Bác sĩ Khoa tim

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 31
  • Số năm kinh nghiệm ở nghề này: 07
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ Y học chuyên ngành Tim mạch
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Siêu âm tim cơ bản, Siêu âm tim qua thực quản
  • Số giờ làm hằng tuần: 40h + trực đêm 1-2 buổi/ tuần
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Bệnh viện đa khoa tỉnh (khoảng 1000 nhân viên)

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Công việc hiện tại của chị là khám và điều trị bệnh, bao gồm:

  • Khám bệnh ngoại trú tại phòng khám
  • Điều trị bệnh nhân nội trú tại khoa phòng
  • Làm siêu âm tim tại phòng siêu âm tại khoa
  • Trực đêm tại khoa

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Thực ra cấp 3 chị học khối A (Toán, Lý, Hoá), môn Sinh chỉ học bình thường trên lớp. Tuy nhiên, được sự tư vấn của bố, chị bắt đầu để ý đến ngành y, càng để ý càng thấy yêu thích hình ảnh các bác sĩ với màu áo trắng chữa bệnh cứu người, do đó chị quyết tâm học thi thêm khối B chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. 

6 năm học đại học, sáng bệnh viện, chiều giảng đường, tối thư viện, đêm trực, nghĩ lại cũng thấy đủ gian nan. Tuy học hành vất vả, nhưng chị có mối tình sinh viên rất đẹp từ năm thứ 2, kết quả là tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi và 1 đám cưới sau khi ra trường đi làm 4 tháng.

Tốt nghiệp đại học, chị theo người yêu về làm ở bệnh viện đa khoa tỉnh quê nội của anh ấy. Ban đầu chị thích trẻ con nên đăng ký về khoa Nhi. Tuy nhiên, bác sĩ Nhi thực sự rất vất vả. Chồng chị lại làm ở khoa Hồi sức cấp cứu, có khi hai vợ chồng cả tuần không gặp nhau.

Vì thế, khi có em bé, chị chuyển công tác sang khoa Tim mạch để có thêm chút xíu thời gian cho gia đình.

Đi làm được 4 năm, khi bé đầu được 3 tuổi, chị tiếp tục học Thạc sỹ với 2 năm liên tục sáng chiều tối ở Viện Tim mạch. Quá trình học tập với một bác sĩ thực sự rất dài và không bao giờ có điểm cuối. Tuy vậy, nếu cho chọn lại, chị vẫn sẽ chọn con đường đã đi.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

7h00 – 7h30 Giao ban tại khoa
7h30- 8h30 Đi các buồng phòng khám bệnh cho từng bệnh nhân tại giường bệnh
8h30- 11h30 Làm hồ sơ bệnh án, nhận xét và cho thuốc bệnh nhân

Khám cho bệnh nhân mới vào viện hoặc làm siêu âm tim tại phòng siêu âm

11h30- 13h30 Nghỉ trưa (giờ nghỉ trưa là 11h30-13h30 với mùa hè, 12h-13h với mùa đông) hoặc trực.
13h30- 17h00
  • Làm siêu âm tim theo lịch
  • Đón bệnh nhân mới 
  • Hoàn thiện hồ sơ bệnh án 
  • Tổng kết bệnh án ra viện, Kê đơn ngoại trú cho bệnh nhân ra viện
Ghi chú
  • Ngoài thời gian trực 1-2 buổi/ tuần, việc dành thời gian học thêm tài liệu và trao đổi với đồng nghiệp để cập nhật tin tức ngành là rất quan trọng.
  • Nếu vào ngày trực thì sẽ làm việc 24/24 giờ, ngày hôm sau có phân công sẽ làm việc tiếp. Thường là làm việc hết buổi sáng sau hôm trực. 
  • Bác sĩ nữ có thai tham gia trực cho đến hết tuần thứ 28, sau sinh 12 tháng sẽ đi trực lại.
  • Bác sĩ Tim mạch nếu làm về can thiệp tim mạch, khi có bệnh nhân cần can thiệp cấp cứu, ví dụ bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, thì đương nhiên sẽ có mặt khi được thông báo dù có hay không phải trong ca trực.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Được làm công việc chuyên môn, theo đúng ngành nghề đã học. 
  • Được giao lưu học hỏi với đồng nghiệp, từ đó phát triển năng lực làm việc.
  • Được đóng góp vào quá trình “chữa bệnh cứu người”, làm việc có ích cho người.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao? 

  • Thời gian dành cho gia đình không được nhiều.

Thời gian đi làm, trực và hỗ trợ khẩn cấp chiếm khá nhiều thời gian của bản thân và gia đình. Nhất là nhà chị cả hai vợ chồng đều làm bác sĩ, có nhiều tuần không gặp mặt nhau luôn.

  • Công việc ngành y là một ngành rất áp lực. 

Áp lực từ việc chịu trách nhiệm chẩn đoán đúng và tìm phương án điều trị phù hợp đã đành, áp lực từ việc giải thích, tiếp đón bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mới thật sự gây căng thẳng. Tới tận bây giờ, khi đã qua nhiều năm làm việc, chị vẫn đôi khi thấy buồn khi gặp nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không hiểu, không tin tưởng và không thông cảm với công việc của nhân viên y tế. Ngược lại, có thái độ, lời nói và hành vi không lịch sự với nhân viên y tế. 

  • Thiếu chế tài bảo vệ của Pháp luật.

Điều khiến chị cũng như phần lớn các bác sĩ cảm thấy không hài lòng, buồn, không cam tâm nhất với ngành của mình bây giờ là sự thiếu tôn trọng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Điều này lại thường xuyên xảy ra ở một đất nước, xã hội với một trong những nghề từng đc xem là cao quý nhất. Khi hành khách có thái độ không tốt với tiếp viên hàng không, họ bị phạt tiền và cấm bay. Trong khi đó, nhân viên y tế bị hành hung, bị xâm phạm thân thể và danh dự lại không có một cơ quan, tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Đó có phải là bất công?

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Để hoàn thành tốt công việc, em cần thiết phải liên tục trau dồi:

  • Kiến thức y học: học từ tài liệu chính quy ở nhà trường, quá trình tu nghiệp, giáo sư đầu ngành
  • Kỹ năng thực hành nghề: ngay từ khi học đã phải chủ động quan sát, thực tập, liên tục cập nhật
  • Kỹ năng giao tiếp: tư vấn lời lẽ cảm thông, nhẹ nhàng, thuyết phục với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có thái độ dứt khoát, tự tin vì thường không có quá nhiều thời gian thăm bệnh.
  • Thái độ làm việc: tuân thủ quy tắc, tập trung tuyệt đối cho công việc, y đức làm đầu. Không có thái độ kì thị hay xa lánh với bất cứ đối tượng nào. Quá trình làm việc khá căng thẳng, nên cũng luôn giữ thái độ bình tĩnh, thoải mái trong khuôn khổ để khi đi làm cũng có những niềm vui trong nghề.
  • Ngoài ra, em cần học cả những kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp và với lãnh đạo các khoa phòng. Điều này cần thiết trong cả điều trị và con đường thăng tiến sự nghiệp cá nhân.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Mọi người thường nghĩ rằng nghề bác sĩ nhàn và kiếm được nhiều tiền, trong khi thực tế bác sĩ làm việc rất vất vả, thời gian học dài và không chỉ dừng ở 6-7 năm đại học, công việc chịu nhiều áp lực, thu nhập không cao.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Ở thời điểm hiện tại, sinh viên Y khoa nào mới ra trường cũng cần phấn đấu rất nhiều để có công việc trở thành bác sĩ. Bác sĩ ở bệnh viện công cũng tạm đủ nuôi bản thân với các nhu cầu cơ bản. Bác sĩ bệnh viện tư, phòng khám tư có thể có thu nhập khá hơn và điều kiện làm việc tốt hơn.

Để có thể kiếm thêm thu nhập trong quá trình phát triển nghề thì cần thêm nhiều thời gian phấn đấu, trau dồi kiến thức, kỹ năng thực hành. Ngành y hiếm có sự đột phá về thu nhập nếu không xây dựng tiếng tăm về khả năng và uy tín khi hành nghề.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

  • Có tình yêu người, yêu nghề, kiên trì theo đuổi con đường đã chọn, đừng cố đi đường tắt trong quá trình phát triển nghề
  • Khi mới ra trường cần chấp nhận với mức lương chỉ tạm đủ nuôi sống bản thân, chấp nhận sự đầu tư cho ngành sẽ lớn cả về thời gian, tiền bạc, công sức
  • Không có suy nghĩ học xong đại học hay thạc sĩ là đủ, mà luôn phải tự nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, nghiên cứu hay kiến thức mới trong ngành
  • Thái độ khiêm tốn, liên tục mở rộng kết nối chuyên môn với đồng nghiệp liên ngành
  • Ngoài kiến thức chuyên môn, cần nâng cao kỹ năng giao tiếp để người bệnh và người nhà bệnh nhân hợp tác điều trị
  • Chăm sóc tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân