Nhân viên kinh doanh (sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ)

1. Thông tin cơ bản

  • Tuổi: 24
  • Giới tính: Nam
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 1.5 năm
  • Trình độ học vấn: Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh
  • Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ/tuần
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty bảo hiểm phi nhân thọ (100 nhân viên)

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính:

  • Mang lại doanh thu cho công ty
  • Nghiên cứu thị trường để thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng
  • Nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, đánh giá rủi ro và đề xuất thêm/bớt các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng bảo hiểm
  • Theo dõi công nợ của khách hàng
  • Xử lý các yêu cầu của khách hàng (huỷ hợp đồng, yêu cầu bồi thường, v.v.)

Giá trị mang lại cho công ty:

  • Mang về doanh số
  • Mang về thông tin khách hàng cho công ty

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

  • Công việc hiện tại do một người bạn giới thiệu. Ban đầu, mình không có ý định ứng tuyển nhưng sau đó lại muốn thử sức. Trong quá trình phỏng vấn, mình thấy công ty có thái độ làm việc chuyên nghiệp, kết hợp với việc tham khảo ý kiến của bạn bè nên mình quyết định lựa chọn công việc này.
  • Gia đình đóng vai trò quan trọng trong quyết định chọn nghề. Bởi, có những lúc, mình muốn đổi sang học nghề khác để dễ kiếm việc hơn, nhưng lại sợ gia đình bị ảnh hưởng bởi định kiến xã hội nên mình vẫn tiếp tục làm công việc kinh doanh theo đúng chuyên ngành đã học.
  • Nếu được chọn lại, mình sẽ không thay đổi quyết định nghề nghiệp của mình.

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

  • Xem lại ghi chú và kiểm tra công việc nào đã hoàn thành, công việc nào chưa hoàn thành
  • Theo dõi công nợ và nhắc khách hàng đóng phí nếu đã đến kỳ
  • Theo dõi các đơn đề nghị bảo hiểm, xem có cần hỗ trợ gì thêm không để xúc tiến hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng
  • Soạn hợp đồng, điều khoản trong hợp đồng (sales admin)
  • Tiếp nhận các cuộc gọi của khách hàng và giải quyết các yêu cầu (nếu có)
  • Ra ngoài gặp khách hàng

Ghi chú: Làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, chủ yếu trong giờ hành chính, có thể làm muộn hơn nếu có yêu cầu gặp khách hàng.

5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Điều tôi thích nhất:

  • Sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ thường mang tính chất bắt buộc nên có thể chia sẻ toàn bộ điều kiện, điều khoản cho khách hàng
  • Khi khách hàng gặp rủi ro, thì khi bồi thường được cho khách hàng – đó lại là niềm vui của mình
  • Thực hiện các công việc liên quan đến soạn thảo hợp đồng
  • Góp phần mang lại doanh số cho công ty lẫn thu nhập cá nhân của bản thân

Điều tôi không thích nhất:

  • Phải tranh luận với bộ phận xét duyệt bảo hiểm, dẫn đến những xung đột trong mối quan hệ với đồng nghiệp trong công ty

6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Kiến thức

  • Kiến thức chung về các hoạt động của khách hàng cần mua bảo hiểm (ví dụ như tổ chức sự kiện, công trình thi công, tai nạn công nhân)
  • Kiến thức tổng quan về các sản phẩm bảo hiểm, các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng

Kỹ năng

  • Giao tiếp
  • Quyết đoán (với đề nghị/quyết định của mình)
  • Có chính kiến
  • Đàm phán và thuyết phục khách hàng/bộ phận phê duyệt bảo hiểm/sếp

Thái độ

  • Luôn học hỏi, cầu tiến
  • Giúp đỡ đồng nghiệp, khách hàng
  • Hoà đồng

Để thăng tiến, cần

  • Trau dồi kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, đàm phán
  • Thái độ tận tâm, nhiệt huyết
  • Luôn học hỏi
  • Thi chứng chỉ về ngành bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp

7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Ngành bảo hiểm là ngành nhạy cảm – đó là hiểu lầm thường thấy. Khách hàng thường cho rằng, bảo hiểm luôn lấp liếm, gian dối (nghe đến bảo hiểm là cúp máy). Điều này đến từ thực trạng một số cá nhân trong ngành làm sai, dẫn đến cả ngành bảo hiểm bị “vơ đũa cả nắm”.

8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Nếu em mới ra trường thì hơi khó để nuôi sống bản thân, vì em cần thời gian để thiết lập mối quan hệ, học hỏi kiến thức và rèn luyện kỹ năng để thu hút khách hàng. Thị trường bảo hiểm rất cạnh tranh nên mỗi người phải tự tìm thị trường ngách cho riêng mình. Sau khi đã có tệp khách hàng thì thu nhập sẽ tốt hơn, em có thể nuôi sống bản thân và gia đình.

9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

  • Phải tâm huyết học hỏi sản phẩm, tận tâm với khách hàng
  • Đóng vai trò là chuyên gia để tư vấn cho khách hàng về những điều họ không hiểu, giúp khách hàng có được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của họ

10. [Dành cho anh/chị đã làm 2 công việc khác nhau trở lên] Vì sao anh/chị chuyển việc? 

  • Trước khi làm bảo hiểm, mình đã làm nhiều công việc khác nhau như: chăm sóc khách hàng kiêm lễ tân ở công ty cung cấp thiết bị y tế, bán hàng ở công ty tôn, mở quán nước cùng bạn hay nhân viên kinh doanh tại công ty chứng khoán. Mình có sự thay đổi công việc như hiện tại chủ yếu là do mối quan hệ với đồng nghiệp (mình muốn tìm môi trường đồng nghiệp gắn kết với nhau hơn).
  • So với trước đây, môi trường làm việc hiện tại đã chuyên nghiệp hơn, có sự hỗ trợ của sếp và công ty có đóng bảo hiểm theo quy định của Nhà nước.
  • Nhìn chung, những thay đổi giúp mình cứng rắn hơn, có chính kiến để không bị chèn ép hay dẫn dắt. Nhờ vậy, mình cũng chủ động hơn trong việc giúp đỡ đồng nghiệp và sếp.

11. [Dành cho anh/chị đã làm 2 công việc khác nhau trở lên] Anh/chị đã chuẩn bị như thế nào cho bước chuyển đổi công việc của mình (kiến thức, kỹ năng, quan hệ xã hội, tài chính,..)?

Những thử thách trong giai đoạn chuyển đổi công việc:

  • Mặc cảm so sánh với bạn bè (trong thời gian thất nghiệp)
  • Áp lực tài chính
  • Trong thời gian thất nghiệp, dễ chọn đại một công việc để có thu nhập, nhưng nếu không phù hợp thì lại phải đổi một công việc khác, dẫn đến mất thời gian

Để vượt qua các thử thách đó, mình đã:

  • Nhận được sự hỗ trợ từ gia đình
  • Tự rèn luyện ý chí của bản thân, thử thách với những công việc thường ngại làm. Điều này giúp mình chuẩn bị tốt hơn cho những khó khăn trong tương lại.