Đội phó đội Thi công tu bổ

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 59 (sinh năm 1962)
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 29 năm (1993 – nay)
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Tốt nghiệp trung cấp Cơ khí tại trường trung học Giao thông Vận tải
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Sơ cấp quản trị
  • Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ (thứ 2 – thứ 6) (thỉnh thoảng có làm ngoài giờ theo yêu cầu của công việc: làm đêm, đi trực,…). Một năm không vượt quá 200 giờ làm thêm
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty cấp nước thuộc doanh nghiệp nhà nước, khoảng 400 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Trách nhiệm chính: 
    • Quản lý & phụ trách tổ thi công, sửa bể, nâng dời hệ thống mạng lưới cấp nước cấp 2 và 3.
    • Quản lý & phụ trách tổ lái xe, trang thiết bị cơ giới phục vụ công tác thi công sửa bể.
    • Theo dõi & giám sát thi công, quyết toán vật tư, nhiên liệu hàng tháng.
  • Văn hóa công ty:
    • Về nguyên tắc là trên bảo dưới nghe, gần như không được chống lệnh.
    • Cấp nhân viên: vui vẻ, hòa đồng, phối hợp trao đổi công tác.
  • Giá trị đem lại: 
    • Giảm tỷ lệ thất thoát nước, giúp mang lại sản lượng nhằm tăng doanh thu cho công ty. 
    • Phục vụ người dân thành phố được sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội.
    • Giảm thiểu ảnh hưởng từ sự cố hư hỏng trên hệ thống giao thông đường bộ.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Hồi xưa tôi đi làm ở công ty vật tư nông nghiệp nhưng có chính sách giảm biên chế (nghị định 41) nên tôi bị thất nghiệp. Sau đó, nhờ người quen giới thiệu mà tôi biết đến công ty cấp nước có nhu cầu tuyển dụng thợ máy cơ khí. Nhận thấy bản thân có năng lực và bằng cấp phù hợp, mặt khác bản thân cũng đang cần tiền để nuôi sống gia đình (1 vợ, 2 con) nên cũng nhanh chóng quyết định chọn ngành này để có ngay công việc ổn định. 

Nếu được chọn lại, tôi vẫn quyết định chọn ngành này vì công việc rất phù hợp với bản thân (năng lực, sở thích) và cho bản thân có điều kiện ở bên gia đình, không phải đi công tác xa nhà như công việc trước.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

07:30 Có mặt tại công ty (chấm công)
07:30 – 08:30 Ký hồ sơ phân công công tác cho các bộ phận trực thuộc
08:30 – 15:00 Đi công trường giám sát thi công sửa bể

Giải quyết các hồ sơ cấp nước đang gặp trở ngại

Ăn trưa tại công trường chung với anh em công nhân (30 phút)

15:00 – 17:00 Kiểm tra các hồ sơ đã hoàn công

Chuẩn bị hồ sơ cho công tác ngày hôm sau

Ngoài giờ hành chính Khi hệ thống ống nước bị sự cố đột xuất thì trực tiếp theo dõi, giám sát các bộ phận tại công trường để giải quyết khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất
Ghi chú: Làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 (7h30 – 17h00, nghỉ trưa từ 11h30 – 13h00)

Thời gian làm việc có thể thay đổi khi hệ thống mạng lưới gặp sự cố

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Công việc có liên quan đến nghề cơ khí, sửa chữa máy, nước.
  • Mang được niềm vui đến cho người dân khi có nước sạch sử dụng.
  • Có thời gian làm việc cố định để thuận tiện sắp xếp công việc gia đình.
  • Giúp bản thân am hiểu nhiều địa bàn, đường đi trong thành phố.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Công việc quá nặng so với sức của người lao động.
  • Có nhiều tiềm ẩn tai nạn lao động trong quá trình thực hiện công việc.
  • Nghe người dân phàn nàn về việc khi thực hiện thi công khắc phục sự cố ảnh hưởng đến giao thông đường bộ.
  • Các bộ phận quản lý liên đới hay gây khó khăn cho công tác.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Kiến thức cần có:
    • Có nghiệp vụ của ngành Cấp thoát nước (bằng cấp từ cao đẳng trở lên).
    • Kiến thức về lĩnh vực Quản trị kinh doanh và Công nghệ thông tin.
  • Kỹ năng cần có:
    • Tin học văn phòng.
    • Vẽ Autocad.
    • Đọc bản vẽ thi công.
    • Nắm bắt chủng loại vật tư.
    • Điều phối, quản lý.
    • Giao tiếp.
    • Viết báo cáo, biên bản.
    • Tham mưu, hoạch định chiến lược.
  • Thái độ cần có:
    • Vui vẻ, hòa đồng.
    • Tế nhị, khéo léo.
    • Biết lắng nghe, ham học hỏi, cầu tiến.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Mọi người thường nghĩ:

  • Công việc đơn giản (sửa bể chỉ cần xuống hiện trường làm là xong, chứ không biết thực tế cần trải qua nhiều công đoạn khó khăn, vất vả như thế nào)
  • Chỉ cần ngồi văn phòng nên rất sướng nhưng thực tế phải trực tiếp ra công trường giám sát và giải quyết vấn đề ngay khi có sự cố dù thời tiết khắc nghiệt, ngoài giờ làm việc hay đang trong dịp lễ tết, không được nghỉ lễ/tết như các bộ phận khác mà phải trực 100%.
  • Công nhân thi công làm ẩu, dẫn đến hư hỏng đường ống nhưng thực tế do nền đất một số khu vực yếu, độ phèn cao dẫn đến tuổi thọ vật tư không cao, gây hư hỏng đường ống.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Công việc này giúp tôi có nguồn thu nhập đủ để trang trải cho gia đình. Làm lâu cũng giúp tôi có khoản tiền dư ra một ít để có cuộc sống tốt hơn.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Tôi có lời nhắn nhủ đến giới trẻ hiện nay là: “Nếu các em theo nghề này, cần phải có sự tâm huyết, chịu được cực khổ, dơ bẩn thì mới theo được, chứ nếu muốn nhàn hạ, sung sướng thì nên chọn ngành khác đi”.

Bài viết liên quan: