CHUYÊN SÂU HAY BIẾT NHIỀU?!?

“Cô ơi, theo cô thì mình CHUYÊN SÂU một lĩnh vực tốt hơn hay mình có khả năng ở NHIỀU LĨNH VỰC bên ngoài khác nhau thì tốt hơn?”

“Một nghiên cứu gần đây nhất của Mỹ chỉ ra rằng: cách đây khoảng 10 năm, sinh viên học các ngành khoa học xã hội và nhân văn được xem là những nhóm sinh viên không biết định hướng gì vì ngành học chung chung, họ được đào tạo nhiều kỹ năng nhưng không chuyên sâu, và khi ra trường rất khó tìm việc làm. Nhưng 4 năm gần đây, các nhà nghiên cứu tìm hiểu được một kết quả rằng những sinh viên học các ngành khoa học xã hội và nhân văn thì rất được các nhà tuyển dụng yêu chuộng, và cơ hội được tuyển dụng cao hơn, bởi vì họ thích nghi rất nhanh với môi trường việc làm. Thích nghi nhanh vì những kỹ năng họ được học chủ yếu là những kỹ năng tương tác giữa người với người.

Những năm gần đây, nhà tuyển dụng cho rằng về phía họ không cần ứng viên phải quá chuyên sâu trong một nhóm kỹ năng nào đó, nhưng phải có kỹ năng làm việc giữa người với người. Nhà tuyển dụng cần ứng viên có khả năng học một thông tin mới, làm việc với nhóm không gây gổ, bực bội khi có mâu thuẫn mà tìm cách giải quyết vấn đề. Đó là những kỹ năng thiết yếu mà nhà tuyển dụng cần. Sau đó, những nhóm ứng viên này mới cần học chuyên sâu vào lĩnh vực họ cần.

Xu hướng tuyển dụng ngày nay có một trường phái nói rằng “Chúng tôi không cần bạn quá chuyên sâu nhưng chúng tôi cần bạn có nhóm kỹ năng để khi bạn vào công ty chúng tôi, bạn linh hoạt và làm việc nhóm tốt”.

Trường phái còn lại ưu tiên những người chuyên sâu. Ví dụ như IT, khoa học công nghệ, kỹ sư xây dựng vẫn ưu tiên những người có kỹ năng chuyên biệt. Do đó, những kỹ năng chuyên biệt vẫn cần phải có đối với một số ngành nghề. Kỹ thuật, Nghiên cứu và Nghiệp vụ là 3 lĩnh vực học rất chuyên sâu nên người học cần dung hòa và bổ sung thêm nhóm kỹ năng tương tác xã hội mà bên trong chuyên ngành không có.

Cô nghĩ hay nhất là mình nên kết hợp cả hai, giữa chuyên sâu và biết nhiều. Mình chọn ngành học chuyên sâu phù hợp với mình, bên cạnh đó xây dựng thêm những kiến thức và kỹ năng bổ trợ. Với những người chưa biết mình thích gì thì cứ học chung chung, sau đó đi làm và trải nghiệm rất nhiều thì mới biết được mình thích gì và phù hợp lĩnh vực gì, sau đó mới học chuyên sâu.

Có những người họ biết được mình thích và phù hợp với lĩnh vực nào thì sẽ học chuyên sâu ngay từ đầu, sau đó họ cần mở rộng những kiến thức và kỹ năng ở lĩnh vực khác. Do đó, tùy từng người mà chúng ta có những hướng phát triển khác nhau”.