Chuyên viên tư vấn du học – học bổng

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 28
  • Số năm kinh nghiệm ở nghề này: 4
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học – Chuyên ngành Tiếng Anh Thương mại
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):

– Chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn

– Chứng nghỉ nghiệp vụ sư phạm

– Chứng chỉ tư vấn hướng nghiệp

  • Số giờ làm hằng tuần: 44 (Số giờ làm việc thực tế nhiều hơn)
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty cổ phần với nhiều văn phòng trên cả nước. Tổng số nhân viên tại văn phòng HCM: 30 người

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Công việc chính của mình là tư vấn, hướng dẫn các bạn học sinh (hầu hết ở độ tuổi cấp 3, đa số là học sinh lớp 12) xây dựng hồ sơ (chiến lược thương hiệu, danh sách trường và bài luận) để xin học bổng tại các trường Đại học top đầu tại Mỹ và Canada. 

Mình thường đóng vai trò là tư vấn viên chiến lược hoặc tư vấn viên chọn trường trong 1 nhóm 3 tư vấn viên cùng làm việc với học sinh. Đồng thời, mình là người điều hành quá trình tư vấn của các tư vấn viên (do có nhiều tư vấn viên người nước ngoài), quản trị chất lượng hồ sơ nhằm đảm bảo cam kết của tổ chức với học sinh và phụ huynh.

Quá trình đồng hành cùng mỗi học sinh thường kéo dài trong khoảng 1 năm.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này? 

Trước khi đến với công ty hiện giờ, mình làm việc tại một trường cấp 2, 3 với vai trò tư vấn viên hướng nghiệp và du học, hay gọi tắt là School Counselor. Tuy nhiên, vì số lượng học sinh ở trường khá đông và chỉ có một mình mình phụ trách công tác này nên những công việc mình làm hầu như chỉ mang tính chất giới thiệu, gợi mở mà chưa thực sự giúp được cụ thể từng học sinh.

Vì vậy, đầu năm 2017 mình quyết định chuyển công tác qua bộ phận Tư vấn du học học bổng của tổ chức hiện giờ vì những giá trị công ty hướng đến cũng chính là những giá trị mình tìm kiếm cho công việc của mình. Mình mong muốn hướng dẫn học sinh một cách chi tiết trong quá trình các em chuẩn bị và nộp hồ sơ để xin học bổng tại các trường Đại học top đầu ở Mỹ và Canada (vốn đòi hỏi cao và cạnh tranh). 

Trong một năm, mình đồng hành cùng khoảng 10 – 15 học sinh. Đây là một con số lý tưởng để mình có thể sát sao các em, định hướng và hướng dẫn các em một cách chi tiết, hiệu quả nhất. Cũng tại đây, được làm việc cùng các anh/chị/ bạn trong tổ tư vấn có cả người Việt và người nước ngoài với phong cách làm việc chuyên nghiệp, nhiệt huyết và tận tâm đã giúp mình học hỏi thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng cho bản thân cũng như có một mạng lưới chuyên nghiệp, hỗ trợ mình rất nhiều trong công việc và cả cuộc sống.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

9.00 – 18.00

Những công việc chính mình làm hằng ngày

Xây dựng và cập nhật tình hình hồ sơ
Cập nhật tình hình hồ sơ với học sinh, phụ huynh; hướng dẫn học sinh việc liên hệ các trường Đại học để trao đổi về tình hình hồ sơ
Tư vấn hướng nghiệp cho các học sinh trong độ tuổi lớp 9 – lớp 11
Tư vấn các khách hàng tiềm năng quan tâm đến chương trình tư vấn du học học bổng và bài đánh giá hướng nghiệp.
Tham gia các buổi Triển lãm du học hoặc sự kiện tuyển sinh, chuyên đề tư vấn du học tại các trường THPT vào cuối tuần

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Có hai điều mình rất thích ở công việc mình làm. Đó là:

  • Được đồng hành và định hướng cho các em học sinh trong việc lựa chọn ngành học phù hợp, nộp hồ sơ học bổng vào các trường Đại học danh tiếng cũng như chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho việc học Đại học của các em.
  • Được làm việc và gắn bó với đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp và rất nhiệt huyết, tận tâm với học sinh tại công ty.

Lý do:

  • Mình yêu thích lĩnh vực giáo dục và muốn làm giáo dục. Mình cảm thấy vui và có ích khi mình được giúp đỡ mọi người xung quanh.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Hạn nộp hồ sơ sớm. Mình nghĩ không chỉ riêng mình mà với nhiều tư vấn viên và đặc biệt là các bạn học sinh, 1/11 trở thành một khái niệm mà “ai cũng mong nó đến thật chậm, thật chậm”. Đây là thời điểm mà cả tư vấn viên và học sinh cần hoàn thành tất cả các thành tố trong hồ sơ để sẵn sàng nộp. Nhiều thành tố cần hoàn thiện và nhiều công việc cần phải hoàn thành cùng 1 thời điểm. Một khối lượng “miên man” những thông tin cần ghi nhớ và cập nhật từ các trường Đại học. Mọi người trong đội tư vấn thường ví von hình ảnh của mình trong giai đoạn này là “Multi-taskers” (con người đa nhiệm).

Cơ bản trước hạn nộp này, mình gần như có rất ít thời gian cho bản thân. Gần như làm việc kín cả cuối tuần. Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn vì mọi thứ cần cực kỳ chính xác để không ảnh hưởng đến quá trình nộp hồ sơ của học sinh và kết quả học bổng.

Chắc đó là điều duy nhất mình cảm thấy “không thích” trong công việc của mình.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Để đưa ra được những tư vấn chính xác và phù hợp cho học sinh cũng như gia đình, tư vấn viên cần kiến thức rộng và sâu về hệ thống các trường Đại học, có khả năng xử lý khối lượng lớn thông tin. 
  • Khi làm việc với học sinh, phụ huynh và nhiều tư vấn viên trong đội ngũ tư vấn, bạn cần cần có 

kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, thuyết phục, kỹ năng đặt mục tiêu và quản lý thời gian một cách hiệu quả. Kỹ năng lãnh đạo cũng là điều cần thiết ở một tư vấn viên.

  • Là một người dẫn dắt các bạn học sinh, mình nghĩ cần có thái độ điềm tĩnh để xử lý công việc (đôi khi là khủng hoảng) và tự tin để có thể trở thành một hình mẫu cho học sinh.
  • Riêng ở công ty này, mọi người được tạo điều kiện để phát triển mình, nên cá nhân mình nghĩ nếu mong muốn thăng tiến trong công việc thì chỉ cần các bạn chịu khó trau dồi bản thân ở cả kiến thức và kỹ năng. Quan trọng là luôn giữ một thái độ tích cực, lạc quan, xây dựng và cầu tiến

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Riêng với mảng du học tại TP.HCM, theo mình được biết hầu hết các bạn học sinh đều lựa chọn hình thức du học tự túc thông qua đại diện tuyển sinh của các trường Đại học tại Việt Nam. Các tổ chức du học đóng vai trò trung gian, giới thiệu học sinh những trường có chính sách hoa hồng tốt nhất cho tổ chức du học đó, mà không đặt lợi ích hoặc tương lai của học sinh lên đầu.

Tuy nhiên, công việc của một tư vấn viên du học mình đang làm thì hoàn toàn khác. Tư vấn du học không chỉ đơn giản là đưa ra cho các em danh sách của những trường Đại học. Thực tế, một tư vấn viên đóng vai trò là người dẫn dắt các em tiến đến cánh cửa Đại học, nắm được bức tranh tổng thể và hiểu về nền giáo dục của quốc gia mình đi học, hiểu được những điểm mạnh, điểm không mạnh của bản thân và lựa chọn được ngành học phù hợp cũng như chuẩn bị những kỹ năng học tập hiệu quả để đảm bảo việc du học thành công.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Chắc chắn là có rồi.

Theo mình biết mức lương khởi điểm của công việc này khoảng 10 – 15 triệu/ tháng. 

Mức lương khởi điểm tùy thuộc vào quá trình đào tạo (bạn có từng đi du học), kinh nghiệm làm việc (bạn đã làm công việc trong lĩnh vực giáo dục hay chưa), tiếng Anh và các kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống hoặc kỹ năng lãnh đạo đội nhóm).

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Trước hết, để làm công việc này, các em cần có niềm yêu thích làm việc với học sinh và các bạn nhỏ, có mong muốn làm giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của giáo dục nói chung và sự phát triển của học sinh nói riêng.

Hãy bắt đầu bằng việc khám phá bản thân mình, tìm hiểu các ngành nghề và lựa chọn ngành học tương lai của các em ở Đại học, chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập tại các công ty/ tổ chức giáo dục. Khi các em còn học phổ thông, hãy tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoạt động cộng đồng nhé. 

Nếu có câu hỏi nào cụ thể về công việc này, rất vui nếu được hỗ trợ và chia sẻ thêm với các em.