Chuyên viên phụ trách giao tiếp và gắn kết trong cộng đồng

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 32
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 10 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ – Truyền thông văn hóa nghệ thuật xã hội
  • Số giờ làm hằng tuần: dao động từ 30 tới 60 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty trách nhiệm hữu hạn – mô hình xanh ngọc – khoảng hơn 200 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính của mình là :

1. Bảo đảm những động lực của một công ty theo mô hình xanh ngọc.

  • Phát triển Việt Nam: Chúng mình mong muốn đóng góp vào sự phát triển Việt Nam không chỉ về kinh tế
  • Toàn cầu hóa tích cực: Với lĩnh vực công nghệ thông tin, công ty mình tin rằng sự toàn cầu hóa có thể thực hiện được và Việt Nam sẽ có mặt trên thị trường công nghệ thông tin, cũng như có thể cạnh tranh với các đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ. Mình mong muốn góp phần vào các dự án về công nghệ thông tạo ra những tác động tích cực cho thế giới.
  • Tạo ra giá trị chia sẻ: Doanh nghiệp phải luôn đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu
  • Phát triển bền vững: Công ty mình hướng đến việc tiếp tục duy trì và gìn giữ cuộc sống tiện nghi và đầy đủ cho những thế hệ sau
  • Kiến thức mở: Khi ta cho đi một số tiền, ta sẽ mất số tiền này, nhưng khi ta cho đi kiến thức, kiến thức sẽ tăng lên gấp bội. Có kiến thức đầy đủ, con người sẽ có đủ hành trang cho cuộc sống dù ở bất hoàn cảnh nào. Vì vậy, công ty mình luôn ủng hộ giáo dục mở ra nhiều cánh cửa cho mọi người.

2. Kết nối những người, những tổ chức có cùng động lực như trên, tạo thành một cộng đồng tương trợ nhau theo khả năng của mỗi cá nhân tổ chức để đóng góp vào các động lực đó. Nhờ đó cũng có danh sách những nhân tài có thể tuyển dụng hoặc hợp tác khi có cơ hội.

Công việc này có vai trò quan trọng vì mình hiện thực hóa những lý tưởng từ những người thành lập ban đầu và lan tỏa, bảo đảm với các bên liên quan và cả nội bộ là những động lực đó thực sự tồn tại và được thực hiện thông qua các hoạt động khác nhau liên quan trực tiếp tới dự án, thu nhập và chi tiêu của công ty.
Công việc cụ thể do bản thân mình tự đề ra theo từng thời điểm. Trong ba năm rưỡi làm ở vị trí này, các hoạt động cơ bản do mình đặt ra như sau:

– Về nội bộ công ty:

  • Bảo đảm các dự án hợp tác đều đóng góp vào ít nhất một động lực: Tìm hiểu các dự án của công ty liên quan đến các động lực. Thường xuyên hiện diện, lên tiếng hỏi về khách hàng, dự án liên quan tới các động lực. 
  • Tổ chức các buổi chia sẻ về văn hóa công ty cho những thành viên mới của công ty.
  • Tổ chức các hoạt động tập thể liên quan đến các động lực.
  • Cập nhật thông tin liên quan đến các động lực cho các thành viên công ty.
  • Kết hợp với nhân sự và đội hỗ trợ chung (ở công ty mình gọi là General Support) tổ chức các sự kiện kết nối các thành viên trong công ty. Mình sẽ bảo đảm lồng ghép các hoạt động liên quan tới các động lực trong các sự kiện này.
  • Kết hợp với nhân sự trao đổi với các bạn sắp nghỉ việc để chia sẻ về cộng đồng của công ty và giữ liên lạc với họ.
  • Tạo phong trào khuyến khích mọi người trong công ty chia sẻ kiến thức lẫn nhau, động viên các thành viên chủ động đề xuất hoạt động và hỗ trợ họ để hiện thực hóa ý tưởng nếu cần.
  • Báo cáo hàng năm về những đóng góp của công ty cho các động lực.

– Về cộng đồng của công ty:

  • Quản lý không gian hỗ trợ cộng đồng có cùng động lực: chọn lọc các tổ chức cá nhân dùng không gian cho sự kiện hoặc làm việc liên quan đến động lực.
  • Đón tiếp và chia sẻ về năm động lực với những khách mời đến không gian
  • Tham gia sự kiện trong thành phố để kết nối và mở rộng cộng đồng liên quan đến các động lực
  • Chia sẻ nội dung về các động lực lên các trang mạng xã hội
  • Tổ chức sự kiện hoạt động cộng đồng
  • Hỗ trợ các cá nhân và tổ chức làm những hoạt động cộng đồng bằng truyền thông, địa điểm tổ chức hoặc tài chính.
  • Kết nối và tạo điều kiện hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức với nhau.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Mình đi du học từ năm 18 tuổi, năm 2006, chọn ngành Truyền thông ở bậc cử nhân. Ở bậc thạc sĩ, mình học hai chuyên ngành: văn hóa, phương tiện thông tin và cầu nối văn hóa nghệ thuật xã hội. Kể về sự bắt đầu đến với con đường này thì phải nhắc đến một số cột mốc như sau:

Năm 1998, lúc 10 tuổi, mình may mắn được ba mẹ cho đi theo trường trao đổi học sinh mùa hè ở Pháp 3 tuần. Đó là lần đầu tiên mình được đi nước ngoài, mình mê mẩn đất nước ấy. Và cũng lần đó, mình gặp cậu họ của mình lần đầu tiên và được tặng sợi dây chuyền có gắn tháp Eiffel. Từ đó, mình luôn mơ sẽ được đi du học ở Pháp. 

Năm 2006, lớp 12, mình và phần đông các bạn trong lớp có định hướng đi du học, còn học gì thì rất mơ hồ. Thời điểm đó, những học sinh song ngữ Pháp có rất ít cơ hội lựa chọn ngành ở Việt Nam. Học rất giỏi và luyện thi theo khối A, B từ sớm thì có thể hy vọng vào khoa Luật hoặc ngành Y. Còn ban D thì chỉ có lựa chọn đi giảng dạy tiếng Pháp, hoặc thông dịch viên hay du lịch. Thật ra trong các lựa chọn đó, mình không thực sự hứng thú ngành nào hết. Lúc đó mình đọc các cuốn sách tìm hiểu về ngành học thì có một ngành thu hút mình là Quan hệ Công chúng (Public Relation, “PR”). Trong miêu tả ngành đó, yếu tố mình thích là được giao tiếp với con người. Vốn là lớp trưởng từ năm lớp 6, việc này với mình không là chướng ngại. PR cũng yêu cầu có kiến thức nền về văn hóa nói chung và có kỹ năng biện luận. Mình cũng thích viết những bài đưa ra quan điểm cá nhân, thích đọc sách về địa lý, lịch sử, v.v. Trong danh sách các ngành học để đi du học thì có 2 ngành đập vào mắt mình: ngành kinh tế và ngành truyền thông. Lý do nhắc đến ngành kinh tế vì hầu hết lớp mình đều đăng ký ngành này để nộp đơn du học. Lý do đối với ngành truyền thông vì mình thấy giống miêu tả của PR. Ở Việt Nam lúc đó cũng chưa có ngành này, nên mình muốn chơi nổi và chọn luôn, khi đó suy nghĩ trẻ trâu lắm.

Khi nộp đơn thì mình cần thư giới thiệu từ thầy hiệu phó. Thầy có nói với mình là ở Sài Gòn lúc đó chỉ có 2 người nộp đơn du học chọn ngành này thôi, ngành này thật sự rất khó vì phải giỏi ngoại ngữ, biết nhiều hiểu rộng, nên thầy rất lo cho mình. Thầy nói với mình là “Con phải hứa là không bỏ cuộc, nếu học một năm bỏ về thì thầy không viết thư đâu.” Nên mình đã hứa là đi học tới nơi tới chốn.

Gia đình mình lúc đó có hai trường phái, ủng hộ đi du học và không ủng hộ. Còn việc chọn ngành thì mọi người để mình tự quyết định. Khi biết mình chọn ngành truyền thông quá mới mẻ, ba mẹ không đưa ra ý kiến gì. Ở trường mình học giỏi đều các môn, nên ba mẹ càng tin tưởng.

Để phòng hờ không có trường nhận bên Pháp, thì mình vẫn thi đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Mình thi ban A – ngành luật, ban D – ngành ngôn ngữ Pháp, trường Nhân Văn, và ban C – Cao Đẳng du lịch. Mình được nhận ở trường Nhân Văn và trường Cao Đẳng du lịch. Và mình cũng được trường Paris 8 Seine Saint-Denis nhận. Vì vậy, mình lên đường đi du học.

Bước vào giảng đường ngày đầu tiên khai giảng, mình nghĩ cách tổ chức của khoa mình đã ảnh hưởng tới mình hoàn toàn sau này. Mình được thông báo là sinh viên sẽ tự sắp xếp toàn bộ thời khóa biểu của chương trình cử nhân, miễn đủ điểm đủ môn thì tốt nghiệp ra trường, bất kể thời gian, nhưng trung bình sẽ là ba năm học. Từ một học sinh được chăm lo từ đầu tới chân, chỉ việc mở mắt xách cặp đi học, thời khóa biểu trường lo, mình chỉ cắm đầu vô học, còn ở đại học, mình phải tự lo cuộc sống, học cách chi tiêu, quản lý thời gian học và sinh hoạt, thêm phần tự lên thời khóa biểu và tìm hiểu các lớp phù hợp với giáo viên phù hợp. Trong năm đầu tiên, mình đã đăng ký tối đa tất cả các môn có thể đăng ký trên hệ thống. Học kỳ I mình học liên tục 11 môn liền, như thời cấp 3. Mình cắm đầu học bài, học thuộc, thầy dặn gì làm đó, rất ngoan. Nhưng khi đi thi thì phần lớn là viết luận nêu quan điểm cá nhân. Tổng điểm trung bình tầm 11/20, với một người suốt 12 năm liền học sinh giỏi thì mình rất thất vọng về bản thân. Nhưng vì lời hứa với thầy hiệu phó nên mình tiếp tục cố gắng ở học kỳ II và những năm tiếp theo. Sau một học kỳ vất vả vì thời khóa biểu nặng và không phù hợp, nên mình đã “biết người biết ta” hơn, mình phân bổ các lớp học theo khả năng tập trung của mình trong ngày, biết thầy cô thêm, nên mình chọn lựa các lớp học theo giảng viên phù hợp với cách học của mình. Mình cũng lên kế hoạch tập trung hoàn tất việc học trong vòng 2 năm đầu, mùa hè giữa năm 2 và 3 sẽ thực tập, và học kỳ I năm 3 sẽ học lại các môn điểm thấp nếu cần và tập trung làm dự án tốt nghiệp. Cuối cùng, mình đã làm được như kế hoạch. Đó là bài học về sự tự quản đầu tiên của mình. 

Bài học tiếp theo trong cuộc sống mình học được từ cộng đồng Việt Kiều ở Pháp. Trong thời gian học và sống ở Pháp, mình có tham gia vào hội thanh niên Việt Nam tại Pháp vào năm 2010. Hầu hết các thành viên là người Pháp gốc Việt làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có một điểm chung: Việt Nam. Đây được tính là thời điểm mình bước vào công việc Community Engagement thật sự.

Mình bắt đầu tham gia làm tình nguyện viên cho một sự kiện quảng bá Việt Nam nhân dịp 1000 năm Thăng Long, rồi làm giáo viên dạy Tiếng Việt, và dần dần nhiều hoạt động khác, đến năm 2012 mình trở thành thành viên của Ban chấp hành Hội và 2015 trở thành Chủ Tịch người Việt Nam đầu tiên của Hội. Các dự án mình đã thực hiện tiêu biểu:

  • Dự án AVN (Activities in Vietnam – Các hoạt động ở Việt Nam): đưa những thành viên gốc Việt trở về Việt Nam làm dự án cộng đồng với hai mục đích, tạo ra giá trị cho người bản địa (cải thiện đời sống qua các hoạt động khác nhau tùy theo thời gian và địa điểm) và tạo cơ hội cho người Pháp và Việt Kiều hiểu sâu về cuộc sống ở Việt Nam.
  • Dự án Tết Việt Nam diễn ra hàng năm ở Unesco và sau đó là Phủ Baltard
  • Dự án La Vie en Jaune – đêm nhạc kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Thanh Niên Việt Kiều
  • Dự án huy động quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung Việt Nam
  • Dự án huy động quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam …

Ở đây, mình học được rất nhiều bài học về tư duy và trách nhiệm:

  • Bài học về tổ chức các hoạt động quy mô từ nhỏ khoảng năm người đến quy mô lớn hai đến ba ngàn người, từ một vị trí địa lý đến hai hay ba vị trí địa lý khác nhau, từ việc đơn giản đến phức tạp, quản lý tài chính đến nhân sự, trao đổi giữa những nhóm làm việc khác nhau, xử lý tình huống đột xuất liên tục, đối nhân xử thế, bày tỏ lòng biết ơn và sự công nhận đóng góp của mỗi người dù là nhỏ nhất.
  • Rèn luyện sự tự tin và thương hiệu cá nhân.
  • Trả lời được câu hỏi “Tôi là ai” và “Tôi sống để làm gì?”
  • Vai trò của đồng tiền và công việc trong cuộc sống của bản thân.

Nhờ việc tham gia nhiều dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau với mục đích vinh danh Việt Nam ở Pháp và hỗ trợ Việt Nam từ xa, mình có cơ hội làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với cộng đồng Việt Kiều và Đại Sứ Quán Việt Nam. Nhờ đó, mình thực hành được những kiến thức đã học và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn về truyền thông. Ngoài ra, mình cũng hình dung được công việc mơ ước của mình. 

Trong quá trình sống ở Pháp, mình luôn muốn thay đổi hình ảnh của người nước ngoài về Việt Nam. Mỗi khi nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến chiến tranh. Bạn có thể gõ Vietnam trên google, sẽ thấy top các từ đề xuất là chiến tranh. Cách đây hơn mười năm, đó là từ hiện ra đầu tiên. Cho nên suốt thời gian sống ở Pháp, mình làm rất nhiều dự án để thay đổi hình ảnh này, đặc biệt nhờ vào truyền thông. Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu khi mình tìm việc, đó là một công việc cho phép mình cống hiến vào danh tiếng của Việt Nam. Điều thứ hai mình quan tâm là về một thế giới nơi kiến thức được lan tỏa đến tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo lớn bé. Điều thứ ba mình mong muốn làm việc liên quan đến sự phát triển bền vững, vì mình mong muốn những người con, người cháu của mình sẽ được sống trong môi trường hòa bình như mình đang có.

Sau khi tốt nghiệp, mình làm việc tại một công ty truyền thông về ẩm thực và du lịch, với vai trò là người quảng bá các địa điểm du lịch và khách sạn hạng sang của Việt Nam, Lào và Myanmar. Sau đó, mình làm việc cho một dự án ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ em lai. Song song đó, mình là founder của dự án tôn vinh ẩm thực Việt Nam tại Pháp tên SmART-PHỞod.

Năm 2016, mình về Việt Nam và có dịp đến thăm một công ty do một số cựu thành viên của Hội Thanh Niên Việt Kiều tại Pháp về Việt Nam thành lập, với mong muốn phát triển Việt Nam nhờ vào công nghệ thông tin, nơi mình có hai người bạn làm việc tại đó. Mình trò chuyện rất nhiều về những gì mình thấy và mình đi tìm một nơi mà mình có thể cống hiến để thay đổi những điều tiêu cực thành tích cực. Họ chia sẻ với mình về những lý do thành lập công ty và càng trao đổi thì mình càng cảm thấy thân thuộc, giống như những gì mình đã làm ở Pháp, nhưng lần này là toàn thời gian, nghĩa là thật sự cống hiến hết mình, và trong khuôn khổ một doanh nghiệp, nghĩa là mức lương ổn định, cho mình toàn tâm toàn ý thực hiện tâm huyết. Thế là mình đã quyết định làm việc tại công ty này từ lúc đó với vai trò Community Engager.

Nếu được lựa chọn lại, thì chắc chắn mình sẽ vẫn giữ quyết định làm công việc này. Với mình đây là sứ mệnh của mình ở cuộc sống này, dù làm việc ở tổ chức nào, hay sinh hoạt trong nhóm bạn, trong gia đình, mình cũng quan sát thấy bản thân mình luôn đóng vai trò kết nối, nên đó là giá trị cốt lõi của mình. Mình cảm thấy rất may mắn vì mình tìm được công việc đúng với hệ giá trị của mình.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

08:00 – 08:30 Đạp xe đạp đến văn phòng
09:00 – 12:00
Chào hỏi đồng nghiệp, hỏi thăm cảm xúc của họ (một dạng check in)
Kiểm tra email và trả lời email liên quan đến không gian sự kiện và sắp xếp lịch sử dụng không gian sự kiện
Làm việc trên các dự án mình tham gia (dịch bài, viết bài, nói chuyện với những người liên quan để thu nhận ý kiến hoặc chia sẻ dự định)
12:00 – 13:00 Ăn trưa
13:00 – … Họp với các dự án mình tham gia
Tiếp khách
Kiểm tra phòng ốc chuẩn bị cho sự kiện
Trao đổi với các nhóm làm sự kiện ở không gian hoặc công ty khởi nghiệp ở không gian để hiểu rõ hơn về dự án của họ và chia sẻ mong đợi từ công ty mình
Gặp gỡ lắng nghe tâm sự của đồng nghiệp và tìm hướng hỗ trợ cho bạn
Tổ chức sự kiện
Đạp xe về nhà
Ghi chú Công việc của mình sẽ tùy theo thời điểm trong năm liên quan đến sự kiện và số người ra vào công ty, cộng đồng. Mình thường tự đặt giới hạn thời gian làm việc trong vòng 5 ngày theo lịch của công ty, và sẽ tự bù trừ thời gian và thông báo cho đồng nghiệp, để giữ cân bằng trong cuộc sống của mình.
Mình sẽ có những ngày làm việc rất ngắn từ 9h hoặc 10h sáng đến 4h – 5h chiều nhàn nhã. Nhưng sẽ có những ngày mình làm từ 7h sáng đến 11h giờ đêm, và cũng có lúc làm việc vào cuối tuần. Mình thường sẽ biết trước việc này và sắp xếp gia đình để phù hợp. Những ngày nhàn thì mình sẽ để cho tâm trí nghỉ ngơi, xem các video hay mạng xã hội tìm ý tưởng mới, hoặc tham gia các khóa học chuyên môn, hay xây dựng mối quan hệ, mở rộng cộng đồng. Như vậy, mình sẽ chuẩn bị tâm lý tốt cho những ngày bận, lúc đó sẽ chỉ tập trung “chạy” theo kế hoạch. Khi mình “chạy” quá nhiều thì mình cũng chủ động xếp những khung thời gian nghỉ giữa các dự án, để tránh bị nhầm lẫn, mất nhiệt huyết hay kiệt sức.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Như mình có chia sẻ, mình rất thích công việc của mình vì các yếu tố sau:

  • Công việc thật sự đúng với cá tính và hệ giá trị cốt lõi của mình. Nên mỗi ngày mình đi làm như là đi chơi, mình cảm thấy đúng thì mình làm, mình thử, thấy sai thì mình học tiếp và sửa cho phù hợp.
  • Công việc này cho mình sự chủ động, mọi thứ diễn ra ngoài xã hội đều truyền cảm hứng cho mình, mỗi câu chuyện của bạn bè, người thân đều là một bài học mà mình có thể áp dụng vào công việc cộng đồng.
  • Công việc cho mình cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tổ chức cá nhân làm những việc tạo giá trị hữu ích cho xã hội và môi trường, nên mình luôn được truyền cảm hứng và thấy điều tích cực mỗi ngày.
  • Công việc cho phép mình làm việc ở bất kì đâu, không bó buộc về không gian và thời gian, mà là sự cam kết: nói được làm được. Khi mình đưa ra một dự án, một ý tưởng, mình làm tới cùng.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Mình không gọi là không thích mà mình nghĩ có những giai đoạn khó khăn dễ gây nản khi làm việc này mà các bạn trẻ có thể gặp.

  • Đây là một công việc tạo ra văn hóa cho một tổ chức, và đặc biệt là duy trì văn hóa đó. Bạn rất dễ gặp phải sự chống đối hoặc không hợp tác của các thành viên đối với những thay đổi. Nếu bạn nhìn việc đó là một cơ hội để mình tăng kỹ năng thuyết phục thì bạn sẽ phát triển hơn. Nhưng nếu gặp việc này quá nhiều, rất dễ gây nản cho những người mới bắt đầu.
  • Công việc này cũng đòi hỏi bạn hiểu giá trị của bản thân và mối tương quan của giá trị đó và văn hóa doanh nghiệp. Bạn là người đại diện cho hệ giá trị của doanh nghiệp, tổ chức, thì bạn cần tin và là người thực hành những điều đó trước hết và hơn ai hết. Nên nếu hệ giá trị không tương quan sẽ dễ khiến bạn bị đấu tranh với chính mình, và rơi vào trạng thái bế tắc. Việc chia sẻ lan tỏa truyền cảm hứng sẽ khó đi sâu vào trái tim của mỗi thành viên, mà trở nên gượng gạo và “giả”.
  • Điều thứ ba dễ gây nản chí là công việc này thường tạo ra giá trị về lâu dài, vào con người, rất khó đo lường bằng con số thực tiễn trong thời gian ngắn. Và nếu công ty yêu cầu báo cáo kết quả thường xuyên, thì sẽ không thấy kết quả rõ ràng. Nên bạn sẽ dễ bị “soi” và bị áp lực về kết quả nhìn thấy được từ tổ chức. Thông thường vị trí này sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo hoặc các nhà sáng lập công ty, vì họ là những người có mong muốn và hiểu rõ vai trò của văn hóa tổ chức. Việc này cũng dễ tạo sự khó khăn trong việc gần gũi với các thành viên khác. Bạn nên khéo léo giữ sự cân bằng giữa hai bên.
  • Ngoài ra khi làm việc trực tiếp với lãnh đạo hoặc người sáng lập, với các bạn mới vào tổ chức / doanh nghiệp trong vai trò này, các bạn rất ngại chia sẻ quan điểm hay ngay cả tiếp xúc với những người đó. Việc hiểu rõ động lực từ bên trong của lãnh đạo và nhà sáng lập khi đưa ra các mục tiêu, động lực, hiểu hệ giá trị của họ càng kỹ thì công việc của mình sẽ càng dễ dàng. Khi có sự thấu cảm giữa người và người, các dự án hoạt động sẽ dễ chia sẻ và được ủng hộ hơn.

Việc tạo ra văn hóa tổ chức là một việc khó, nhưng việc duy trì lâu dài và bền vững là một hành trình dài, sẽ luôn luôn phải lặp đi lặp lại. Nên hiểu tính cách của chính mình sẽ phù hợp với giai đoạn nào trong việc xây dựng và duy trì văn hóa tổ chức, để có thể tìm bạn đồng hành trong đội nhóm bù trừ cho mình. Không ai có thể làm văn hóa một mình cả.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Mình có chia sẻ một phần ở trên rồi. Có một số kỹ năng, thái độ và kiến thức bổ sung thêm như sau:

  • Tư duy phản biện, kỹ năng lắng nghe và thấu cảm.
  • Kiến thức về tâm lý học. 
  • Thái độ tôn trọng con người, dù họ là ai, không đánh giá.
  • Kỹ năng giao tiếp và phát biểu trước đám đông
  • Có tư duy làm chủ, xem tổ chức / doanh nghiệp là của mình, thì mình sẽ bỏ toàn tâm toàn ý xây dựng văn hóa cho tổ chức/doanh nghiệp đó
  • Kỹ năng viết
  • Kỹ năng nghiên cứu, luôn nuôi trong mình sự tò mò tìm tòi, học hỏi. Mình không cần biết tất cả nhưng thái độ luôn muốn cầu tiến và sự khiêm tốn sẽ giúp mình tiến xa

Các khóa học mình đã và đang theo học, giúp ích cho công việc:

  • Kỹ nghệ viết của cô Nguyễn Thùy Dung – sáng lập Ngày Ngày Viết Chữ
  • Các khóa đào tạo tư duy Seed Camp của Seed Planter
  • Tham gia vào group Facebook “Chia sẻ – ứng dụng game trong đào tạo / facilitate” để học hỏi kinh nghiệm điều phối và gắn kết con người
  • Lý thuyết Theory U
  • Communication nonviolent – Compassionate communication

Trong thời gian học ở Pháp, mình có học các lớp sau, hiện mình đang ứng dụng kiến thức:

  • Căn bản về quản lý tài chính
  • Marketing
  • Phân tích nhân học và ứng dụng
  • Thực hành tổ chức sự kiện kéo dài ít nhất 3 ngày chỉ với 2 thành viên nòng cốt, 0€ khởi điểm.
  • Thực hành phát triển một ý tưởng và chạy chiến dịch với 0€ khởi điểm.
  • Thực hành làm video quảng cáo từ A tới Z
  • Lớp kịch ứng tác phát triển kỹ năng quan sát lắng nghe và tương trợ cùng bạn diễn (ở TPHCM có lớp của bạn Khuyến Bùi và của Cái Tổ Nhỏ, các bạn có thể tham khảo)
  • Lớp cơ bản về thiền

Ngoài ra, mình có đọc tham khảo một số sách, các bạn có thể tìm đọc:

  • Tái tạo tổ chức của Frederic Laloux
  • Going horizontal của Samantha Slade
  • Cuốn sách Marketing thú vị nhất quả đất của Huyền Trân
  • The tribe của Seth Godin

Và nhiều bài TED talks các bạn có thể xem.

Đặc biệt, tin tức thời sự của nước sở tại và thế giới là việc cần cập nhật mỗi ngày, hiểu sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa môi trường – văn hóa – chính trị – xã hội – kinh tế là nền tảng giúp mình dự trù và đối ứng với những tình huống ngoài dự đoán, ví dụ Covid-19 năm nay chẳng hạn.

Thêm vào đó là các tài liệu liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của doanh nghiệp / tổ chức mà bạn tự tìm hiểu. Hiểu được cách vận hành và công việc của chuyên ngành giúp cho mình có sự thấu cảm với đồng nghiệp / đồng đội, để có sự tin tưởng và chia sẻ từ họ, từ đó mình có thể tạo ra những dự án, kế hoạch hỗ trợ họ cũng như phát triển văn hóa doanh nghiệp/ tổ chức.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Điều dễ lầm tưởng nhất là công việc này là việc “tổ chức sự kiện”. Thực chất tổ chức sự kiện là bề nổi của tảng băng. Nhưng bên dưới – phần lớn của tảng băng là quá trình quan sát, trao đổi, thấu hiểu, và các sự kiện là những thử nghiệm nhỏ để mình tiếp tục phát triển văn hóa trong tổ chức, và tạo sự gắn bó của các thành viên với nhau và với động lực chung của tổ chức.

Điều thứ 2 hay bị lầm tưởng là “bách khoa toàn thư” và “thẩm phán tòa án”. Vì vai trò của mình cho phép mình biết rất nhiều thông tin trong tổ chức liên quan tới mọi lĩnh vực. Nên mình cũng sẽ được nhiều người hỏi đủ thứ câu hỏi, và nhiều người nhờ hỗ trợ phân xử công bằng trong tổ chức. Tuy nhiên, để tránh bị quá tải, mình nên tự mình vẽ ranh giới trong việc đưa ra câu trả lời, không nên trả lời hoặc quyết định khi mình không rõ sự việc, và gợi ý họ gặp đúng người, tránh gây ra những tin đồn đoán gây nhiễu.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Có, vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm đến môi trường sống, đến trách nhiệm với xã hội, đến hạnh phúc của người lao động. Nên công việc này sẽ ngày càng được công nhận và phát triển.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Con đường làm việc sẽ luôn luôn cần học hỏi và trau dồi, cần sáng tạo, đổi mới, vân vân và mây mây, nhưng có hai điều quan trọng mình nghĩ cần cho mọi việc làm, đặc biệt là công việc này: là “tâm” và “thái độ”.

Đặt toàn tâm vào công việc của mình, hãy làm việc ở dự án, công ty, tổ chức có cùng “tâm”, cùng hệ giá trị, cùng động lực với mình, thì mỗi ngày bạn sẽ được sống hết mình, chứ không còn là công việc phải làm nữa.

Luôn giữ một thái độ khiêm tốn, ham học hỏi, sẵn sàng lắng nghe với sự quan tâm thực lòng, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Chúc bạn được sống trọn vẹn mỗi ngày.