Dự báo viên khí tượng

1. Thông tin căn bản

  • Tuổi: 50
  • Giới tính: Nữ
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 25
  • Trình độ học vấn và chuyên ngành: Thạc sĩ Khí tượng
  • Các chứng chỉ chuyên môn: Dự báo viên Khí tượng hạng 2
  • Số giờ làm hằng tuần: 40-48 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty: 140-150 người

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?

Đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai cho khu vực Việt Nam và Đông Nam Á.

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Ban đầu tôi thích trở thành giáo viên hoặc thành bác sĩ. Tuy nhiên, sau khi không đỗ Đại học Y Hà Nội, tôi đã chuyển sang học ngành Khí tượng theo truyền thống của gia đình, gia đình tôi có bố mẹ làm cùng nghề này. Tuy nhiên, ngành khí tượng cũng là một ngành tôi thấy hứng thú. Điều đó đã khiến tôi gắn bó với nghề cho tới bây giờ.

Sau khi tốt nghiệp, tôi công tác tại Trung tâm Quốc gia Dự báo Khí tượng Thủy văn, nay đổi tên là Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Tôi làm liên tục tại đó cho tới hiện nay.

Nếu chọn lại nghề, tôi vẫn chọn 1 trong 3 nghề là: bác sĩ, giáo viên và dự báo viên khí tượng.

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Do đặc thù của dự báo viên khí tượng có thể làm các vị trí khác nhau trong ca trực nên rất khó để có thể liệt kê theo thời gian giống một ngày thông thường. Cụ thể như sau:

  • Thời gian làm việc có thể khác nhau: Có ca trực làm hành chính, có ca trực làm đêm, có ca trực làm 8h, 9h hoặc 12h liên tục.
  • Tùy thuộc vị trí trong ca mà có thể trình tự công việc khác nhau. Tuy nhiên, chung nhất vẫn là phân tích số liệu, theo dõi phát hiện hiện tượng, đưa ra thông tin dự báo, cảnh báo.
  • Công việc có thể khác nhau tùy thuộc vị trí ca trực và tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, thiên tai (bão, lũ, mưa lớn, dông lốc…)

5. Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Theo dõi các biến đổi của bầu khí quyển và đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời luôn là những thách thức. Chính vì vậy công việc luôn có áp lực nhưng cũng khiến cho nó trở nên không nhàm chán.
  • Ý nghĩa của công việc đối với cộng đồng cũng là một động lực lớn đối với các dự báo viên. Theo thống kê, những thập kỷ gần đây thiên tai ngày một nhiều hơn nhưng thiệt hại về sinh mạng con người đã giảm đi đáng kể. Đó là một phần đóng góp của những thông tin dự báo, cảnh báo.

6. Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Môi trường làm việc quá chuyên biệt, ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài.
  • Làm việc ca kíp, cường độ công việc phụ thuộc vào thời tiết nên đôi khi không chủ động được những kế hoạch cá nhân.

7. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Kiến thức căn bản về khoa học tự nhiên như toán, vật lí để lý giải các quá trình diễn ra trong khí quyển cũng như hiểu được bản chất của các hiện tượng khí tượng.
  • Cần có sự am hiểu về hoạt động kinh tế xã hội, điều kiện địa lí tự nhiên của những vùng mình dự báo, cảnh báo.
  • Cần có sự hiểu biết về những tác động của thời tiết, thiên tai tới cộng đồng.
  • Cần có sự tích lũy kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
  • Cần đáp ứng được về ngoại ngữ (tiếng Anh) để đọc được các thông tin trao đổi với các đồng nghiệp trong khu vực cùng tham gia cảnh báo, đọc các tài liệu cập nhật từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO). 
  • Cần có kỹ năng về tin học để sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu như ra đa thời tiết, ảnh vệ tinh khí tượng, sản phẩm dự báo từ mô hình số trị …
  • Cần có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ để có thể đưa ra những thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, giải thích rõ ràng.
  • Khoa học về trái đất luôn là lĩnh vực có sự cập nhật liên tục, làm nghề khí tượng cần thường xuyên đọc để cập nhật kiến thức.

8. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Khi nói tới nghề Khí tượng, người ta thường liên tưởng tới chàng quan trắc viên khí tượng trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Thành Long. Tuy nhiên, dự báo viên khí tượng là một công việc hoàn toàn khác. Thay vì làm ở một nơi hẻo lánh xa xôi, dự báo viên khí tượng thường làm ở những khu vực trung tâm. Đặc thù công việc của dự báo viên khí tượng khác hoàn toàn với quan trắc viên khí tượng đã mô tả trong tác phẩm.

9. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Không có một sự đảm bảo nào được đưa ra với bất kỳ nghề nào sau khi ra trường, tôi cho là như thế. Nghề Khí tượng cũng giống như nhiều nghề khác. Nếu bạn làm việc trong môi trường nhà nước, mà nghề này hầu hết là như thế, mức lương của bạn sẽ được áp dụng như các ngành nghề khác và 3 năm lên một bậc lương, bạn có thể tra cứu ra thang bậc lương dễ dàng. Các bạn trẻ sẽ không thích điều này, đó là một thực tế.

Tuy nhiên nếu học nghề khí tượng, không nhất thiết bạn sẽ làm trong môi trường nhà nước, bạn có thể ra các doanh nghiệp có các hoạt động liên quan tới thời tiết, hoặc có thể làm trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, báo chí. Ví dụ: biên tập viên cho chương trình dự báo thời tiết của VTV là phóng viên chuyên theo dõi mảng thời tiết, thiên tai…

10. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Nếu bạn không thực sự thích lĩnh vực khí tượng, bạn không nên theo học nghề này bởi nó khá đặc thù.