Điều phối viên chương trình

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 30
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 11
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học & Quản trị Marketing
  • Các chứng chỉ chuyên môn: kỹ năng Tập huấn, kỹ năng Lãnh đạo quyết đoán, kỹ năng Truyền thông, kỹ năng Viết dự án, kỹ năng Báo cáo, kỹ năng Lượng giá, kỹ năng Tư vấn, kỹ năng Quản lý căng thẳng, kỹ năng Vận động hành lang
  • Số giờ làm hằng tuần: 35 – tình nguyện viên chịu trách nhiệm Điều phối hoạt động
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): <50

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  1. Theo dõi, hỗ trợ, báo cáo và chuyển tiếp thông tin hoạt động của các câu lạc bộ thuộc mạng lưới tổ chức xã hội PFP tại Việt Nam đến văn phòng PFP; thực hiện các công việc giấy tờ – biểu mẫu liên quan.
  2. Tham gia các cuộc họp, cập nhật thông tin và đưa ra ý kiến, đề xuất cho các hoạt động của mạng lưới PFP toàn cầu cùng các Điều phối viên tại các khu vực khác.
  3. Kết nối các cá nhân thành lập Ban điều hành mạng lưới PFP Việt Nam bao gồm ban Cố vấn và 2 ban chuyên môn: Tập huấn & Truyền thông – Gây quỹ
    1. soạn thảo tài liệu tập huấn, tìm hiểu nhu cầu của các CLB để kêu gọi thành viên ban tập huấn soạn thảo chủ đề mới, tổ chức tập huấn ở vị trí hậu cần (nối kết nhân sự tìm kiếm địa điểm, truyền thông tuyển dụng tình nguyện viên (TNV) bằng cách thiết kế video, soạn bài viết tuyển dụng, phỏng vấn chọn lựa TNV phù hợp,…) và tham gia công tác lượng giá. 
    2. Post bài 2 – 3 lần/tuần trên Fanpage PFP VN, quảng bá một số bài quan trọng trên Fanpage; và trao đổi về ý tưởng cho lĩnh vực Truyền thông – Gây quỹ và hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực này. 

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Bản thân tôi có xu hướng muốn làm việc liên quan đến công tác xã hội (CTXH) từ khi còn nhỏ, nhưng tôi và gia đình không đủ thông tin để tìm hiểu ngành CTXH là gì ở thời điểm đăng ký thi đại học. Năm 2008 – thời điểm năm 2 đại học ngành Marketing, tôi có cơ duyên tham gia hội trại trị liệu cho trẻ nhiễm HIV do hai tổ chức phi lợi nhuận quốc tế kết hợp tổ chức vào mùa hè. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là tổ chức phi lợi nhuận, phát triển cộng đồng, cộng đồng dễ bị tổn thương. Lúc đó tôi hiểu muốn dấn thân làm công tác xã hội chuyên nghiệp thì phải nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiêm túc như thế nào.

Sau khi ra trường, tôi áp dụng kiến thức Marketing ở trường đại học cùng với những kiến thức, kỹ năng đã học được từ nhiều khóa ngắn hạn trong ngành CTXH vào những dự án xã hội của riêng mình. Tôi có kinh nghiệm làm việc bán thời gian, toàn thời gian cho vài tổ chức phi lợi nhuận khác nhau ở các thời kỳ khác nhau. Hiện nay, tôi cảm thấy thoải mái nhất trong vai trò Điều phối viên của một tổ chức có giá trị phù hợp với bản thân – kiến tạo các hoạt động vui chơi, học tập để xây dựng lòng trắc ẩn và hòa bình.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8:00 – 9:30 Kiểm tra, trả lời email và tin nhắn fanpage
9:30 – 11:00 Họp với văn phòng PFP hoặc với các CLB
11:00 – 12:00 Soạn tài liệu, thiết kế các sản phẩm truyền thông
Ghi chú Tùy vào nhu cầu công việc, có khi thời gian họp kéo dài hơn 2 tiếng, hoặc việc soạn tài liệu kéo dài liên tục 10 ngày (10 tiếng/ngày, tính luôn thứ 7 và chủ nhật), hoặc việc thiết kế sản phẩm truyền thông chiếm hết hai ngày cuối tuần,… 

Cũng tương tự, có ngày bận công việc khác thì chỉ dành 2 tiếng cho công tác tình nguyện mà thôi. Mọi việc đều linh động theo nhu cầu, thời gian vì thế cũng khó theo khung giờ chuẩn mực.

Nếu là nhân viên toàn thời gian thì chắc chắn sẽ có lịch làm việc ổn định hơn. 

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  1. Được gặp gỡ và làm việc chung với những người cùng chung chí hướng: mong muốn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp và đáng sống hơn. 
  2. Truyền cảm hứng và được truyền cảm hứng, yêu thương và được yêu thương bởi những cá nhân trong ngành. 
  3. Có cơ hội được biến những ý tưởng thành hiện thực.
  4. Trải nghiệm nhiều thử thách mới khi làm việc với nhiều người có những tư tưởng, văn hóa khác biệt. 

Vì thế, cuộc sống của tôi trở nên có ý nghĩa hơn, phát huy được hết năng lực cho việc cộng đồng.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Thỉnh thoảng khi gặp những áp lực về mặt thời gian (phải làm nhiều việc trong khoảng thời gian ngắn), hay thử thách trong việc giao tiếp (trao đổi với người có phong cách/tư tưởng khác biệt), tôi cảm thấy mình mệt mỏi và yếu đuối. 

Tuy nhiên, tôi tin rằng mọi vấn đề đều nằm ở bản thân. Nếu bản thân tìm ra được giải pháp thì mọi sự không còn là vấn đề nữa, mà đều là những cơ hội học tập.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Làm việc trong lĩnh vực xã hội thì chắc chắn là kiến thức và kỹ năng sẽ không bao giờ đủ. Tuy nhiên, ít nhất thì đây là những điều căn bản: 

  • Kiến thức: hiểu bản chất CTXH là gì, những vấn đề xã hội đặc trưng tại VN là gì, các phương pháp giáo dục chủ động như thế nào, tâm lý làm việc với các nhóm cộng đồng khác nhau trong xã hội ra sao,…
  • Kỹ năng: giao tiếp, thương lượng, tổ chức – quản lý, tập huấn, viết kế hoạch, truyền thông, lượng giá, sáng tạo, kiến tạo động lực, ngoại ngữ – tiếng Anh ở mức khá tốt trở lên. 
  • Thái độ: mở rộng lòng và thân thiện với TNV, tôn trọng các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, LGBT, người bị ảnh hưởng bởi HIV, thanh thiếu niên đường phố,…), bao dung với mọi hành vi thiếu kiểm soát, ham học hỏi và kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Điều hiểu lầm: 

Hoạt động CTXH là hoạt động từ thiện – “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. 

Hoạt động CTXH thì ai ai cũng làm được, không cần phải học. 

  • Lý do

Ngành CTXH còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt là nhiều vùng sâu vùng xa còn chưa bao giờ nghe đến ngành khoa học xã hội này. Với họ, cứ giúp người khó khăn là phải tặng vật chất. Vì thế, ai giàu có thì làm việc xã hội, ai nghèo thì nên lo thân mình trước.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Thật khó để chỉ ra mức lương khởi điểm trung bình của ngành vì sự khác biệt là rất lớn. 

Có hai yếu tố chính tạo nên sự khác biệt: kinh nghiệmkhả năng ngoại ngữ

  • Trong quá trình học đại học, nếu sinh viên ngành này năng động tham gia tình nguyện cho nhiều chương trình/dự án xã hội khác nhau và tiếng Anh khá tốt trở lên thì hoàn toàn có khả năng làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Dù ở vị trí nhân viên dự án thì lương cũng gọi là khá so với mặt bằng chung.
  • Tuy nhiên, sinh viên ngành này nếu không có nhiều kinh nghiệm hay trải nghiệm từ công tác tình nguyện, ngoại ngữ lại không phải thế mạnh thì có thể làm việc cho cơ quan nhà nước, đơn vị trường học – bệnh viện công lập, tổ chức phi lợi nhuận địa phương thì lương tính theo bậc lương phổ thông. 

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề như bao nghề nghiệp khác, nhưng đặc thù là nghề này góp phần giải quyết khó khăn của nhóm cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Ở một đất nước có nhiều vấn đề xã hội đang tồn tại như Việt Nam, công việc của ngành CTXH không chỉ là việc riêng của cá nhân hay tổ chức mà là sự liên đới ràng buộc giữa phía chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân có liên quan. 

Chính vì thế, nếu xác định bản thân là người có tư tưởng rộng mở – không phân biệt đối xử với nhóm đối tượng thiểu số đặc biệt nào, kiên nhẫn, chấp nhận mọi gian nan hay khủng hoảng, chịu khó làm việc ngoài giờ, có tâm huyết muốn góp phần thay đổi xã hội tốt đẹp hơn và ham học hỏi, thì bạn hoàn toàn nên chọn ngành CTXH. Khi đã xác định con đường này là phù hợp, hãy chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần để bản thân luôn giữ nhiệt huyết với nghề.