Vào tối ngày 28/10/2021, Sông An đã có buổi live stream về một chủ đề rất đặc biệt: “HƯỚNG NGHIỆP CHO NGƯỜI VỀ HƯU”, với sự tham gia chia sẻ của Giáo sư Trương Nguyện Thành – một người ở tuổi U70 không chọn nghỉ ngơi mà xem độ tuổi của mình là thời điểm bắt đầu một chương mới của cuộc đời. Qua buổi chia sẻ, anh Thành đã để lại nhiều ấn tượng cho các bạn tham gia qua câu chuyện nghề của anh, cũng như đưa đến những góc nhìn mới về việc hướng nghiệp ở độ tuổi về hưu.
Sống khát khao với “tư duy đói”
Anh Thành chia sẻ bản thân luôn sống với một “tư duy đói”. Nếu như cách đây hơn 45 năm ở Việt Nam, mọi người phải sống trong những năm tháng “đói ăn” khi mùa màng liên tục thất bát, luôn suy nghĩ phải làm thế nào để có đồ ăn, sẵn sàng chấp nhận có gì ăn đó để sống qua ngày, thì anh mang chữ “đói” vào cả câu chuyện nghề nghiệp của mình, đó là “đói kiến thức”, “đói kỹ năng”. Cảm giác “đói” ấy thúc đẩy anh luôn khao khát tìm tòi, khao khát học hỏi những điều mới để “vượt qua cơn đói” của mình. Chính “tư duy đói” ấy đã góp phần làm nên một Trương Nguyện Thành của hôm nay.
Từ câu chuyện thửa ruộng đến xác định mục tiêu cuộc đời
Khi còn sống ở Việt Nam, anh từng làm nghề cày thuê. Để cày được một thửa ruộng đẹp, thì nếp cày phải đều và muốn được vậy thì đường cày đầu tiên phải thẳng. Cách duy nhất để làm được điều đó là đứng ở đầu bên này thửa ruộng, xác định rõ một điểm ở đầu bên kia và con mắt luôn giữ kiên định ở điểm đó, rồi dùng roi quất trâu đi thẳng về điểm mình đã nhắm thì sẽ ra một đường cày thẳng.
Thấm thoát, anh đã dành hơn 30 năm trong đời để luôn đi về “điểm mục tiêu” đó. Một khi đã có mục tiêu, anh sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành. Đó cũng là cách mà anh đã áp dụng trên hành trình trở thành một Giáo sư của mình. .
Để học tập suốt đời, cần biết cách “xóa học”
Một khái niệm mà lần đầu Sông An được nghe đến và cảm thấy rất thú vị – “xoá học”. Theo anh, để thích nghi với một thế giới đang thay đổi từng phút từng giây, con người cần biết xoá đi những điều đã từng rất đúng nhưng hiện nay không còn phù hợp, để mạnh dạn đi tìm những cái mới, những điều thích hợp hơn ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ, nếu ở giai đoạn đầu của giai đoạn chống dịch Covid, cả nước cố gắng để không có ca nhiễm mới, thì nay chúng ta đã “xoá” đi phương pháp cũ, tập thích ứng với trạng thái bình thường mới, học cách sống chung với dịch bệnh.
Anh tin rằng sự “xoá học” là vô cùng cần thiết để thúc đẩy những cái mới, là kim chỉ nam trong hành trình học tập suốt đời.
Đi tìm nguồn sống ở tuổi về hưu
Bước sang tuổi 60, độ tuổi mà nhiều người nghĩ là nên nghỉ ngơi, thì anh lại chọn một khởi đầu mới, chọn vượt ra khỏi những giới hạn của bản thân. Với suy nghĩ luôn khát khao học hỏi, anh sẵn sàng thử mọi thứ mà bản thân anh hứng thú, bất kể đó là lĩnh vực nào. Anh gọi những trải nghiệm mà bản thân có được chính là “nguồn sống”.
Từ câu chuyện bản thân nhiễm Covid, anh đã mang quan điểm của một nhà nghiên cứu khoa học để tìm cách tự chữa bệnh cho mình. Và từ đó, anh tìm thấy một “nguồn sống mới” – đó là Kidao, một phương pháp tập thở để cải thiện sức khoẻ do anh tự nghiên cứu và đã thử nghiệm thành công suốt một năm qua. Một trong những “nguồn sống” của anh Thành ở tuổi 60 chính là giới thiệu và phát triển Kidao đến nhiều người hơn nữa.
“Rẽ trái” hay “rẽ phải” ở tuổi về hưu?
Rất nhiều người chọn rẽ phải, xem độ tuổi 60 là tuổi nghỉ ngơi sau gần 30, 40 năm miệt mài làm việc. Nhưng cũng có rất nhiều người lại chọn rẽ trái, xem tuổi về hưu là độ tuổi để khởi nghiệp, để bắt đầu một hành trình mới, để được làm những điều mà bản thân từng ước mơ nhưng chưa thể thực hiện.
Anh Thành cho rằng sự lựa chọn nào cũng đều hợp lý và đáng trân trọng. Đó là quyền quyết định của mỗi người.
Khởi nghiệp tuổi 60 có xác suất thành công cao hơn tuổi 20?
Trong một khảo sát 2,7 triệu nhà khởi nghiệp của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), những người khởi nghiệp ở tuổi 60 có xác suất thành công gấp 3 lần một người ở tuổi 30, và người ở tuổi 50 thành công cao hơn 2,5 lần so với tuổi 30. Vậy lý do là gì?
Tuổi trẻ có thể có chiến lược rất độc đáo, nhưng chưa chắc đã có chiến thuật tốt. Tuổi 60 có thể có chiến lược hay như người trẻ, và cả một một chiến thuật uyển chuyển. Bởi chiến lược là ý tưởng, là mục tiêu mà số đông có thể tìm ra nếu chịu khó tìm tòi, nhưng chiến thuật thì phải xuất phát từ kinh nghiệm. Một người khởi nghiệp ở tuổi 60 chắc chắn có thể dùng trải nghiệm lâu năm của mình để thiết lập một chiến thuật tốt, đó chính là chìa khoá giúp họ có cơ hội chạm đến thành công.
Sống như đại bàng cao tuổi nếu muốn khởi nghiệp tuổi về hưu
Một con đại bàng khi đã sống lâu năm, nếu muốn duy trì sự sống nó phải tự nó phải tự nhổ lông, tự bẻ gãy móng vuốt, tự đập bể mỏ để mọc lông mới, mọc móng vuốt mới, mọc mỏ mới. Nếu muốn đi tìm nguồn sống mới ở tuổi về hưu, hãy sống như đại bàng, hãy biết “xóa học”, tạm quên những điều cũ để sẵn sàng trải nghiệm những điều mới.
“Ở trong chênh vênh, đi tìm sự công bằng
Ở trong nguy cơ, đi tìm cơ hội”
“60 tuổi có điên mới đi khởi nghiệp” – đó có thể là suy nghĩ của nhiều người, nhưng có thể không phải là của bạn. Bất chấp hoàn cảnh và độ tuổi, bạn luôn có thể có thể khởi đầu một hành trình mới, tìm kiếm cơ hội mới nếu có khát khao và niềm đam mê.
Để xem lại đầy đủ buổi live stream, Sông An mời anh chị xem video dưới đây/ Chúc cả nhà luôn vững vàng trên những lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Bài viết liên quan: