Chủ cửa hàng bánh kem

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 27
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm (1.5 năm bếp nóng, 1.5 năm bếp bánh, 2 năm khởi nghiệp)
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): chứng chỉ bếp trưởng điều hành, chứng chỉ bếp bánh Âu chuyên nghiệp
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): cửa hàng bánh kem 

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính: Quản lý cửa hàng.

Công việc chính:

  • Bếp bánh: đảm bảo chất lượng bánh, nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mới.
  • Kinh doanh: quản lý đơn hàng, chất lượng phục vụ khách hàng, xem xét các phản hồi của khách hàng để nâng cao chất lượng phục vụ.
  • Trang trí: đóng góp ý kiến từ phản hồi của khách hàng cho bộ phận trang trí bánh để điều chỉnh và nâng cao chất lượng trang trí bánh (bộ phận mình quản lý nhưng không phải chuyên môn của mình)
  • Marketing: xây dựng Fanpage, Website, các chương trình khuyến mãi, các công cụ để khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.
  • Tài chính: quản lý và cân đối dòng tiền thu – chi, tính toán giá thành sản phẩm.
  • Nhân sự: tuyển dụng và đào tạo nhân viên.

Giá trị công việc của mình: 

  • Nhằm mang đến cho khách hàng các sản phẩm mới, khác với thị trường hiện tại, đem đến sự thay đổi cho thị trường bánh tại khu vực.
  • Tạo một môi trường làm việc mà ở đó các bạn có thể được đóng góp ý kiến, được xây dựng và được học tập kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng khác.    

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Hành trình bắt đầu từ lúc mình quyết định từ bỏ con đường tốt nghiệp đại học để chuyển hướng sang một ngành nghề nào đó khác đi. Vì bản thân nhận thấy khi mình tốt nghiệp ở ngành học này, bước chân vào làm việc thì mình không thể có được niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày. Môi trường làm việc, con đường tiến thân của ngành nghề này nếu mình làm đến cuối cùng và đạt được tất cả thì sao? Mình không cảm nhận được động lực nào để tiếp tục nên quyết định từ bỏ.

Việc đầu tiên mình có được khi từ bỏ chính là sự nhẹ nhàng, thoải mái và tự do, nhưng tiếp theo đó là cảm giác trống rỗng, một cảm giác không biết mình nên làm gì tiếp theo, nên quay lại đi học tiếp một ngành khác hay nên học nghề. Ở giai đoạn này, mình đã phải suy nghĩ rất nhiều, các câu hỏi như: bạn bè tốt nghiệp đại học hết còn mình phải học lại từ đầu ư? Nếu đi học lại thì có chắc rằng học ra đi làm sẽ thích hợp với ngành đó nữa không? Mình còn học nổi nữa không? Nếu đi học nghề thì nghề gì bây giờ? Rồi học nghề làm nghề khi nào mới có dư giả được?

Bỗng một ngày mình đọc được một đoạn về “khái niệm con nhím” đại khái là:

  • Việc gì bạn tự tin là mình có thể làm giỏi nhất
  • Việc gì làm cho bạn đam mê nhất, làm bất kể ngày đêm mà không hề thấy mệt mỏi
  • Và công việc nào thị trường đang và sẽ cần, công việc đó có làm ra “kinh tế” không?

Giao điểm của 3 vòng tròn này chính là thứ mà mình làm sẽ “giỏi nhất”, “thích nhất”, “tạo ra tiền nhất”. Oh wow, một cảm giác tìm ra được chân lý. Nhưng để tìm ra được giao điểm của 3 vòng tròn này không hề dễ dàng vì cần phải có kiến thức để hiểu bản thân mình thích gì, giỏi gì, bước vào ngành thì công việc đó sẽ như thế nào, phải thấy được thị trường hiện tại và tương lai ra sao nữa. Than ôi! Lại đi vào bế tắc. Rồi mình lại đọc trong cuốn “Nhiệt huyết tuổi 20” của tác giả KEN HONDA có một đoạn nói về làm sao để tìm ra đam mê của mình (xin nói rõ là ở giai đoạn này mình là 1 bạn trẻ “ất ơ” chưa bao giờ hiểu bản thân mình thích gì, có đam mê gì, chưa có được sự hướng nghiệp rõ ràng, nên mình chẳng biết gì cả, chỉ biết cắm mặt vào game thôi. Sách thì mình có mua được vài cuốn vì người ta bảo “không ai thành công mà không đọc sách”, mà sách không biết cách đọc cũng nguy hiểm lắm đó – phần này mình sẽ nói sau). Tác giả KEN HONDA nêu rằng: bạn hãy nhớ lại những việc gì mình làm lúc nhỏ mà mình cảm thấy vui nhất, say mê thích thú nhất thì đó có thể là đam mê của bạn. Mình chợt nhận ra là hồi bé mình rất thích phụ mẹ hoặc các cô dì trong bếp vào mỗi dịp lễ tiệc. Thế là mình quyết định đi học bếp nóng.

Giai đoạn này mình bắt đầu theo học một trường dạy nghề bếp ở TP.HCM khóa học là “bếp trưởng điều hành” trong 6 tháng. Sau khi tốt nghiệp, mình bắt đầu đi làm ở một nhà hàng chuyên về món Singapore ở Quận 1 – đây là lần đầu tiên đi làm. Sau 8 tháng làm việc, mình muốn thay đổi công việc sang môi trường khác để học hỏi thêm, vì bạn nào ở ngành này sẽ hiểu là kiến thức ẩm thực rất nhiều và được chia thành các dòng riêng như bếp Á, bếp Âu, bếp Hoa, bếp Nhật… nên phải định hướng rõ một dòng để theo đuổi. Mình quyết định theo dòng bếp Âu trước để học hỏi kiến thức, kỹ thuật của bếp Âu, rồi áp dụng vào việc nâng tầm món Việt theo phong cách Âu. Công việc tiếp theo của mình là ở một bếp khách sạn 3 sao ở Sài Gòn. Cứ tưởng khi sang môi trường mới sẽ được học hỏi rất nhiều thì than ôi! Sốc văn hóa các bạn à. Từ việc phải thức dậy quá sớm, 4h30 phải có mặt để chuẩn bị buffet sáng cho khách cho đến việc xoay ca, đụng ca và những lúc khách đông thì công việc trong bếp rất áp lực. Và mình nhận ra là rất khó để có thể bắt đầu việc kinh doanh từ ngành bếp, nên hành trình bếp nóng của mình kết thúc ở đây.

Giai đoạn tiếp theo, mình chuyển sang học ngành bánh vì bạn gái mình cũng đang theo học ngành này và “mở một tiệm bánh đơn giản hơn là mở một tiệm ăn”. Mình lại bắt đầu bằng việc theo học bếp bánh cũng ở một trung tâm khác ở Sài Gòn. Khi kết thúc khóa học, mình bắt đầu làm việc ở một tiệm bánh cũng khá nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó. Mô hình của tiệm là dạng công ty gia đình nên mình cũng học hỏi được rất nhiều từ việc làm bánh, nướng bánh, viết công thức bánh, cho đến việc được dạy những lớp workshop cho các bé nhỏ. Sau khoảng một năm làm việc, mình cảm thấy rằng thị trường ở quê mình bắt đầu cần có sự thay đổi về bánh sinh nhật. Thế là mình và bạn gái quyết định quay về quê ở, đồng thời mở một cửa hàng bánh kem.

Giai đoạn kế tiếp, mình bắt đầu nghỉ việc để về quê tìm mặt bằng, khảo sát thị trường (các cửa hàng có sẵn tại địa phương, nhu cầu, mức thu nhập của khách hàng), mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, tìm nguồn nguyên liệu…. Vì chưa có kinh nghiệm nên mất khoảng 2 tháng để chuẩn bị. Thời gian đầu khá khó khăn, vì khách hàng đã có sẵn cửa hàng quen rồi, nên để thu hút khách hàng thì bên mình thực hiện các chương trình tặng bánh, “nhờ người thân quảng cáo”. Sau khoảng 3 tháng chật vật, thức khuya dậy sớm, làm việc rối tung thì mọi việc bắt đầu vào khuôn khổ và khách hàng cũng bắt đầu chấp nhận sản phẩm bên mình. Trong lúc kinh doanh còn có rất nhiều vấn đề phát sinh, bên cạnh đó cũng có rất nhiều chuyện vui mình không tiện kể ở đây, mà có kể thì chắc sẽ thành một xấp tài liệu luôn quá.

Nếu mình được lựa chọn, chắc mình sẽ vẫn chọn tiếp tục con đường này. Vì công việc này mang đến cho mình rất nhiều thứ: những cơ hội để học hỏi, để tiếp xúc với nhiều người với ngành nghề khác nhau, cơ hội được vận dụng các kiến thức của mình để xây dựng và sáng tạo, cơ hội được phục vụ khách hàng, được mang tới những điều mới mẻ cho mọi người, tạo được môi trường làm việc để các bạn có cơ hội học hỏi, được vui vẻ trong mỗi ngày đi làm, có thể “sống” và phát triển được với nghề nghiệp của mình.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Buổi sáng Tập thể dục và vệ sinh cá nhân 
7:00 – 11:30 Đến cửa hàng :

  • Kiểm tra đơn hàng trong ngày và ngày tiếp theo
  • Ngồi lại 10-15 phút để sắp xếp các công việc cần hoàn thành trong ngày và bàn giao công việc cho các nhóm trưởng của mỗi team (bếp nướng, trang trí bánh, bán hàng)
  • Trực fanpage – giao bánh 
  • Thời gian rảnh thì mình lên lịch cho các bài viết ở fanpage, kế hoạch cho các sản phẩm mới, các sự kiện lễ trong năm
11:30-1:00 Nghỉ trưa 
1:00-20:00
  • Trực cửa hàng và fanpage, giao bánh
  • Kiểm tra chất lượng bánh và chất lượng trang trí bánh 
  • Kết ca và đóng cửa hàng (vì mình chưa có nhân viên ca tối) 
20:00 – 22:00
  • Ăn tối và sinh hoạt với gia đình 
  • Giải trí: đọc sách, tài liệu, xem phim hoặc xem tin tức 
  • Ngủ

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Việc mà mình thích nhất ở công việc này là nó cho mình rất nhiều cơ hội để học hỏi, thay đổi bản thân và cơ hội để phục vụ cộng đồng xung quanh mình.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Việc mà mình không thích thì chắc là không có. Mà sẽ có những khó khăn là việc mình phải làm đầu tàu để dẫn dắt mọi người, các quyết định của mình sẽ ảnh hướng đến rất nhiều người từ khách hàng, đến nhân viên của mình. Vì vậy, đôi khi sẽ có những áp lực mà mình phải đủ cứng rắn, đủ vững chải để đứng ra gánh vác trước tiên.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Để có thể khởi nghiệp với ngành ẩm thực nói chung hoặc ngành bánh nói riêng như mình, các bạn cần trang bị cho mình đầu tiên là kiến thức ngành rất vững, vì khi bắt đầu khởi nghiệp trong thời gian đầu (1-2 năm) bạn sẽ không có đủ thời gian để học thêm các kiến thức chuyên môn, dễ dẫn tới việc bạn sẽ bị tụt hậu lại phía sau so với thị trường hiện tại. Vì ở ngành này, đặc biệt trong thời đại hiện nay thì xu hướng về ăn uống xoay rất nhanh.

Phải xác định rõ cửa hàng mình tập trung vào điều gì?

  • Sản phẩm chính của mình là gì, sản phẩm nào cốt lõi
  • Thị trường hiện tại có bao nhiêu sản phẩm giống mình và có thể thay thế mình
  • Phân khúc khách hàng của mình là phân khúc nào. Đối tượng khách hàng của mình là ai, thu nhập của họ như thế nào, … để từ đó có thể xác định giá bán phù hợp nhất có thể.

Một thứ không thể thiếu nữa đó là vốn. Muốn làm gì cũng phải có tiền các bạn à. Từ tiền thuê nhà, tiền mua nguyên liệu, mua công cụ, thiết bị, cái gì cũng phải mua hết. Giai đoạn đầu này nên xác định mình nên mua thật là tiết kiệm và thứ gì cần thiết lắm mới mua, vì có thể những thứ bạn mua sẽ có khi không bao giờ dùng tới. (Mình xin chia sẻ luôn là toàn bộ vốn mình kinh doanh hiện tại đều là vay ngân hàng nên bạn nào giống mình thì còn phải tính đến việc đóng lãi trước và trả nợ sau nữa).

Viết cho mình kế hoạch kinh doanh chi tiết trong 6 tháng đầu. Dự đoán các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra và cách giải quyết các tình huống (tình huống xấu nhất không phải là bán được ít hàng mà là không bán được hàng luôn nha, có thể phải đóng cửa hàng vì dịch bất cứ lúc nào).

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Rất đơn giản là làm chủ sướng lắm, có nhân viên làm hết à. Nếu các bạn có cơ hội đọc những chia sẻ của các anh chị đã khởi nghiệp với ngành ăn uống này thì chỉ có một câu thôi: “cực lắm em”. Mọi việc trong cửa hàng bạn không làm, nhưng ít nhất là bạn phải biết làm tất cả để phòng trường hợp thiếu người bạn phải nhảy vào làm, kể cả lau dọn cửa hàng, rửa chén, giao hàng, …..

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Khi mới bắt đầu bằng công việc phụ bếp, mình được gia đình hỗ trợ phần tiền thuê nhà ở Sài Gòn nên mình cũng không gặp khó khăn lắm trong thời gian đầu. Sau vài tháng thì mình có thể tự nuôi chính bản thân bằng sức của mình.

Hiện nay, khi mở cửa hàng, mình cũng khá hơn, có thể tự tin giúp các bạn nhân viên ở tiệm có thu nhập tốt để giúp các bạn ổn định hơn về mặt kinh tế. 

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Từ những trải nghiệm của bản thân, mình có lời khuyên cho các bạn có ý định theo con đường làm việc bếp bánh và khởi nghiệp cửa hàng bánh là:

  • Các bạn phải trang bị cho mình thật kỹ các hành trang sau :

o  Kiến thức ngành, kiến thức thị trường.

o  Vốn kinh doanh.

o  Tinh thần sẵn sàng và chấp nhận tất cả các tình huống mà mình không lường trước được.

o  Tinh thần phục vụ (không chỉ đối với khách hàng), nếu không có bạn không thể nào làm tốt trong ngành này được.

  • Ngay từ bây giờ bạn cần nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc của mình và dành thời gian mỗi ngày để học tập trau dồi thêm kiến thức. Học ở đây không nhất thiết là từ sách vở mà có thể từ những việc nhỏ nhất trong công việc hiện tại của bạn. VD: Để ý từ những thứ nhỏ nhất, những khó khăn trong nhà của mình và mọi người xung quanh, mình có thể làm gì để cải tiến nó để mình và mọi người có thể hoàn thành công việc nhanh và hiệu quả nhất. Lâu ngày bạn sẽ xây dựng cho mình kỹ năng quan sát và cải tiến liên tục, một kỹ năng mà bất cứ ngành nghề, doanh nghiệp nào cũng cần có để phát triển.

Tất cả những chia sẻ ở trên đều dựa vào những trải nghiệm của riêng bản thân mình nên nó sẽ phù hợp với bản thân mình nhất. Mình hy vọng các bạn đừng dùng nó làm kim chỉ nam, làm chân lý hay coi đó là nguyên tắc gì cả, mà hãy dùng nó làm động lực để tiếp tục con đường mà mình đã chọn. Chúc các bạn tìm được một công việc để mỗi ngày đi làm là một ngày trải nghiệm, một ngày tràn đầy niềm vui, một công việc mà bạn có thể làm nó trong ít nhất là 10 – 20 – 40 – 60 năm mà các bạn vẫn còn háo hức, tràn đầy năng lượng như những ngày đầu tiên.

Các bạn hãy cứ làm hết mình, hãy cống hiến hết mình cho công việc và cho tập thể vì khi làm vậy người có được lợi đầu tiên chính là các bạn. Sẽ không có bất cứ thứ gì mất đi vô ích nếu bạn thực sự cho đi đâu.