1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 33
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 11 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân ngành Thông tin Đối ngoại – Khoa Quan hệ quốc tế – Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ Chuyên viên Khai vấn ACC do ICF cấp
- Số giờ làm hằng tuần: 40h/tuần (làm việc tự do)
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Hiện đang làm solo-preneur (kinh doanh chuyên môn độc lập)
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
- Xây dựng cộng đồng networking chuyên nghiệp (một cộng đồng của những người muốn phát triển mạng lưới làm việc chuyên nghiệp)
- Xây dựng các khóa học online liên quan tới networking (cung cấp các kiến thức và kỹ năng nền tảng để xây dựng mạng lưới làm việc chuyên nghiệp)
- Xây dựng các khóa học liên quan tới đào tạo kỹ năng mềm cho những chuyên gia kinh doanh chuyên môn (các online trainer)
- Huấn luyện 1:1 và cố vấn cho các quản lý cấp cao/CEO của các công ty vừa và nhỏ
- Tìm kiếm các khách hàng tiềm năng cho dịch vụ networking coach
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi tiếp xúc lần đầu tiên với ngành khi tham gia chương trình “Hội chợ Hướng nghiệp” do trường cấp 3 tổ chức. Sau hội chợ, tôi rất ấn tượng với ngành PR – Quan hệ công chúng vì nó phù hợp với sở thích và điểm mạnh của bản thân: thích giao lưu, tổ chức sự kiện, được làm việc với các ý tưởng mới mẻ, sáng tạo và được tiếp xúc với nhiều người. Vì vậy, tôi đã đặt nguyện vọng thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tôi bắt đầu vào nghề vào năm 3 Đại học. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với các kiến thức về tổ chức sự kiện, truyền thông, làm báo, tôi đã bắt đầu tham gia vào các công việc liên quan tới tổ chức sự kiện tại các trường Đại học. Sau đó, tôi nhận ra điểm mạnh của bản thân là tổ chức và giảng dạy kỹ năng mềm – một ngách nhỏ mà ít ai dạy, đó chính là kỹ năng thuyết trình. Tôi đã sáng lập ra một trung tâm để giảng dạy cho các sinh viên về kỹ năng thuyết trình và nhận được nhiều sự ủng hộ trong cộng đồng. Từ đó, tôi cũng xây dựng được cho mình mạng lưới chuyên nghiệp, cũng như sản phẩm đầu tiên liên quan tới đào tạo kỹ năng mềm và nghề nghiệp liên quan tới đào tạo, kết nối.
Nhìn chung, tôi là người tự đinh hướng cho bản thân từ nhỏ. Bố mẹ luôn ủng hộ và cho tôi tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Sau này, khi có gia đình và có con, việc lựa chọn công việc cũng do chính tôi quyết định và tự tìm tòi hướng đi cho riêng mình. Tôi rất tự hào về con đường mà mình đã và đang đi.
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
09:00 – 10:00 |
Họp hành, sắp xếp lịch trong ngày |
10:00 – 12:00 |
Gặp đối tác, khách hàng |
13:00 – 14:00 |
Xây dựng khung chương trình đào tạo |
14:00 – 16:00 |
Gặp gỡ mentee (người được cố vấn) và khách hàng |
Ghi chú |
Hiện tại, tôi đang làm việc 6 ngày/tuần và lịch làm việc thường được sắp xếp theo ngày. Cụ thể: Thứ 2: Tham gia vào các cuộc họp nội bộ, tổng kết những điều đã đạt được, đúc kết lại tiến trình làm việc với khách hàng/đối tác và đưa ra kế hoạch cần làm cho tuần tới. Thứ 3 & Thứ 4: Gặp gỡ và trao đổi với khách hàng để có thêm nhiều insight và góc nhìn. Thứ 5 & Thứ 6: Nghiên cứu và đi sâu vào chuyên môn để xây dựng các khung chương trình đào tạo dựa vào insight và phản hồi từ khách hàng Thứ 7: Giảng dạy, học tập và nâng cao chuyên môn Chủ nhật: Dành thời gian cho gia đình và bản thân, nghỉ ngơi để cân bằng |
5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Thích nhất: Điều tôi thích nhất là sự tự do. Tôi có thể lựa chọn đối tác và khách hàng mà mình muốn hướng tới, đào sâu suy nghĩ và dành thời gian phát triển bản thân để phù hợp với điểm mạnh và thị trường.
- Không thích: Điều tôi không thích nhất là sự thiếu ổn định. Vì tôi kinh doanh độc lập nên tôi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho thu nhập của bản thân. Trong khi đó, có rất nhiều thứ không chắc chắn và cần chỉnh sửa, điều chỉnh. Ví dụ như, mô hình kinh doanh (business model) của mình, khách hàng tiềm năng và sản phẩm. Tôi cũng phải tự chủ về việc tự phát triển bản thân.
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Muốn thăng tiến trong công việc, bạn cần có một thái độ cầu thị, học hỏi không ngừng và lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng rất quan trọng.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Hiểu lầm lớn nhất đén từ việc mọi người cho rằng, làm việc tự do sẽ không cần sự kỷ luật hoặc công việc sẽ yên bình, ngẫu hứng. Thực tế, sự kỷ luật là điều quan trọng nhất đối với một người làm độc lập, vì bạn không có đội nhóm nên sự thành bại của công việc phụ thuộc rất nhiều vào sự kỷ luật của chính bản thân.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Sau 10 năm đi làm toàn thời gian, hiện tại tôi quyết định làm kinh doanh chuyên môn độc lập. Thu nhập của tôi đã tăng lên rất nhiều lần và thời gian cũng cân bằng hơn. Tôi nghĩ, điều quan trọng để có được thành công như lúc này, đó chính là sự tích lũy thời gian, kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ trong thời gian đi làm toàn thời gian trước đó.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Tôi có lời khuyên về việc các em nên xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tạo dựng các mối quan hệ, tìm được người dẫn dắt (mentor) rất quan trọng với sinh viên. Sự chân thành, luôn mong muốn giúp đỡ người khác cũng sẽ giúp các em đi xa trong công việc này.
10. [Dành cho anh/chị đã làm 2 công việc khác nhau trở lên] Vì sao anh/chị chuyển việc?
Tôi đã từng chuyển việc khá nhiều lần qua nhiều công ty khác nhau. Các công việc tôi từng trải qua như Sales, Trainer, Coach. Quyết định chuyển việc được đưa ra với nhiều lý do, nhưng đa số là do tôi muốn tìm kiếm cho mình một người cố vấn tốt để tôi có thể học hỏi và phát triển. Đồng thời, trong quá trình làm việc, tôi luôn tự chiêm nghiệm về công việc, xem thử mình đã sử dụng hết khả năng và điểm mạnh của mình hay chưa, có điều gì mà mình vẫn cần phát triển thêm.
Ví dụ: Khi làm Trainer cho kỹ năng mềm, tôi luôn được mọi người tìm tới và gặp 1:1 để tư vấn về việc phát triển bản thân. Thời gian đầu, tôi rất nhiệt tình giúp đỡ, từ đó có thêm được rất nhiều mối quan hệ chất lượng, cũng như tạo được sự uy tín đối với mọi người. Thế nhưng, việc luôn phải đưa ra lời khuyên khiến tôi cảm thấy áp lực và kiệt sức. Vì vậy, tôi đã tìm và học về khai vấn (coach) để có thể hỗ trợ mọi người phát triển, nhưng không phải đưa ra quá nhiều lời khuyên, mà là giúp họ tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình.
Tôi đã làm hai việc song song: Sales và Coach trong 5 năm khi làm ở công ty đào tạo. Việc làm sales giúp ích rất nhiều cho tôi trong việc xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, có được những khách hàng coach đầu tiên và hỗ trợ cho quá trình làm Networking Coach ở thời điểm hiện tại.
11. [Dành cho anh/chị đã làm 2 công việc khác nhau trở lên] Anh/chị đã chuẩn bị như thế nào cho bước chuyển đổi công việc của mình (kiến thức, kỹ năng, quan hệ xã hội, tài chính,..)?
- Trước mỗi lần thay đổi công việc, tôi đều chuẩn bị rất kỹ về tâm thế và kỹ năng
- Tôi tham gia vào các khoá học để phát triển các kỹ năng mà tôi cảm thấy phù hợp với định hướng của bản thân
- Tôi tìm hiểu trước từ mạng lưới chuyên nghiệp của mình về các cơ hội nghề nghiệp đang có
- Tôi kiểm soát tốt tài chính của mình để đảm bảo việc chuyển đổi nghề nghiệp không tạo ra áp lực tài chính cho tôi và gia đình
Bài viết liên quan: