Chuyên viên tư vấn bảo hiểm

1. Thông tin cơ bản

  • Tuổi: 42
  • Giới tính: Nữ
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Song bằng Cử nhân ngành Ngân hàng và Đông phương học (chuyên ngành tiếng Nhật).
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ Chuyên viên tư vấn bảo hiểm (do Bộ Tài chính cấp) và các chứng nhận đào tạo kỹ năng Giao tiếp, Bán hàng, Quản lý,…
  • Số giờ làm hằng tuần: Thời gian làm việc linh động, tối thiểu 4 giờ/ngày
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty 100% vốn nước ngoài

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?

  • Tìm kiếm khách hàng mới
  • Tư vấn sản phẩm bảo hiểm
  • Chăm sóc khách hàng
  • Tuyển dụng và đào tạo thành viên mới cho đội nhóm

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Tôi bắt đầu công việc nhờ sự giới thiệu và tư vấn của đồng nghiệp. Tôi đưa ra lựa chọn này vì nhận thấy giá trị của bảo hiểm mang lại cho khách hàng, đó là những quyền lợi thực sự cụ thể và thiết thực. Bởi, bản thân tôi cũng đã có trải nghiệm thực tế khi sử dụng sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ rủi ro cho gia đình và người thân. Ngoài ra, gia đình cũng là một yếu tố tác động đến quyết định nghề nghiệp của tôi. Thời điểm đó, tôi đang nuôi hai con nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc hành chính và thời gian chăm sóc gia đình. Vì vậy, công việc tư vấn bảo hiểm sẽ cho tôi sự linh hoạt nhất định, tôi có thể tự sắp xếp thời gian để phù hợp với các vai trò của mình. Đặc biệt, công việc này không kén chọn độ tuổi để bắt đầu và kết thúc sự nghiệp. Vì vậy, tôi có thể tận dụng mạng lưới sẵn có, kết hợp với việc xây dựng các mối quan hệ mới từ sự giới thiệu của người thân, bạn bè và đồng nghiệp,… để có được hướng đi lâu dài trong nghề.

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Công việc của một chuyên viên tư vấn bảo hiểm cho phép sự tự chủ và linh hoạt, thế nên tôi tự sắp xếp lịch làm việc của mình như sau:

Tối Chủ nhật: Lên kế hoạch làm việc cho tuần tới (Weekly Plan)

Các ngày trong tuần:

  • Buổi sáng: Đưa đón hai con đi học, làm việc nhà, nấu ăn và các việc cá nhân khác
  • Buổi chiều: Gặp khách hàng theo lịch hẹn (ít nhất 1 khách/ngày, tối đa 4 khách/ngày) để tư vấn, giải đáp thắc mắc, xử lý hồ sơ và làm hợp đồng cho khách
  • Một tuần/lần: đến công ty họp đội/nhóm, báo cáo tiến độ công việc với nhóm trưởng hoặc quản lý
  • Tham gia các khóa học kỹ năng (bắt buộc và tự chọn) theo lịch của công ty

5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Thích nhất:

  • Sự tự chủ và linh hoạt về thời gian làm việc, đòi hỏi rèn luyện tính kỷ luật cao
  • Sự nâng đỡ và hỗ trợ của đồng đội
  • Nếu nỗ lực làm việc và có kết quả tốt thì sẽ có thu nhập xứng đáng (không giới hạn mức hoa hồng)

Không thích nhất:

Không hẳn là không thích, nhưng gần đây tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý lo sợ và thiếu thiện cảm của khách hàng, điều này bắt nguồn từ một số trường hợp hành nghề sai quy định của một số tổ chức và cá nhân.

6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Để làm và hoàn thành tốt công việc này, các em cần có tinh thần tích cực, chăm chỉ làm việc, sự kiên trì, không bỏ cuộc và không ngừng học hỏi các kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt, phải có sự trung thực và tận tâm khi tư vấn cho khách hàng, bởi lẽ chỉ khi khách hàng hài lòng thì họ mới sẵn lòng giới thiệu khách hàng mới cho mình.
  • Để được thăng tiến trong công việc, em cần trau dồi kỹ năng lãnh đạo, xây dựng đội nhóm, tuyển dụng và đào tạo thành viên đội nhóm, đồng thời hỗ trợ họ cùng phát triển.

7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Bảo hiểm là lừa đảo, không chịu bồi thường khi khách hàng gặp sự cố
  • Bảo hiểm là một kênh gửi tiết kiệm như ngân hàng
  • Khi khách hàng muốn rút tiền hoặc ngừng hợp đồng thì sẽ có nhiều ràng buộc
  • Ai cũng có thể bán bảo hiểm

Có nhiều lý do dẫn đến những hiểu lầm trên, có thể kể đến một vài nguyên nhân như: do nhân viên tư vấn bảo hiểm không thực hành đạo đức nghề nghiệp khi tư vấn/bán sản phẩm không phù hợp với đối tượng; khách hàng không được tư vấn đầy đủ nên không thực sự hiểu các yêu cầu và những điểm hạn chế của sản phẩm; ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội.

8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Hầu hết chuyên viên tư vấn bảo hiểm không có lương cơ bản/lương cố định mà hưởng thu nhập dựa vào hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm. Cho nên, tùy thuộc vào kết quả tư vấn và ký hợp đồng mà các chuyên viên tư vấn bảo hiểm có mức thu nhập khác nhau. 1-2 tháng đầu tiên em chưa ký được hợp đồng nào là chuyện bình thường. Vì vậy, trong thời gian mới vào nghề, em cần kiên nhẫn, kiên trì học hỏi và làm việc thật chăm chỉ. Em cần thời gian để xây dựng mối quan hệ và tạo dựng niềm tin với khách hàng. Một khi em có đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết, em sẽ có mạng lưới khách hàng tiềm năng, điều đó đồng nghĩa với việc mức thu nhập của em cũng sẽ tăng lên.

9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Nếu em muốn theo nghề này, lời khuyên của chị dành cho em là: tích cực, kiên trì, làm việc chăm chỉ, không ngừng học hỏi, thực hành đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy em mới tạo kết quả tốt và có thu nhập thường xuyên, ổn định. Về lâu dài, công việc này sẽ cho em cơ hội học hỏi rất nhiều về các kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng lãnh đạo.

10. [Dành cho anh/chị đã làm 2 công việc khác nhau trở lên] Vì sao anh/chị chuyển việc?

  • Công việc này cho tôi sự linh động về thời gian để tôi chủ động sắp xếp, vừa có thể làm việc kiếm thêm thu nhập, vừa có thể chăm sóc gia đình
  • Có thu nhập tốt hơn so với công việc cũ có mức lương tháng cố định
  • Những nỗ lực/kết quả mà mình bỏ ra sẽ được nhận thưởng xứng đáng, không giới hạn mức hoa hồng
  • Tinh thần sống lạc quan, thể chất khỏe mạnh do có thể cân bằng cuộc sống

11. [Dành cho anh/chị đã làm 2 công việc khác nhau trở lên] Anh/chị đã chuẩn bị như thế nào cho bước chuyển đổi công việc của mình (kiến thức, kỹ năng, quan hệ xã hội, tài chính,..)?

Tôi gặp các thử thách khi mới chuyển đổi công việc như:

  • Bị khách hàng từ chối
  • Chưa chốt được hợp đồng ngay
  • Gặp những định kiến, hiểu lầm về nghề

Cách tôi vượt qua:

  • Luôn lên kế hoạch làm việc sẵn sàng, kỹ càng, tỉ mỉ
  • Duy trì và phát triển các mối quan hệ với khách hàng bằng cách kết nối thường xuyên với bạn bè, đồng nghiệp, các khách hàng cũ và chủ động đề nghị sự giới thiệu của họ đến các khách hàng tiềm năng mới
  • Thường xuyên viết bài chia sẻ trên Facebook về những lợi ích và giá trị bảo vệ mà bảo hiểm mang lại
  • Kiên trì, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn hoặc thất bại
  • Luôn chăm sóc khách hàng tốt sau khi bán bảo hiểm và nhiệt tình tư vấn khi khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc vấn đề gì cần hỗ trợ