Deputy CFO – Phó Giám Đốc Tài Chính

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 30
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 8 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Thạc sĩ Tài chính, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): CPA Australia
  • Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty đa quốc gia (60,000 nhân viên)

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Quản lý các quy trình kế toán, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, báo cáo thuế
  • Quản lý thu chi, dòng tiền của doanh nghiệp
  • Lập và giám sát việc thực hiện các chính sách về tài chính, kế toán của công ty
  • Giám sát việc lập dự toán và quản lý các chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận theo chu kỳ hàng quý, hàng tháng, hàng năm, kế hoạch 3 năm
  • Xây dựng các bộ chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp và phục vụ cho việc ra quyết định của Ban Giám Đốc
  • Quản lý quy trình theo dõi và thu hồi công nợ của doanh nghiệp

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

  • Bản thân học khá đều các môn tự nhiên và xã hội trong thời gian học phổ thông nên đã định hướng theo khối ngành kinh tế từ khá sớm.
  • Gia đình mình ủng hộ hoàn toàn việc lựa chọn khối ngành kinh tế.
  • Trước khi tốt nghiệp, 1 công ty kiểm toán lớn đã liên hệ cấp học bổng và đổi lại bằng việc thực tập tại doanh nghiệp vào năm học cuối và sau đó là ưu tiên tuyển dụng sau tốt nghiệp. Công ty này là bước đi đầu tiên và giúp tạo nền tảng rất vững chắc cho sự nghiệp cho đến tận hôm nay.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Ở vị trí của tôi, công việc không còn mang tính trình tự theo ngày nữa. Việc sắp xếp theo tháng có lẽ hợp lý hơn.
Tuần đầu tháng Đánh giá kết quả kinh doanh tháng trước, dự toán cho các tháng còn lại trong năm, làm các báo cáo tháng của tập đoàn và thuyết trình cho ban giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương
Tuần giữa tháng Triển khai các dự án về tài chính được thực hiện trên quy mô tập đoàn (quản lý chi phí, tối ưu hóa dòng tiền, chuyển đổi số…)
Tuần giữa tháng Họp tổng rà soát dự án, thu hồi công nợ, kiểm tra khai báo thuế VAT và CIT (theo quý)
Tuần cuối tháng Các công việc đóng sổ, các bút toán và kết chuyển dữ liệu
Phát sinh bất kỳ thời điểm nào Tham gia duyệt giá đấu thầu, họp khách hàng, nhà phân phối, họp với các phòng ban khác để hỗ trợ giải quyết vấn đề

 

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Công việc đúng với chuyên môn được đào tạo
  • Môi trường công ty Châu Âu minh bạch, rõ ràng và coi trọng yếu tố con người
  • Công ty ở giai đoạn đầu của thời kỳ tăng trưởng ở thị trường Việt Nam nên luôn có những yếu tố mới mẻ, sáng tạo trong công việc
  • Bản thân mình xây dựng đội ngũ tài chính (tuyển mới) gồm toàn những bạn trẻ 9x năng động, nhiệt huyết và đồng thời phải đảm bảo sự cân bằng với các anh chị 7x, 8x đã làm việc lâu năm trong công ty.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Công ty đa quốc gia nên nhiều quy trình, thủ tục còn tương đối rườm rà. Bản thân mình luôn phải thiết kế lại để đảm bảo tính tuân thủ với tập đoàn nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Làm tài chính bắt buộc phải nắm vững chuyên môn, nên phải liên tục trau dồi và học hỏi
  • Sau chuyên môn là yếu tố con người (quản lý nhân sự, phối hợp công việc với các phòng ban khác, tương tác với cấp trên và cấp dưới)
  • Tiếng Anh

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Mọi người nghĩ tài chính rất khô khan toàn những con số. Ai vượt được qua giới hạn đó để thấy được những vấn đề đằng sau mỗi con số sẽ tiến xa được trong nghề này.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Có, mình nhận khoảng 7 triệu/ tháng thời điểm mới ra trường năm 2012.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Các em cần chuẩn bị kỹ hành trang cho bản thân mình, bao gồm:

  1. Tiếng Anh
  2. Chuyên môn
  3. Thật kỷ luật và kiên trì trong những bước đầu tiên