Đây là câu hỏi cô gặp thường xuyên nhất thời gian gần đây. Chúng ta phải cẩn trọng để không cho một câu trả lời “có” hay “không” cho câu hỏi của em. Thay vào đó, cô và em cùng nhìn vào cốt lõi của sự việc để có thể tự tìm cho mình một câu trả lời sáng suốt nhất.
Đầu tiên, Báo cáo Tương lai của Việc làm 2020 của Diễn đàn kinh tế thế giới (http://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs_2020.pdf) có nêu ra những kết quả nghiên cứu sau:
- Danh sách những công việc sẽ dần giảm nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong tương lai có điểm chung là có nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ mới và được tự động hóa. Một vài ví dụ của các công việc này là Nhân viên nhập dữ liệu, Thư ký, Thư ký Hành chính và Điều hành,…
- Danh sách những công việc mới xuất hiện và được phía tuyển dụng cần trong tương lai có điểm chung là chúng phản ánh việc áp dụng các công nghệ mới, đòi hỏi năng lực làm việc và tương tác với con người rất nhiều. Một vài ví dụ của các công việc này là Chuyên viên phân tích dữ liệu, Chuyên gia Chiến lược và Tiếp thị Kỹ thuật số, Quản lý dự án, Quản lý Hành chính và Dịch vụ Kinh doanh,…
Ở đây, cô sẽ lật ngược vấn đề và hỏi em câu hỏi này, “Theo em, chương trình đào tạo của ngành Tài chính – ngân hàng và ngành Quan hệ quốc tế sẽ hỗ trợ em những kiến thức và kỹ năng nào để làm những công việc được cho là sẽ được cần hơn trong tương lai khi em ra trường?” Rất khó trả lời đúng không em? Không có bản báo cáo nào sẽ nói cụ thể rằng ngành Tài chính – Ngân hàng hay ngành Quan hệ quốc tế hay một tên ngành nào đó sẽ mở rộng hơn hay thu hẹp lại trong tương lai. Những nghiên cứu thường tập trung vào các kỹ năng hơn là tên ngành học/lĩnh vực nghề.
Chúng ta hãy nhìn vào nghiên cứu của công ty McKinsey, xuất bản năm 2021, Xác định các kỹ năng mà công dân sẽ cần trong thế giới việc làm trong tương lai (https://www.mckinsey.com/…/defining-the-skills-citizens…). Trong bài viết này, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của 56 kỹ năng nền tảng sẽ giúp người lao động phát triển trong thế giới nghề nghiệp tương lai. Điểm sáng của bài viết này là việc nhấn mạnh rằng trong một thị trường lao động ngày càng hướng về tự động hóa, kỹ thuật số và đầy biến động, một người lao động cần có những kỹ năng nền tảng để dù cho làm việc trong lĩnh vực nào hay nghề nghiệp nào, họ đều có thể:
- Gia tăng giá trị ngoài những gì có thể được thực hiện bởi các hệ thống tự động và máy móc thông minh
- Hoạt động trong môi trường kỹ thuật số
- Liên tục thích ứng với cách làm việc mới và nghề nghiệp mới.
Từ hai bài báo cáo trên, cô đề nghị em hãy chọn ngành học dựa trên các tiêu chí sau:
- Tôi có thích nó đủ để học 4 năm?
- Tôi có khả năng để học các môn trong ngành học nào ở mức khá trở lên?
Sau đó, trong khi học, hãy tự hỏi:
- Tôi có đang tìm mọi cơ hội để biến kiến thức vừa học được thành kỹ năng?
- Tôi có đang rèn luyện và tăng thêm những kỹ năng trong 56 kỹ năng nền tảng trong bài báo cáo của công ty McKinsey
Câu trả lời dài, và cô mong rằng em nghiêm túc đọc, tìm 2 bài viết mà cô trích dẫn để đọc thêm, và từ từ tập đặt ra những câu hỏi bắt mình mở rộng tầm nhìn.