểu biết về tuổi teen: từ sở thích, tâm lý, đến tính cách.
- Hiểu biết về văn hoá, vùng miền.
- Nghiệp vụ sư phạm và sự chia sẻ, hướng dẫn chân thành.
- Tìm hiểu, học hỏi về Nội trú.
- Hiểu biết về hướng nghiệp, ngành nghề để trò chuyện cùng các bạn hoặc phụ huynh.
- Khả năng tiếng Anh tốt, vì có phụ huynh và học sinh nước ngoài; hoặc để trao đổi với với giáo viên bản xứ về học sinh.
- Kiến thức về quyền Trẻ em, Bảo vệ trẻ em
- Cởi mở và biết cách lắng nghe
- Vị tha, giàu lòng trắc ẩn: vui buồn cùng học sinh và sẵn sàng bỏ qua khi các bạn sai phạm, răn đe khi cần và quan trọng nhất là trao niềm tin, gửi lời động viên để các bạn can đảm bước tiếp.
- Tính kiên nhẫn
- Chính trực, chân thành.
- Truyền cảm hứng.
Tóm lại, vì là người ở theo sát học sinh nên mình sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn nhỏ, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy, nếu bạn có ý định làm việc trong mảng giáo dục nói chung và quản lý khu Nội trú nói riêng, thì việc trau dồi phẩm chất và đạo đức, hình thành và rèn luyện thái độ ham học hỏi, cầu thị, tích cực cũng là điều rất cần cho học sinh.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
“Công việc hà khắc, giáo viên hắc ám, nội trú như ở tù, thầy cô Nội trú như cai ngục…”.
Đó là những gì mà mình đã từng nghe người khác nói về công việc này. Có thể một phần do trước đây, họ nghĩ Nội trú là dành cho những học sinh bất trị, gia đình không quan tâm đến con cái. Nội trú như là “giải pháp” cuối cùng.
Suy nghĩ này không phù hợp với môi trường Nội trú mình đang làm. Hiện tại, nhiều phụ huynh có điều kiện, họ muốn cho con cái được tiếp cận với môi trường giáo dục tốt hơn hoặc tạo bước đệm hình thành lối sống tự lập cho con trước khi du học, thế nên họ chọn môi trường Nội trú quốc tế. Cũng có rất nhiều phụ huynh ở tỉnh, dư điều kiện để cho con du học từ cấp 2-3, nhưng vì vẫn muốn con ở Việt Nam gần gũi với gia đình, nên họ chọn cho con học tại trường Nội trú Quốc tế tại Việt Nam để vừa có được bằng cấp, chương trình quốc tế, vừa thử sức bền của con trước khi “bơi” ra biển lớn.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Công việc này không phù hợp với các bạn mới ra trường. Vì phải vào vai “ba mẹ” của học sinh nên ít nhất sau khi tốt nghiệp, các bạn cần có thêm trải nghiệm sống, tích luỹ kinh nghiệm làm việc để “trưởng thành” hơn. Độ tuổi 25+ sẽ phù hợp với công việc này hơn. Thu nhập từ công việc này ổn để các bạn có thể nuôi bản thân và trau dồi thêm từ các khoá học. Môi trường làm việc mang tính quốc tế cũng giúp các bạn có nhiều động lực phấn đấu và hoàn thiện bản thân.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Chặng đường mình đến với công việc này rất tình cờ và càng đi thì mọi thứ càng rõ ràng. Nếu được khuyên các bạn trẻ, thường mình sẽ không dám khuyên đâu (cười lớn).
- Từ bản thân mình, mình nghĩ các bạn cứ khao khát, cứ dấn thân và mài giũa, nâng cấp bản thân không ngừng thì mọi thứ sẽ dần tốt lên rất nhiều. Không cần phải so sánh với người khác, cứ so sánh với bản thân của ngày hôm qua, tháng trước, năm trước, mình đã làm được gì rồi? Đã ráng hết sức chưa? Ráng thêm xíu nữa được không? Khi đã làm đầy đủ các bước đó rồi thì điều quan trọng tiếp theo chính là NHẪN NẠI. Đôi lúc, thành quả đến lâu hơn mình nghĩ, hoặc chẳng biết thành quả khi nào đến, hãy cứ “Vững tâm, bền chí ắt thành công”.
- Chủ động, phải rất chủ động. Vì đây là ngành học chưa được đào tạo chính thức tại Việt Nam nên tất cả những kiến thức chuyên ngành phải tự học và tìm kiếm.
- Cộng đồng, mạng lưới chuyên gia cũng là điều bạn cần xây dựng. Những nhân tố này sẽ giúp bạn vượt qua được những lúc “nản” trong lúc làm nghề. Họ cũng là người “gợi” thêm ý chí để bạn đi tiếp trên hành trình “ươm mầm”.
Bài viết liên quan: