Thông tin căn bản
- Tuổi: 37 TUỔI
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 4 năm kinh nghiệm nhân viên bán hàng, 4 năm kinh nghiệm quản lý cấp trung, 7 năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp
- Trình độ học vấn: 12/12 (bỏ ngang năm cuối Cao Đẳng CN4 – Khoa Điện Công Nghiệp)
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chuyên viên tài chính cao cấp, Chuyên viên tư vấn tâm lý trong Doanh Nghiệp, Quản lý cấp trung, CEO, Lead Life Jesus
- Số giờ làm hằng tuần: 40 tiếng
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty Cổ phần – 12 nhân viên
Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?
Trách nhiệm của CEO
- Hoạch định chiến lược
- Quản trị
- Marketing
- Kinh doanh
- Kiểm soát tài chính
- Báo cáo
Giá trị công việc
- Đảm bảo tăng trưởng doanh thu
- Phát triển nguồn nhân lực kế thừa
- Đảm bảo hiệu quả truyền thông của khách hàng
Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Ngày bé mình thường nghe người lớn bảo rằng: “Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”, nó thật đúng với bản thân mình. Từ lúc bước ra khỏi cánh cổng trường THPT, mình bắt đầu hành trình “bèo dạt mây trôi”. Mình đã chọn một ngành học mà mình không hiểu gì về nó, mà chọn chỉ vì có nhiều bạn học cùng. Khi đó mình nghĩ rằng học chung cho vui, cho khỏi lẻ loi nơi phố thị không người quen biết. Đó là một ý niệm chọn nghề kiểu cỏ dại, “trời sinh voi nên trời sẽ sinh cỏ”.
Khi học hết năm hai, đầu năm ba chuẩn bị tốt nghiệp cử nhân thì mình mới nhận ra ngành Điện không thuộc về mình. Thế là dứt áo ra đi khỏi trường cao đẳng, tự cấp cho mình chứng chỉ vào đời với chức danh “nhân viên kinh doanh” (NVKD). Nghe có vẽ oách lắm, mà thực tế vị trí ấy vốn là “nhân viên tiếp thị sản phẩm” nhưng vì bị kỳ thị từ người tiêu dùng lẫn sự thờ ơ của người tìm việc, nên các công ty sản xuất thời ấy dùng cụm từ “NVKD”. Nó mới lạ hơn, nhưng thực chất tuy hai là một nhưng tuy một mà hai.
Khi bắt đầu, mình nghĩ công việc đơn giản là đi giới thiệu sản phẩm mới, bán sản phẩm đó cho người cần. Nhưng nếu chỉ dừng ở đấy thì có lẽ mình đã không bao giờ chọn nó làm cái nghiệp để theo lâu dài.
Sau một thời gian làm việc, mình nhận ra công việc này là một công việc tuyệt vời. Giá trị của công việc này không chỉ nằm ở việc bán được hàng để tăng doanh thu, mà đây là công việc của sự “Giao Tiếp”, của sự “Kết Nối”. Xã hội sẽ thật sự phát triển khi và chỉ khi được “Kết Nối” từ sự “Giao Tiếp” thường xuyên giữa con người với con người. Bản thân mình luôn phấn đấu để vươn lên. Mình nhận ra chỉ có “Giao Tiếp & Kết Nối” mới chính là con đường giúp mình phát triển. Thật may mắn, mình đã tìm được chính mình nơi vị trí công việc này.
Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
8h00 – 8h30 | Kiểm tra email, chọn mức độ ưu tiên để xử lý theo trình tự |
8h30 – 9h30 | Kiểm tra lại toàn bộ các báo cáo từ quản lý cấp trung chuyển lên, duyệt các đề xuất nếu có. |
9h30 – 10h30 | Khoản thời gian họp với quản lý cấp trung (QLCT) của các bộ phận |
10h30 – 11h30 | Làm việc với đối tác & nhà đài |
11h30 – 12h00 | Xử lý công việc ngoài kế hoạch |
13h30 – 17h30 |
|
Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Kết nối & Sáng tạo
- Kết nối: Chúng ta hãy hình dung cơ chế vận hành xã hội giống như cơ thể con người, các cơ quan nội tạng liên kết với nhau bởi các hệ thần kinh và mạch máu, nếu các hệ cơ quan nội tạng thiếu sự liên kết này thì chúng ta có thể tồn tại và phát triển hay ko? Nhìn rộng hơn là xã hội, không ai thành công mà không cần sự kết nối giữa người với người, đó chính là hệ sinh thái tương sinh giúp chúng ta phát triển tốt nhất.
- Sáng tạo: Trong tất cả mọi công việc của đời sống nói chung và công việc của một nhân viên kinh doanh nói riêng, nếu chúng ta không sáng tạo để tìm giải pháp tiếp cận khách hàng một cách thông minh nhất có thể, nếu thiếu sáng tạo thì nhất định con đường đến thành công sẽ rất gian nan nếu không muốn nói là rất khó có thể thành công.
Đối với công việc bán hàng. Ví dụ: Bạn bán một sản phẩm hữu hình, bạn có thể dùng chính sản phẩm ấy để trình diễn hoặc giới thiệu một cách trực quan cho người tiêu dùng thấy, hiểu, thích rồi họ sẽ quyết định mua. Nhưng nếu bạn bán một sản phẩm vô hình, bạn làm cách nào để bán? Nếu bạn không thể sáng tạo những cách tiếp cận thông minh hơn đối với sản phẩm hữu hình, bạn phải trình diễn sản phẩm vô hình ấy bằng cách kích thích trí tưởng tượng của khách hàng. Nếu thiếu sự sáng tạo, liệu bạn có làm tốt?
Đối với một CEO: Nếu bạn không sáng tạo, tức bạn sẽ mãi đi theo dấu chân của người đi trước, tức là bạn tự đặt mình vào vị trí của một người quản lý chứ không phải là người dẫn đường. Vai trò của CEO là khai phá những cái mới mà người khác chưa làm, đó chính là dấu ấn giúp người CEO thành công và lưu lại giá trị.
Anh thích hai yếu tố Kết nối và Sáng tạo bởi vì các yếu tố này giúp chúng ta luôn vận động, không cho phép chúng ta dừng bước nếu chúng ta còn khao khát phát triển mỗi ngày. Đây không chỉ dừng ở góc độ phù hợp với thiên tính cá nhân, mà nó còn rất phù hợp đối với mọi đối tượng đang mưu cầu phát triển.
Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?
Sự sáng tạo bị hạn chế bởi các văn bản pháp luật “vô luật”.
Ví dụ: Sự kiện mới nhất và đình đám nhất trong ngành truyền thông quảng cáo của sản phẩm CocaCola khi họ phát triển sản phẩm tập trung vào bản sắc văn hóa của từng quốc gia.
CocaCola đã chi hàng triệu USD để chạy chiến dịch Lon Việt Nam, Lon Lào, Lon Singapore v.v… để chuẩn bị cho chiến dịch vòng loại bóng đá thế giới (World Cup), nhưng cuối cùng bị cấm vì lý do vi phạm thuần phong mỹ tục. Cá nhân anh thấy lý do này không hợp lý. Từ điển tiếng Việt có từ nào có thể thay thế tên gọi lon beer, lon sữa, lon nước ngọt?
Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Chắc các bạn đã không ít lần nghe nói rằng: “Trình Độ không bằng Thái Độ” đúng ko?
Nhưng đối với anh, hai điều ấy cũng chưa đủ nếu các bạn KHÔNG LÀM CHỦ ĐƯỢC CHÍNH MÌNH, tức PHẢI LÃNH ĐẠO ĐƯỢC BẢN THÂN trước khi LÃNH ĐẠO NGƯỜI KHÁC.
Mọi “Thành Công Tích Cực” đều phải được nuôi dưỡng bằng CON TIM YÊU THƯƠNG với một bộ óc đầy TƯ DUY TÍCH CỰC cùng THÓI QUEN thường xuyên bởi HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC.
Nếu bạn mơ ước thành công mà bạn không nuôi dưỡng ước mơ ấy bằng cả con tim, bằng tất cả trí tuệ của mình và không chịu rèn luyện bằng việc làm cụ thể, thì xin “CHÀO TẠM BIỆT MI NHÉ THÀNH CÔNG ƠI, THĂNG TIẾN ƠI”.
Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Hiểu lầm của công việc này là các bạn thường nghĩ đơn giản là cố gắng dùng sức lực đi thật nhiều nơi, bán những sản phẩm công ty hiện có, bán cái khách hàng cần, thu tiền và chấm hết.
Đa số hiểu sai bởi vì chính các bạn nhân viên kinh doanh cũng chưa ý thức được GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN (GIÁ TRỊ CHẤT XÁM VÀ GIÁ TRỊ NHÂN CÁCH VÀ HÌNH ẢNH CỦA CÁC BẠN TRONG MẮT NGƯỜI KHÁC).
Trước khi khách hàng tiếp cận sản phẩm, hình ảnh khách hàng tiếp cận đầu tiên chính là GIÁ TRỊ CỦA CÁC BẠN.
Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Công việc làm nhân viên kinh doanh không những nuôi được bạn ở mức độ nhu cầu cơ bản, mà còn nuôi tốt và đem tới thịnh vượng nữa cơ.
Mức lương căn bản thì tùy vào mỗi ngành nghề khác nhau, nhưng tất cả đều trên mức quy định của luật lao động hiện hành theo từng thời điểm. Các bạn phải hiểu rằng THU NHẬP khác với LƯƠNG.
LƯƠNG: Tính theo hệ số quy định bắt buộc từ mức tối thiểu của từng bậc lương, từng khu vực mà luật quy định.
THU NHẬP: là tổng mức Lương + tỷ lệ đạt chỉ tiêu KPI của từng vị trí công việc khác nhau + các khoản trợ cấp + thưởng khác (nếu có).
Đối với nhân viên kinh doanh, không có khái niệm sinh viên mới ra trường sẽ có thu nhập thấp còn đối với người làm thâm niên sẽ có mức thu nhập cao. Cao hay thấp nó phụ thuộc vào năng lực làm việc của từng người dựa vào điểm đánh giá kết quả làm việc theo tiêu chí đánh giá KPI của từng doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực truyền thông anh đang làm, thu nhập bình quân của một nhân viên kinh doanh dao động từ 700-1000$/ tháng.
Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Bạn muốn nhận được điều gì, thì bạn hãy làm điều ấy cho doanh nghiệp mà bạn đầu quân.
Tương tự: bạn muốn nhận điều gì, thì bạn hãy mang điều ấy cho khách hàng của bạn.
Tốt nhất là các bạn nên học đúng chuyên ngành thuộc thế mạnh của mình, theo từng lĩnh vực mà mình chọn làm nghiệp. Rất ít những người không học đúng chuyên môn nhưng vẫn thành công. Họ thành công là vì năng lực học tập của họ cực tốt. Họ có thể không học chuyên sâu nhưng khả năng học rộng vô cùng tốt và họ ứng dụng thực tế vô cùng hiệu quả.
Anh nghĩ tố chất để duy trì năng lượng và động lực cho công việc đạt kết quả cao nhất chính là “thái độ học như chưa biết gì” và “hãy làm, đừng bao giờ sợ sai”.
Bài viết liên quan: