Biên tập viên xuất bản sách

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 25
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 2
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, chuyên ngành Luật
  • Số giờ làm hằng tuần: 44
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): 20

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính của mình là biên tập nội dung sách. 

  • Sách dịch: Liên hệ dịch giả cho từng đầu sách. Theo dõi và thẩm định chất lượng bản dịch (đọc sơ bộ để nắm chất lượng bản thảo). Sau đó, biên tập kỹ lưỡng bản thảo (người dịch đã dịch đúng ý, dịch đủ ý của tác giả chưa, cách dùng từ, diễn đạt của người dịch đã chính xác, câu văn trau chuốt, đọc một lần là có thể hiểu được ý hay chưa; nếu chưa, sửa lại).
  • Sách của tác giả Việt: Liên hệ với tác giả để cùng nhau xây dựng bản thảo, góp ý điều chỉnh lại cấu trúc của cuốn sách (nếu có). Đọc bản thảo của tác giả với tư cách người đọc (có chuyên môn) để nhìn ra những lỗi logic, diễn đạt, sắc thái từ,… (nếu có) và cùng sửa với tác giả.
  • Ngoài ra mình cũng góp ý thêm cho ý tưởng bìa, cách trình bày trên trang sách, xin giấy phép xuất bản,…

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Từ nhỏ mình rất thích đọc sách, cũng rất yêu tiếng Việt, nhưng không hề nghĩ là có 1 nghề gọi là nghề biên tập. Sau khi ra trường mình cũng đi làm đúng chuyên ngành (Luật) trong khoảng hơn 1 năm, nhưng dù có cố gắng thế nào, mình cũng không cảm thấy hạnh phúc, không thấy có thành tựu, và cũng không thấy mình làm tốt công việc này. 

Thế rồi một ngày đi cafe với bạn, mình được nghe nói về nghề này. Ngay lập tức mình muốn thử sức, muốn làm. Nghĩ mình sẽ phù hợp với nghề biên tập, thế là mình bỏ công việc đang làm để nộp hồ sơ vào một công ty xuất bản sách. Mình đã gắn bó với công ty tới bây giờ.

Gia đình biết mình cũng thích chữ nghĩa và thích sách nên hoàn toàn ủng hộ. Mà gia đình không ủng hộ thì thực ra mình cũng không quan tâm vì mình rất chắc chắn với quyết định của mình rồi. Mình rất thỏa mãn trong quyết định rẽ sang nghề biên tập ngay từ khi nghe đến công việc này.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8:00 – 8:20 Kiểm tra/viết danh sách những công việc cần làm sắp tới (trong ngày, trong tuần,…)
8:20 – 18:00 Hoàn thành các công việc đã liệt kê trong danh sách:

  • biên tập bản thảo
  • tìm dịch giả, góp ý bản dịch
  • lên ý tưởng bìa và cách trình bày sách
Ghi chú Tùy vào công việc mà có thể làm nhanh hoặc chậm, không thể tính bằng phút hay giờ. Ví dụ: 

  • biên tập một bản thảo khoảng 50 nghìn chữ thì mất khoảng 5 – 10 ngày, tùy vào chất lượng của bản thảo (nhiều lỗi hay ít lỗi, lòng vòng hay chặt chẽ,…)
  • viết email xin giấy phép xuất bản thì khoảng 15 phút
  • góp ý về bản dịch cho cộng tác viên (CTV) khoảng 1 tiếng,…

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Tận hưởng niềm vui với tiếng Việt qua việc đọc và tìm cách nâng cấp chất lượng bản thảo sao cho trau chuốt, mượt mà và dễ tác động đến người đọc nhất.
  • Tận hưởng niềm vui mở mang tri thức vì mỗi cuốn sách là một chuyên đề, là tâm can, là tinh hoa của cuộc đời tác giả, từ đó chính mình cũng được trực tiếp học hỏi, cải thiện bản thân qua quá trình làm việc.
  • Tận hưởng niềm vui được góp ý cho diện mạo cuốn sách (phần bìa và dàn trang, minh họa của cuốn sách), để cuốn sách ra đời không những hay, có ích mà còn đẹp nữa.
  • Tận hưởng niềm vui được giúp đỡ cho người đọc: cùng với tác giả giúp họ xây dựng những kỹ năng còn thiếu, động viên tinh thần, vỗ về cảm xúc, gợi mở những ý tưởng mới,…

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Mình có một vài điều trăn trở với nghề, chứ cũng không hẳn là điểm không thích. 

  • Điều đầu tiên là càng làm nghề thì càng nhận ra trình độ đọc hiểu tiếng Việt của người đọc Việt Nam nói chung còn cần phải cải thiện nhiều. Do đó, cần phải làm sách chỉn chu hơn, nhờ những cuốn sách tác động và giúp cải thiện trình độ đọc viết của người đọc. 
  • Điều nữa là nhiều người dịch nghĩ rằng trình độ ngoại ngữ tốt thì dịch cũng tốt. Nhưng không, ngoại ngữ tốt mà tiếng Việt kém thì người dịch không thể giúp độc giả hiểu được cuốn sách. Nhiều bản dịch mình nhận về đọc lủng củng, dịch sai, dịch không ra ý, lùng bùng hết cả mà không hiểu gì. Việc làm thay đổi suy nghĩ về dịch sách của các bạn trẻ đôi khi khiến công việc biên tập của mình rất nhọc công. Việc ngồi sửa từng chút từng chút rất mất thời gian và ảnh hưởng đến kế hoạch ra sách của công ty.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v.)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Để hoàn thành tốt công việc này, cần nhất là tình yêu với tiếng Việt, cảm nhận được vẻ đẹp của tiếng Việt, cái hay của sắc thái từ ngữ tiếng Việt, thích đọc tiếng Việt. Vì yêu thích tiếng Việt, những biên tập viên tiềm năng thường có vốn đọc nhiều, đọc đa dạng các thể loại.
  • Người biên tập cũng cần có sở thích và khả năng nghiên cứu, ưa tra cứu, tìm tòi để hiểu tường tận vấn đề mà mình khúc mắc.
  • Người biên tập ngày nay cũng cần có ngoại ngữ tốt để nhanh chóng nắm bắt ý tưởng của tác giả khi làm sách dịch.
  • Người làm biên tập cần có tính chuyên cần, bền bỉ và một lòng yêu thích việc mở mang kiến thức, mong muốn được thỏa mãn trí tò mò, khao khát tri thức.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Hiểu lầm phổ biến về nghề làm biên tập là nghề này chỉ làm công việc kiểm tra lỗi chính tả.

Thực ra khi đã có bản thảo/bản dịch tốt, cấu trúc chặt chẽ, ý tứ sáng rõ, ngôn ngữ thú vị, đúng là công việc của biên tập chỉ còn là kiểm tra các lỗi còn sót lại về trình bày, diễn đạt, chính tả. 

Tuy nhiên, thực tế thì không phải mọi tác giả đều là người giỏi về ngôn ngữ, cách diễn đạt hay ngay từ đầu đã có kinh nghiệm về làm sách. Do đó, người biên tập phải gợi ý tác giả trau chuốt lại bản thảo để từ những kiến thức của tác giả, đúc kết lại thành một cuốn sách hay và chạm tới nhiều người đọc hơn. Người biên tập không chỉ dừng ở các công việc chính tả, soát lỗi, mà còn là trợ thủ của tác giả, một lần nữa xem lại toàn bộ bản thảo và gợi ý/cùng với tác giả nâng chất cho bản thảo hơn (triển khai thêm những ý hay, viết gọn lại những ý dài, góp ý về trình bày layout sách,..). 

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Tự nuôi mình thì hoàn toàn có thể, thậm chí có thể dư một chút. Con đường tăng lương không được “vùn vụt” như những nghề khác. Tuy nhiên, “lợi nhuận” tối thượng của nghề biên tập không hẳn nằm ở đồng lương mà nằm ở việc nhờ làm nghề mà bản thân cũng được tốt lên, trở nên hiểu biết hơn, sắc sảo hơn, và được vây quanh mình bằng tri thức.

Có thể khi còn trẻ và muốn ưu tiên một nghề mang lại nhiều tiền bạc hơn, bạn có thể sẽ thấy nghề biên tập sách không đáp ứng được kỳ vọng về mặt vật chất. 

Theo quan sát của bản thân mình, những người làm nghề này thường là rẽ ngang từ một ngành khác, do nhận ra mình mong muốn điều gì từ cuộc sống và công việc, nhận ra giá trị nghề phù hợp, và không còn đặt nặng vấn đề kim tiền lên hàng đầu nữa.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Ai cũng muốn mở mang kiến thức vì điều đó tốt cho bản thân. Nhưng công việc biên tập không chỉ là làm cho bản thân mình, mà nó còn là cho tất cả những người đọc sách của Việt Nam. 

Với mình, làm biên tập, làm sách là một cách để dùng tình yêu với tiếng Việt, với chữ nghĩa, để cống hiến cho cộng đồng, mang đến những thông tin mới, hữu ích cho mọi người, giúp cuộc sống của mọi người tốt hơn, vững vàng hơn. Hãy hỏi trái tim mình thật sự mình muốn làm gì trong cuộc đời để dấn thân vào con đường làm sách.