Lưu trữ Phục hồi – Hướng nghiệp Sông An https://huongnghiepsongan.com/chuyen-muc/suc-khoe-nghe-nghiep/phuc-hoi/ Cứ đi để lối thành đường Wed, 12 Feb 2025 15:32:11 +0000 vi hourly 1 https://wordpress.org/?v=6.6.2 https://huongnghiepsongan.com/wp-content/uploads/2019/12/cropped-song-an-logo-32x32.jpg Lưu trữ Phục hồi – Hướng nghiệp Sông An https://huongnghiepsongan.com/chuyen-muc/suc-khoe-nghe-nghiep/phuc-hoi/ 32 32 Đừng để công việc chỉ là những ngày “chấm công” https://huongnghiepsongan.com/dung-de-cong-viec-chi-la-nhung-ngay-cham-cong/ Sun, 15 Dec 2024 09:48:07 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=25278 Tác giả: Hoàng Nguyễn Biên tập: Minh Thảo Đi làm bằng xe buýt mỗi sáng, điều khiến tôi thích thú nhất là được lắng nghe những bản nhạc đầy cảm xúc phát ra từ chiếc radio nhỏ của bác tài. Có hôm là những giai điệu bolero ngọt ngào, tươi vui; có hôm lại là [...]

Bài viết Đừng để công việc chỉ là những ngày “chấm công” đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Hoàng Nguyễn

Biên tập: Minh Thảo

Đi làm bằng xe buýt mỗi sáng, điều khiến tôi thích thú nhất là được lắng nghe những bản nhạc đầy cảm xúc phát ra từ chiếc radio nhỏ của bác tài. Có hôm là những giai điệu bolero ngọt ngào, tươi vui; có hôm lại là những bài dân ca miền Tây thấm đượm nỗi buồn man mác. Sáng nay, tiếng nhạc rộn ràng đón Giáng sinh hòa cùng cơn gió se lạnh của tháng 12 khiến không gian trở nên rộn ràng, như nhắc nhở mọi người nhanh chóng hoàn tất những gì còn dang dở của năm cũ để chào đón một năm mới.

Với công việc nhân sự của mình, tôi nghĩ đến việc lên kế hoạch cho đợt khám sức khỏe cuối năm cho nhân viên – một dịp để mọi người nhìn lại tình hình sức khỏe của mình sau một năm bận rộn, từ đó có kế hoạch chăm sóc bản thân tốt hơn trong năm tới. Bất giác, tôi tự hỏi: đau đầu, chúng ta biết tìm đến viên thuốc giảm đau; bệnh nặng hơn, sẽ đến phòng khám. Nhưng còn sức khỏe nghề nghiệp thì sao? Làm thế nào để biết khi nào ta cần nghỉ ngơi, khi nào cần sự trợ giúp, hay khi nào cần điều chỉnh lại hướng đi?

Những câu hỏi ấy khiến tôi nghĩ đến các cách tự khám sức khỏe nghề nghiệp cho mỗi người đi làm.

Mức độ 1: Công việc tương thích nhưng workload nhiều

Đó là những năm đầu làm việc sau khi tôi ra trường. Công việc phù hợp với thế mạnh, đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc hòa nhã. Nhưng dù mọi thứ đều “đúng”, tôi vẫn thường rời văn phòng khi thành phố đã lên đèn, bỏ lỡ ánh chiều tà dịu dàng trải dài trên những mái nhà. Cuối tuần, tôi mệt rã rời, công việc là nồi cơm Thạch Sanh, cuộc sống là những ngày qua lại giữa guồng quay công việc không hồi kết. Có lúc tôi thấy mình như anh chàng chuyền dưa hấu hay thấy vào dịp cận Tết – chuyền từng quả một cách nhịp nhàng, từ tay người này qua tay người khác, để xếp ngay ngắn trên quầy hàng. Đều đặn, chính xác, nhưng buồn tẻ và không có khoảng nghỉ.

Tôi khao khát một khoảnh khắc để thở. Tôi muốn có những “bước chuyền” đẹp hơn, như của các cầu thủ – nơi mỗi quả bóng có thể bay xoáy lên không trung, nhẹ nhàng rơi xuống tay tôi, và tôi có thời gian để vòng tay đỡ lấy nó. Hình ảnh đó là cách tôi mường tượng về việc có không gian để suy ngẫm, để làm công việc của mình tốt hơn, sáng tạo hơn. Nhưng thay vào đó, tôi chỉ thấy mệt.

Khi rà soát lại, tôi nhận ra vấn đề không nằm ở môi trường hay tính chất công việc, mà ở khối lượng công việc. Nó quá lớn so với năng lượng và thời gian mà tôi có. Tôi không ghét công việc mình đang làm, nhưng tôi bị cuốn vào một vòng lặp làm mãi không hết việc.

Tự kê toa: Cần nghỉ ngơi, ưu tiên sắp xếp lại công việc

Để thoát khỏi tình trạng này, tôi đã làm hai điều:

  1. Ưu tiên và sắp xếp lại công việc. Tôi bắt đầu học cách phân loại các nhiệm vụ: việc nào cần làm ngay, việc nào có thể đợi, và việc nào có thể giao lại. Điều này không chỉ giúp tôi kiểm soát được khối lượng công việc mà còn giúp tôi cảm thấy chủ động hơn trong công việc.
  2. Dành thời gian nghỉ ngơi thực sự. Tôi học cách tôn trọng thời gian rảnh rỗi của mình – không mang việc về nhà, không kiểm tra email công việc vào cuối tuần, và dành thời gian để tận hưởng những điều nhỏ bé như đi dạo hay đọc sách.

Khi workload được giảm bớt và tôi cho phép bản thân có những “khoảng thở”, tôi dần tìm lại được sự cân bằng. Công việc không còn là chuỗi ngày lặp đi lặp lại, mà trở thành nơi tôi có thể khám phá, học hỏi và đóng góp một cách trọn vẹn hơn.

Mức độ 2: Nhận diện các điểm gây mệt dựa vào sự tương thích của đặc tính nghề nghiệp – đặc điểm bản thân và tự điều chỉnh.

Tôi nghĩ đến chị Ph., một đồng nghiệp của mình, người từng chia sẻ với tôi những mệt mỏi trong công việc hành chính – nhân sự dù chị rất giỏi và giàu kinh nghiệm. Theo lý thuyết mật mã Holland, (bạn có thể tìm hiểu tại đây), chị có thể hiện nhóm Kỹ thuật cao khi thích những công việc cụ thể, rõ ràng, thiên về hành động thực tế như tổ chức sự kiện hay quản lý hiện trường thay vì ngồi văn phòng. Bên cạnh đó, nhóm Xã hội trong chị bộc lộ rõ ở niềm yêu thích giúp đỡ người khác, kết nối và hỗ trợ các cá nhân phát triển. Dù vậy, công việc chị đảm nhận đòi hỏi rất nhiều từ nhóm Nghiệp vụ xoay quanh việc xử lý hồ sơ, hoàn thiện báo cáo chi tiết, quản lý hệ thống dữ liệu nhân viên. Những công việc lặp đi lặp lại khiến chị không thể hiện được năng lượng tươi vui, đổi mới vốn là cá tính của chị.

Tự kê toa: Nhận diện điểm gây mệt và tự điều chỉnh

Chị nhận ra các điểm gây mệt:

Công việc giấy tờ chiếm phần lớn thời gian: Đây là loại nhiệm vụ công việc không sử dụng năng lượng nhóm Xã hội có trong chị.

Thiếu yếu tố hành động và tương tác: Thời gian dài làm việc với các con số và dữ liệu khiến chị cảm thấy gò bó và xa rời những giá trị cá nhân quan trọng nhất: sự kết nối và cảm giác đóng góp thực tế.

Vì thế, chị có các điều chỉnh:

  • Chuyển trọng tâm sang thế mạnh cá nhân: chủ động đề nghị tham gia nhiều hơn vào mảng tổ chức các buổi đào tạo và sự kiện cho nhân viên, thay vì chỉ làm công việc giấy tờ. Với các buổi đào tạo, chị có cơ hội tương tác trực tiếp với nhân viên, tạo dựng môi trường hỗ trợ và năng động – điều rất phù hợp với nhóm Xã hội và Kỹ thuật của chị.
  • Nhìn nhận lại ý nghĩa của công việc: thay đổi cách nhìn nhận về các nhiệm vụ giấy tờ. Thay vì chỉ xem chúng như các công việc kỹ thuật, chị nghĩ đến giá trị lâu dài của chúng: việc quản lý hồ sơ và dữ liệu nhân sự chính xác sẽ giúp xây dựng môi trường làm việc minh bạch và hỗ trợ nhân viên tốt hơn.

Câu chuyện của chị Ph. cho tôi thấy rằng, khi hiểu rõ bản thân ở lăng kính hướng nghiệp và biết cách điều chỉnh, chúng ta có thể vượt qua những điểm gây mệt mỏi và biến công việc thành một nguồn cảm hứng tích cực.

Mức độ 3: Vấn đề cần sự trợ giúp

Có những thời điểm trong sự nghiệp, những vấn đề về sức khỏe nghề nghiệp trở nên phức tạp và không thể giải quyết chỉ bằng nghỉ ngơi hay các điều chỉnh cá nhân. Việc gọi tên vấn đề không hề dễ dàng. Chỉ biết đó có thể là cảm giác chán chường mỗi sớm mai thức dậy khi nghĩ đến cảnh phải đi làm, hay là trạng thái mông lung, vô định không biết mình đang làm gì đây giữa guồng quay công việc. Có khi đó là sự cạn kiệt ý chí đến mức mất hứng thú với mọi thứ xung quanh, hoặc cảm giác bị mắc kẹt trong một vòng lặp không lối thoát, nơi mọi nỗ lực dường như không mang lại kết quả. Những triệu chứng này âm thầm bào mòn tinh thần, khiến ta rơi vào tình trạng kiệt quệ cảm xúc, khó tập trung, và thậm chí nghi ngờ chính năng lực của mình.

Đi thăm khám: Tìm sự trợ giúp từ chuyên gia

Để vượt qua trạng thái này, việc tìm đến chuyên gia hoặc áp dụng các công cụ hỗ trợ hướng nghiệp là điều cần thiết. Nút thắt nghề nghiệp có thể bắt nguồn từ những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, ảnh hưởng sâu sắc đến cách ta đối diện với công việc hàng ngày và định hướng tương lai. Thiếu động lực khiến ta mất hứng thú với công việc, trì hoãn, và cảm thấy mọi nỗ lực đều vô nghĩa. Thiếu quyết đoán làm ta lo lắng quá mức, không dám hành động, và cảm giác bị mắc kẹt. Niềm tin sai lệch như tự cho rằng mình không đủ giỏi hoặc phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến người khác cũng khiến ta giới hạn bản thân. Ngoài ra, ta có thể không rõ về sở thích, kỹ năng, giá trị cốt lõi, dẫn đến thiếu tự tin và mơ hồ về ý nghĩa công việc. Việc không biết rõ các lựa chọn nghề nghiệp hoặc yêu cầu công việc tương lai cũng gây nên sự mông lung. Ta có thể bị giằng xé bởi mâu thuẫn bên trong hoặc áp lực từ gia đình, xã hội, dẫn đến căng thẳng và không hài lòng. Cuối cùng, thiếu kỹ năng đối phó với thay đổi hoặc kiên cường trước thất bại khiến bạn dễ buông xuôi và mất đi cơ hội phát triển.

Tham khảo Bảng đáng giá khó khăn nghề nghiệp (CDI) tại đây.

Kết luận

“Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công (that’s right)
Miệng cười như nắng hạ nhưng trong lòng thì chớm đông (yo)
Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau (ha-ha)”

Tiếng nhạc của Đen Vâu vang lên từ chiếc radio nhỏ của bác tài, lời ca như một lời nhắc nhở sâu sắc về cuộc sống, về công việc. Trong nhịp sống vội vã, nhiều khi ta bị cuốn vào guồng quay công việc mà quên lắng nghe chính mình. Miệng vẫn cười tươi như nắng hè, nhưng trong lòng lại chớm lạnh như mùa đông; như thể ta đang sống trong một thành phố tấp nập, chồng chéo những lo toan.

Chuyến xe đã đến trạm tôi cần xuống. Như thường lệ, tôi hít thở thật sâu không khí trong lành của buổi sớm mai. Làn gió tháng 12 se lạnh thổi qua, tôi nhìn dòng người vội vã lên đường, lòng thầm mong nhiều người sẽ nhận ra giá trị của việc chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp. Biết dừng lại khi cần, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp chính là chìa khóa để giữ gìn niềm đam mê với công việc, giúp mỗi người phát triển toàn diện và tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống theo nghiên cứu về sự viên mãn (wellbeing) của Gallup.

Tham khảo Kênh sức khỏe nghề nghiệp.

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Đừng để công việc chỉ là những ngày “chấm công” đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Khi nghề nghiệp xác quyết bỗng không còn ý nghĩa https://huongnghiepsongan.com/khi-nghe-nghiep-xac-quyet-bong-khong-con-y-nghia/ Tue, 03 Dec 2024 08:27:41 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=25110 Tác giả: Minh Thảo Biên tập: Thanh Tâm Khi nghề nghiệp xác quyết bỗng trở nên vô nghĩa Khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của lối sống hiện đại, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu chuyện cá nhân, hay những trải [...]

Bài viết Khi nghề nghiệp xác quyết bỗng không còn ý nghĩa đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Minh Thảo

Biên tập: Thanh Tâm

Khi nghề nghiệp xác quyết bỗng trở nên vô nghĩa

Khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của lối sống hiện đại, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu chuyện cá nhân, hay những trải nghiệm được giải bày hơn. Trong đó, tôi gặp khá nhiều chia sẻ của những người trẻ vừa ra trường, đã đi làm được vài năm, kể về sự trống rỗng bên trong họ mỗi khi nghĩ về nghề nghiệp. Dù là một người học tập, làm việc trong nước hay du học sinh học tập và sinh sống tại nước ngoài, và dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, điểm chung trong câu chuyện của họ chính là: sau một khoảng thời gian làm việc, họ chợt nhận ra công việc mà họ hằng theo đuổi không thực sự là điều mình mong muốn.

Với A, quyết định theo đuổi lĩnh vực tài chính đã sớm định hình vào những năm đầu tiên, sau khi A cùng gia đình định cư ở một đất nước mới. A miệt mài đi thẳng trên con đường hướng đến mục tiêu đã chọn, từ việc nỗ lực ở những năm cấp 3 để được thi vào chương trình Tài chính tại một trường Đại học nổi tiếng, tham gia những dự án nghiên cứu khi đang là sinh viên, lấy chứng chỉ chuyên ngành, đến tìm kiếm những cơ hội thực tập chất lượng. Công sức và sự tập trung đã được đền đáp khi A ứng tuyển thành công vào một vị trí với mức lương cao khi vừa tốt nghiệp. Những tưởng bản thân sẽ tiếp tục gặt hái quả ngọt trên con đường này, thế nhưng càng làm lâu, A càng nhận ra công việc này không thật sự phù hợp với mình. Những con số, công thức, mô hình mà A đã dành thời gian học tập, nghiên cứu suốt bao năm nay giờ lại trở nên khô khan, nhàm chán và không hề gợi lên một chút hứng thú nào trong công việc. Tuy có một vị trí công việc đáng mơ ước, A lại chẳng có động lực để đi làm mỗi sáng.

Khác với A, H đã sớm nhận ra bản thân mình không quá hứng thú với ngành kế toán. Tuy nhiên, vì không tìm ra một phương án khác để cân nhắc, H vẫn chọn theo học và làm việc trong ngành này, một phần vì tính ổn định của công việc, và phần còn lại nhờ có sự cổ vũ của gia đình vốn cũng có nhiều người làm công việc kế toán. Thế nhưng, trong công việc hiện tại, H “vật lộn” để đến công ty vào buổi sáng, và ngóng chờ đến lúc ra về. H cố gắng làm đúng trách nhiệm của mình mà không có kế hoạch phát triển bản thân, năng lực chuyên môn. H nhận ra rằng trong một thời gian dài, mình đã rơi vào chế độ “lái tự động” – chế độ lười biếng của não bộ, để thói quen và lối mòn dẫn dắt thay vì suy nghĩ hay tập trung cao độ.

Lý do nào đưa đến kết quả này?

Với A, sau khi dành rất nhiều thời gian để tự vấn bản thân, A nhận ra rằng lý do ban đầu khiến mình chọn theo lĩnh vực tài chính là lương cao. Cuộc sống mới ở xứ lạ với nhiều khó khăn tài chính đã hình thành trong A niềm thôi thúc kiếm thật nhiều tiền để giúp đỡ gia đình. Mong ước mạnh mẽ đó đã dẫn dắt A suốt một chặng đường dài nhưng ước mơ đó cũng nhanh chóng cạn kiệt khi không được nuôi dưỡng bằng những yếu tố nội tại có tính bền vững.

Phần đông trong chúng ta lựa chọn hướng đi nghề nghiệp dựa vào những “quả ngọt” như lương cao, sự ổn định, công ty nổi tiếng, mà không cân nhắc đến gốc rễ của mình gồm các yếu tố Sở thích, Khả năng, Cá tính và Giá trị nghề nghiệp. Nói cách khác, mỗi người buộc phải có năng lực thấu hiểu bản thân trước khi chọn nghề, nhưng chúng ta lại làm ngược lại – chọn nghề trước, và không nắm chắc được liệu rằng ta có thể đi đường dài với nghề nghiệp đó hay không.

Càng khó khăn hơn nữa, có những lựa chọn không khớp với sở thích, cá tính, hay giá trị nghề nghiệp của một người, nhưng người đó lại có đủ khả năng theo đuổi nó. Cứ như vậy, họ mải miết trên con đường sự nghiệp “tưởng chừng là phù hợp”, cho đến khi yếu tố “năng lực” không còn đủ sức để tiếp tục nâng đỡ họ đi xa hơn trên con đường sự nghiệp. Đây cũng chính là tình huống mà A và H gặp phải khi bỏ qua sự thấu hiểu bản thân để lựa chọn ngành nghề. 

Để có thể thu hoạch “quả ngọt” sự nghiệp lâu dài, điều cơ bản nhất mà chúng ta phải lưu tâm chính là có một công việc phù hợp với sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân.

Nếu bạn có cảm giác “ngờ ngợ” rằng bản thân cũng có một khởi đầu tương tự như A và H, nhưng bạn vẫn còn “nhiên liệu” để tiếp tục đi trên con đường nghề nghiệp đã chọn, Sông An mong rằng chia sẻ này là một “tín hiệu” nhắc bạn suy nghĩ thêm về tình hình của mình. Từ đó, bạn có thể lập kế hoạch nghề nghiệp để chủ động, hạn chế những tình huống tiêu cực có thể phát sinh.

Nếu bạn không còn động lực tiếp tục công việc hiện tại, muốn tìm hiểu rõ nguyên do và lập kế hoạch hành động để vượt qua khó khăn này, đừng bỏ lỡ chuyến đi Career retreat – Tái định hướng sự nghiệp cùng Sông An vào tháng 12 này tại Đà Lạt.

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Khi nghề nghiệp xác quyết bỗng không còn ý nghĩa đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Liều thuốc cho tình trạng kiệt sức: “Mindful Self-Compassion” https://huongnghiepsongan.com/lieu-thuoc-cho-tinh-trang-kiet-suc-mindful-self-compassion/ Mon, 11 Nov 2024 17:17:59 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=24849 Tác giả: Thủy Trúc Biên tập: Minh Thảo Lời mở đầu “Ours is a demanding world.”Tạm dịch: Chúng ta sống trong một thế giới đầy thử thách. Khi đọc đến dòng này trong quyển “Mindful Self-Compassion for Burnout” (vừa ra mắt vào tháng 9 năm 2024) của Tiến sĩ Tâm lý học Kristen Neff – [...]

Bài viết Liều thuốc cho tình trạng kiệt sức: “Mindful Self-Compassion” đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Thủy Trúc

Biên tập: Minh Thảo

Lời mở đầu

“Ours is a demanding world.”
Tạm dịch: Chúng ta sống trong một thế giới đầy thử thách.

Khi đọc đến dòng này trong quyển “Mindful Self-Compassion for Burnout” (vừa ra mắt vào tháng 9 năm 2024) của Tiến sĩ Tâm lý học Kristen Neff – một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Lòng trắc ẩn với bản thân (Self-compassion), tôi đã dừng lại và suy ngẫm thật lâu. Với sự đồng cảm sâu sắc, tác giả đã chạm đến một sự thật mà ai trong chúng ta cũng có thể cảm nhận được mỗi ngày: những đòi hỏi từ công việc và áp lực cuộc sống đang càng ngày càng nặng nề. 

Trong thực tế, số liệu thống kê được trích dẫn trong sách cho thấy một tỷ lệ đáng kinh ngạc, từ 1/3 đến 3/4 dân số toàn cầu đang rơi vào trạng thái kiệt sức. Điều này cho thấy tình trạng “sức cùng lực kiệt” dường như phổ biến hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Bạn đọc có thể tham khảo định nghĩa và các dấu hiệu nhận biết kiệt sức nghề nghiệp qua bài viết Vượt qua ngọn núi mang tên “kiệt sức nghề nghiệp” trên Kênh sức khỏe nghề nghiệp của chúng tôi. 

Trong bài viết này, tôi muốn mời gọi quý bạn đọc hãy bắt đầu tìm hiểu và thực hành Lòng trắc ẩn với bản thân vì đây có thể làm “liều thuốc” giúp bạn cải thiện tình trạng căng thẳng và mệt mỏi kéo dài, đặc biệt với những ai đang có 3 đặc điểm sau: 

1- Bạn tận tâm với người khác. 

Tiến sĩ Kristin Neff chỉ ra rằng những người thường xuyên làm việc trong tình trạng căng thẳng cao độ hoặc đang cố gắng hết mình để hoàn thành công việc có ý nghĩa với họ đều có nguy cơ cao bị kiệt sức. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:

  • Người đi làm trong môi trường doanh nghiệp nhanh và áp lực
  • Nhân viên y tế
  • Nhà trị liệu tâm lý và công tác xã hội
  • Giáo viên
  • Cảnh sát và nhân viên cứu hộ
  • Công chức
  • Người hoạt động trong lĩnh vực công lý xã hội hoặc môi trường

Định nghĩa công việc ở đây không chỉ giới hạn trong bối cảnh lao động, mà còn được hiểu rộng ra trong cả bối cảnh cuộc sống, bạn cũng có thể kiệt sức khi bạn là:

  • Người trưởng thành đang chăm sóc cho cha mẹ già yếu
  • Cha mẹ nuôi dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt

Khi làm các nhiệm vụ này, dù trong bối cảnh chuyên nghiệp hay gia đình, bạn phải liên tục để ý tới người khác để nắm bắt nhu cầu/yêu cầu của họ và dốc lòng chăm sóc hay xử lý vấn đề liên quan đến con người. Nếu không có cách để “sạc” lại chính mình kịp thời và đầy đủ, cả về thể chất lẫn tinh thần, chẳng mấy chốc bạn thấy mình cạn kiệt và cảm thấy không còn gì để cho đi. 

2- Nhưng… hà khắc với chính mình.

Dành rất nhiều sự tử tế, kiên nhẫn và bao dung cho người khác, nhưng với chính mình, bạn có đang là nhà phê bình khắc nghiệt nhất? Liệu bạn có thường xuyên:

  • Tự trách mình vì không đạt được kỳ vọng?
  • Cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ vì không hoàn thành công việc?
  • So sánh mình với người khác và luôn cảm thấy mình thua kém – không bao giờ “đủ”?

Đặc điểm 1 và 2 khi hội tụ cùng trong một người, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy người đó rất dễ mất cân bằng. Trong cuốn “Mindful Self-Compassion for Burnout”, Kristin Neff đã chỉ ra chúng ta cần nuôi dưỡng Lòng trắc ẩn cho bản thân, tức là dành cho chính mình sự tử tế, quan tâm, yêu thương, ấm áp, giúp đỡ như cách chúng ta vẫn thường làm cho người khác. 

Đồng thời, cô cũng trình bày về hai khía cạnh của Lòng trắc ẩn với bản thân, không chỉ dừng lại ở sự Dịu dàng (Tender) mà còn có sự Quyết liệt (Fierce), đây là cũng một trong những điều cá nhân tôi tâm đắc nhất. Cô giải thích rằng chúng ta cần khía cạnh Dịu dàng để xoa dịa những nhọc nhằn mình đang trải qua, nhưng chúng ta cũng cần khía cạnh Quyết liệt để khơi dậy nguồn lực bên trong và hành động để vững vàng trở lại.

3- Và bạn tìm kiếm những giải pháp khoa học.

Trong thời đại ngày nay, thật không khó để tìm thấy nhiều hình thức khác nhau giúp bạn “xả stress”. Nhưng nếu bạn đã thử nhiều cách mà chưa thấy hiệu quả, hoặc những cách bạn đang thử chỉ giúp bạn xao nhãng tạm thời còn tình trạng kiệt sức vẫn đeo bám bạn dai dẳng, tôi chân thành khuyên bạn hãy thử tìm hiểu và khám phá về Lòng trắc ẩn với bản thân được phát triển bởi Tiến sĩ Kristin Neff. 

Với hơn 20 năm nghiên cứu, cô không chỉ phát triển công cụ Self-Compassion Test giúp bạn tự đánh giá Lòng trắc ẩn dành cho chính mình, mà cô còn xuất bản sách dành cho người không chuyên với rất nhiều bài tập thực tiễn và dễ áp dụng. Bạn có thể tìm đọc quyển “Mindful Self-Compassion for Burnout” hoặc quyển Trắc ẩn với chính mình – đã được dịch sang tiếng Việt của cô.

Lời kết

Đối mặt với những đòi hỏi không ngừng từ công việc và cuộc sống là điều không hề dễ dàng. Chúng ta có thể cố gắng vượt qua bằng lý trí, nhưng dù kiên cường đến đâu, ai trong chúng ta cũng sẽ đến lúc chạm tới giới hạn của mình. Vì vậy, bạn thân mến, tôi mong bạn hãy nhớ rằng bạn không đơn độc trong hành trình này. Ai cũng có thể rơi vào tình trạng kiệt sức! 

Hãy dành cho mình sự Dịu dàng – yêu thương, quan tâm, lắng nghe nhu cầu của bản thân, cho phép tất cả cảm xúc. Đồng thời, cũng hãy Quyết liệt hành động, đó là có thể hành động nhỏ từ việc đặt mua sách về Lòng trắc ẩn dành cho bản thân của tác giả Kristin Neff, cho đến những hành động đòi hỏi cam kết hơn như tham gia 30 ngày giải tỏa căng thẳng trong công việc tại Sông An hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. 

Chúc mỗi người trong chúng ta có thể nuôi dưỡng lòng trắc ẩn dành cho bản thân và tha nhân.

Tài liệu tham khảo:

Neff, K., & Germer, C. (2024). Mindful self-compassion for burnout: Tools to help you heal and recharge when you’re wrung out by stress. Guilford Press.

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Liều thuốc cho tình trạng kiệt sức: “Mindful Self-Compassion” đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Đi làm – không chỉ là câu chuyện thu nhập https://huongnghiepsongan.com/di-lam-khong-chi-la-cau-chuyen-thu-nhap/ Sun, 06 Oct 2024 14:28:01 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=24388 Tác giả: Hoàng Nguyễn Biên tập: Thanh Tâm Bạn đã bao giờ cảm thấy công việc hiện tại không còn mang lại cho bạn cảm giác hứng thú như trước? Hay bạn đang tìm kiếm một mục tiêu lớn hơn để theo đuổi? Nếu vậy, bạn không hề đơn độc. Ở giai đoạn thiết lập-duy [...]

Bài viết Đi làm – không chỉ là câu chuyện thu nhập đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Hoàng Nguyễn

Biên tập: Thanh Tâm

Bạn đã bao giờ cảm thấy công việc hiện tại không còn mang lại cho bạn cảm giác hứng thú như trước? Hay bạn đang tìm kiếm một mục tiêu lớn hơn để theo đuổi? Nếu vậy, bạn không hề đơn độc. Ở giai đoạn thiết lập-duy trì sự nghiệp, theo Cầu vồng cuộc sống nghề nghiệp của nhà tâm lý học Donald E. Super, nhiều người bắt đầu tự đặt ra những câu hỏi này khi họ cảm thấy cần tìm kiếm lại ý nghĩa và niềm vui trong công việc. Khi mà sự nghiệp đã ổn định, áp lực về tài chính dần giảm bớt, con người thường khát khao một điều gì đó sâu sắc hơn, có giá trị hơn để cống hiến. Nhưng hành trình đi tìm ý nghĩa và hạnh phúc trong công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, và đây chính là thời điểm để chúng ta suy ngẫm về những gì thực sự quan trọng.

Nhiều người bắt đầu nhận ra rằng công việc không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là nơi thể hiện giá trị và cống hiến của bản thân. Những gì từng mang lại niềm vui và động lực có thể dần trở nên nhàm chán, và họ bắt đầu cảm thấy công việc hiện tại không còn đáp ứng được những nhu cầu tinh thần sâu sắc hơn. Đã đến lúc đặt câu hỏi về những giá trị mà mình đang theo đuổi, phân biệt giữa sự hài lòng và sự thỏa mãn thực sự trong công việc, hay sự dũng cảm bước qua sự chần chừ để thay đổi.

Bạn đang theo đuổi giá trị nào trong cuộc sống?

Memento mori – Ai rồi cũng chết. Lời nhắc nhở sâu sắc về sự hữu hạn của đời người. Hãy nghĩ về những khoảnh khắc hạnh phúc nhất hoặc tưởng tượng đến giây phút cuối đời: Điều gì thực sự có ý nghĩa đối với tôi? Tôi muốn để lại điều gì trên thế giới này? Giá trị nào tôi muốn theo đuổi? Những câu hỏi này chính là chìa khóa để bạn khám phá giá trị cốt lõi của mình.

Theo Edgar Schein, mỗi người đều có một “neo nghề nghiệp” – những giá trị và động lực sâu xa định hình sự lựa chọn và hành trình phát triển sự nghiệp. Có thể đó là sự cống hiến cho xã hội, sự tự do trong công việc, hoặc mong muốn thành công cá nhân. Hiểu rõ những giá trị này sẽ giúp bạn khám phá ra ý nghĩa thật sự của công việc và điều gì khiến bạn cảm thấy thỏa mãn trong sự nghiệp.

Sử dụng những công cụ như bảng câu hỏi hay các bài trắc nghiệm về động lực có thể giúp bạn nhìn nhận rõ hơn về bản thân, những điều bạn thật sự muốn đạt được trong cuộc sống. Bạn có thể tham khảo trắc nghiệm Indigo, kết quả cho ra phần giá trị nghề nghiệp giúp khoanh vùng những công việc bạn cảm thấy có ý nghĩa liên quan đến phụng sự xã hội, sự ghi nhận cá nhân, sự hài hòa trong cuộc sống, giá trị thực tiễn, sự học hỏi, hoặc bảo tồn truyền thống. 

Bạn đang hài lòng hay thực sự được thỏa mãn với công việc?

Nhiều người thường lẫn lộn hai khái niệm này. Theo lý thuyết của Frederick Herzberg, những yếu tố như lương bổng, chính sách công ty, môi trường làm việc an toàn và sự ổn định có thể giúp bạn cảm thấy hài lòng ở mức độ nào đó, nhưng chúng không đủ để tạo ra động lực sâu sắc. Động lực thực sự đến từ những điều như công việc có tính thử thách, cơ hội để phát triển bản thân, sự ghi nhận và trách nhiệm. Đây là những yếu tố khiến bạn cảm thấy mình đang đóng góp và tạo ra sự khác biệt. Động lực không chỉ xuất phát từ các lợi ích bên ngoài, mà từ chính ý nghĩa của công việc. Hãy tự hỏi: Công việc này có ý nghĩa với mình không? Nó có giúp mình phát triển không? Mình có được ghi nhận và trao trách nhiệm không? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm thấy động lực và sự thỏa mãn thực sự trong công việc.

Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại chưa mang lại sự thỏa mãn, có nhiều cách để cải thiện tình hình. Hãy bắt đầu bằng việc trao đổi với sếp trực tiếp hoặc người cố vấn để xem xét khả năng điều chỉnh công việc, nhằm tạo ra thêm cơ hội thử thách hoặc ghi nhận những nỗ lực của bạn. Ngoài ra, tham gia các hoạt động thiện nguyện hoặc cộng đồng để áp dụng kiến thức chuyên môn cũng có thể mang lại cảm giác đóng góp có ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, việc thử sức với những hoạt động mới, tham gia các đội nhóm khác nhau, hoặc khám phá các lĩnh vực chưa từng biết đến sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và tạo ra động lực mới. Đôi khi, những trải nghiệm này có thể đem lại sự thỏa mãn mà công việc hiện tại chưa thể cung cấp, giúp cuộc sống của bạn trở nên phong phú và ý nghĩa hơn.

Đã đến lúc cần thay đổi, nhưng bạn còn chần chừ?

Khi nhận ra rằng đã đến lúc cần phải thay đổi, nhiều người vẫn do dự trước quyết định này. Việc từ bỏ công việc quen thuộc hoặc bước ra khỏi vùng an toàn không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi chúng ta đã quen với sự ổn định hiện tại. Những lo lắng về rủi ro, sự không chắc chắn về tương lai hay nỗi sợ thất bại thường khiến bạn do dự, tự hỏi liệu thay đổi có thực sự mang lại kết quả tốt đẹp hơn không. Nhưng đôi khi, sự chần chừ ấy lại khiến ta bỏ lỡ những cơ hội quý giá để phát triển và trải nghiệm một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Thực tế, khả năng học hỏi và thích nghi là chìa khóa quan trọng giúp bạn thành công khi chuyển đổi nghề nghiệp. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bất kể ở độ tuổi nào, chúng ta đều có thể tiếp thu kiến thức mới và phát triển những kỹ năng cần thiết. Việc liên tục học hỏi không chỉ giúp bạn duy trì sự sắc bén mà còn mở ra những cơ hội hoàn toàn mới trong sự nghiệp. Với những ai sẵn sàng kết nối sâu sắc hơn với giá trị nghề nghiệp,  thay đổi nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là một quyết định công việc, mà còn là cơ hội để khám phá những tiềm năng chưa được khai phá của bản thân.

Để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc đánh giá lại thế mạnh, tìm hiểu thị trường lao động, cho đến việc lên kế hoạch tài chính rõ ràng. Mô hình 4S của Schlossberg có thể giúp bạn xây dựng một lộ trình chuyển đổi toàn diện, hoặc tham gia các chương trình Career Retreat chuyên sâu để nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia và cộng đồng cùng chí hướng. Đây là cơ hội để bạn bước ra khỏi vùng an toàn, làm mới chính mình và tìm ra hướng đi mới cho sự nghiệp.

Kết luận

Cuộc sống là một hành trình không ngừng học hỏi và khám phá. Việc tìm kiếm ý nghĩa trong công việc không chỉ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn trong sự nghiệp mà còn đóng góp vào chất lượng cuộc sống của bản thân bạn và những người xung quanh. Sự thay đổi luôn đòi hỏi lòng dũng cảm, nhưng phần thưởng dành cho những người dám thử thách bản thân là một cuộc sống giàu ý nghĩa và trải nghiệm phong phú hơn. Vậy bạn còn chờ gì nữa? Hãy bắt đầu hành trình khám phá bản thân và tìm kiếm sự thỏa mãn trong công việc ngay từ hôm nay!

Tài liệu tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8869198/

https://www.linkedin.com/pulse/how-find-midlife-career-satisfaction-suzanne-mountain-fcipd/

https://www.apa.org/news/podcasts/speaking-of-psychology/lifelong-learning

https://institute-academic-development.ed.ac.uk/sites/default/files/2024-02/Career%20anchors%20table%20and%20chart.pdf

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Đi làm – không chỉ là câu chuyện thu nhập đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Trì hoãn trong công việc – một cách nhìn nhận mới https://huongnghiepsongan.com/tri-hoan-trong-cong-viec-mot-cach-nhin-nhan-moi/ Sun, 29 Sep 2024 10:10:23 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=24320 Tác giả: Minh Thảo Biên tập: Thanh Tâm Một nghịch lý kỳ lạ Trì hoãn là một vấn đề mà ai cũng sẽ gặp phải. Đó là khi bạn biết rằng mình cần hoàn thành một công việc, nhưng bạn không cảm thấy thực sự muốn làm, không có động lực hoặc đang không biết [...]

Bài viết Trì hoãn trong công việc – một cách nhìn nhận mới đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Minh Thảo

Biên tập: Thanh Tâm

Một nghịch lý kỳ lạ

Trì hoãn là một vấn đề mà ai cũng sẽ gặp phải. Đó là khi bạn biết rằng mình cần hoàn thành một công việc, nhưng bạn không cảm thấy thực sự muốn làm, không có động lực hoặc đang không biết bắt đầu từ đâu. Cứ như vậy, bạn để công việc dang dở.

Ngoài những trường hợp chúng ta chủ động cần thời gian suy nghĩ kỹ để đưa ra quyết định tốt hơn, thì trì hoãn vẫn là một thói quen ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng công việc và cuộc sống. Đến cuối cùng ta vẫn phải đối mặt với công việc đó, đi kèm còn là những hệ quả không mong muốn được tích lũy trong quãng thời gian ta chần chừ. Nghịch lý là dù hiểu rõ mặt trái của thói quen này, ta vẫn cứ trì hoãn.

Đâu là nguyên nhân khiến một người chậm trễ hành động?

Kể cả với những nhân viên có hiệu suất làm việc cao, vẫn sẽ có một thời điểm nào đó, họ cũng phải vật lộn với sự trì hoãn. Do đó, việc một người chần chừ trong công việc không hẳn là vì họ có điểm yếu trong khả năng quản lý thời gian hay quản lý bản thân.

Kỳ thật, sự trì hoãn là một vấn đề liên quan đến cảm xúc. Nó như một tín hiệu cho biết cơ thể và não bộ của chúng ta đang cố gắng đấu tranh về mặt cảm xúc, thường là với những cảm xúc khó chịu và tâm trạng tiêu cực như buồn chán, bất an, thất vọng, liên quan đến công việc hay một vấn đề nào đó mà ta cần giải quyết. Khi các cảm xúc khó chịu vượt quá khả năng tự điều chỉnh của bản thân, chúng ta sẽ ưu tiên việc “sửa chữa tâm trạng ngắn hạn” hơn là “thực hiện các hành động đã định để hướng tới mục tiêu dài hạn”.

Có không ít lần chúng ta tự trách bản thân trong việc không thể giữ kỷ luật: “Đáng lẽ tôi đã có thể làm tốt hơn”, “tôi lẽ ra nên bắt tay vào làm việc này từ sớm”, “tôi chưa cố gắng đủ”,… Những suy nghĩ dằn vặt như thế thường làm trầm trọng thêm sự căng thẳng, góp phần khiến chúng ta lần lữa hơn nữa. Đây chính xác là lý do tại sao sự trì hoãn không phải là một hành vi xảy ra một vài lần rồi dừng lại, mà nó diễn ra theo một chu kỳ, dễ dàng trở thành thói quen cố hữu. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nói một cách tương đối, mỗi cá nhân có khuynh hướng trì hoãn ổn định theo thời gian, tùy vào ngữ cảnh mà họ sẽ có những biểu hiện tránh né công việc khác nhau.

Một cách khác để nhìn nhận khi bản thân trì hoãn

Vì sự trì hoãn không phải là một vấn đề liên quan đến năng suất, giải pháp không liên quan đến việc sử dụng một ứng dụng quản lý thời gian hay học thêm một chiến lược quản lý công việc. Thay vào đó, bạn hãy thử coi sự trì hoãn như một thông điệp rằng bạn cần nhìn sâu hơn vào cảm xúc của bản thân với đối với việc mình cần làm.

Graham Allcott, tác giả của cuốn sách A Practical Guide to Productivity (Tạm dịch: Một chỉ dẫn thiết thực về năng suất làm việc), đã giới thiệu mô hình DUST – một phương pháp đơn giản mà hiệu quả giúp xác định nguyên nhân đằng sau sự trì hoãn. Có thể bạn vướng phải một hoặc nhiều trong 4 lý do gồm:

  • D (Difficult): nhiệm vụ mà bạn đảm nhận có quá nhiều thử thách
  • U (Unclear): nhiệm vụ được giao không rõ ràng
  • S (Scary): nỗi lo rằng bạn không thể đạt được kết quả như mong đợi
  • T (Tedious): nhiệm vụ quá nhàm chán, khiến bạn không cảm thấy hứng thú làm việc

Khi đã xác định được nguyên nhân, hãy bắt tay vào giải quyết vấn đề từ chính điểm mấu chốt đó.

D – Khi nhiệm vụ quá khó, bạn có thể

    • Chia nhỏ nhiệm vụ ấy ra thành từng bước nhỏ dễ thực hiện.
    • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hay quản lý cấp trên.
    • Bắt đầu từ sớm để tranh thủ thời gian học và tìm hiểu thông tin liên quan đến nhiệm vụ.

U – Khi nhiệm vụ không rõ ràng, bạn có thể

    • Tự mình viết lại một mô tả rõ ràng, chi tiết hết sức có thể (số lượng, thời hạn, hành động cụ thể,…).
    • Trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp hay cấp trên để cùng đưa ra một kỳ vọng rõ ràng
    • Áp dụng thói quen begin with the end in mind.

S – Khi lo sợ thất bại, bạn có thể

    • Đặt lịch hẹn với người giám sát thường xuyên trong suốt khoảng thời gian thực hiện công việc, nhằm thúc đẩy bản thân làm việc liên tục để có thể cập nhật tiến độ với và nhận sự hỗ trợ từ người giám sát.
    • Chia sẻ mục tiêu và cam kết hoàn thành nhiệm vụ với những người quan trọng. Theo cách này, bạn sẽ nỗ lực hơn nữa vì không muốn làm họ thất vọng.

T – Khi công việc nhàm chán, bạn có thể

    • Thay đổi môi trường xung quanh để cải thiện trải nghiệm, như đến một quán café làm việc, hay vừa làm vừa đi bộ bằng máy chạy bộ.
    • Tự đặt ra phần thưởng cho mình khi hoàn thành nhiệm vụ để khiến bản thân cảm thấy hứng thú hơn.

Điều quan trọng hơn cả, bạn hãy nhớ dành tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn cho chính mình mỗi khi bản thân trì hoãn, hay mỗi khi nghĩ về những lần trì hoãn trong quá khứ và những thất bại đã qua. Sự bao dung ấy cho phép cá nhân bước qua được những cảm xúc tiêu cực để tập trung vào những hành động vun đắp tương lai.

Tài liệu tham khảo:

Sirois, F. and Pychyl, T. (2013). Procrastination and the Priority of Short-Term Mood Regulation: Consequences for Future Self. https://eprints.whiterose.ac.uk/91793/1/Compass%20Paper%20revision%20FINAL.pdf

Steel, Piers. (2007). The nature of procrastination: A meta-analytic and theoretical review of quintessential self-regulatory failure. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/17201571/

Hugo Fernandes. (2020). How I use the DUST model to overcome procrastination. https://www.linkedin.com/pulse/how-i-use-dust-model-overcome-procrastination-hugo-fernandes/

Charlotte Lieberman. (2019). Why You Procrastinate (It Has Nothing to Do With Self-Control). https://www.nytimes.com/2019/03/25/smarter-living/why-you-procrastinate-it-has-nothing-to-do-with-self-control.html

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Trì hoãn trong công việc – một cách nhìn nhận mới đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Bạn có đang bỏ lỡ điều gì đó vì thiếu sự tò mò? https://huongnghiepsongan.com/ban-co-dang-bo-lo-dieu-gi-do-vi-thieu-su-to-mo/ Fri, 30 Aug 2024 15:35:59 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=23870 Tác giả: Hoàng Nguyễn Biên tập: Minh Thảo Ngày xưa, vào đời vua Hùng thứ 17, có chàng trai tên là Mai An Tiêm khôi ngô, tháo vát được nhà vua nhận làm con nuôi và gả con gái cho, sau vì làm vua cha phật ý mà bị đày ra đảo hoang. Thay vì [...]

Bài viết Bạn có đang bỏ lỡ điều gì đó vì thiếu sự tò mò? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Hoàng Nguyễn

Biên tập: Minh Thảo

Ngày xưa, vào đời vua Hùng thứ 17, có chàng trai tên là Mai An Tiêm khôi ngô, tháo vát được nhà vua nhận làm con nuôi và gả con gái cho, sau vì làm vua cha phật ý mà bị đày ra đảo hoang. Thay vì bi quan, tuyệt vọng, Mai An Tiêm lại tràn đầy hiếu kỳ. Chàng dành thời gian quan sát thiên nhiên, tìm hiểu về các loài cây cỏ. Một ngày, khi đang đi dạo trên đảo, chàng tình cờ nhặt được một hạt giống lạ. Với bản tính tò mò, chàng đã gieo hạt giống ấy xuống đất và chăm sóc nó. Không lâu sau, một cây lạ mọc lên và ra những quả to tròn, màu đỏ tươi. Chàng nếm thử và thấy chúng rất ngọt mát. Không dừng lại ở đó, Mai An Tiêm còn tìm cách nhân giống loại quả này. Chàng thu thập hạt giống và gieo trồng khắp đảo. Nhờ vậy, đảo hoang dần trở thành một vùng đất trù phú. Khi tin tức về loại quả lạ lan rộng, vua Hùng đã cho người đến đảo để tìm hiểu. Nhận ra sai lầm của mình, nhà vua đã đón Mai An Tiêm và gia đình trở về. Từ đó, loại quả lạ này được nhân giống rộng rãi và trở thành một loại trái cây phổ biến, đó chính là quả dưa hấu.

Câu chuyện về Mai An Tiêm không chỉ là một câu chuyện cổ tích mà còn là một minh chứng sinh động cho thấy tầm quan trọng của sự tò mò. Chính nhờ sự tò mò, ham học hỏi và tinh thần sáng tạo, Mai An Tiêm đã biến một hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội để phát triển. Trong thế giới công việc ngày nay, sự tò mò cũng chính là hạt giống gieo mầm cho những ý tưởng đột phá. Giống như Mai An Tiêm, khi chúng ta dám tò mò, dám thử nghiệm, chúng ta sẽ mở ra những cánh cửa mới cho sự nghiệp của mình.

Tò mò thúc đẩy chúng ta tìm kiếm thông tin, khám phá và tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo.  

Khi tò mò, chúng ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi, phân tích thông tin và đánh giá, phản biện các quan điểm ở các góc nhìn khác nhau. Đứng trước một vấn đề, chúng ta sẽ tìm kiếm nhiều cách giải quyết khác nhau, từ đó tìm ra được giải pháp tối ưu nhất. Chúng ta nghĩ ra những ý tưởng mới, kết nối những thông tin tưởng chừng không liên quan, và tạo ra những sản phẩm sáng tạo.

Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, với sự tò mò mãnh liệt với công nghệ và thiết kế, đã không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để đơn giản hóa công nghệ và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Kết quả của những nỗ lực của ông là sự ra đời của những sản phẩm mang tính cách mạng như iPhoneiPad.

Một đứa trẻ tò mò về các loài động vật sẽ tìm hiểu về chúng qua sách, phim ảnh hoặc thậm chí đi đến vườn thú. Một nhà khoa học tò mò về vũ trụ sẽ dành cả cuộc đời để nghiên cứu và khám phá những bí ẩn của vũ trụ. Một người tò mò về các nền văn hóa khác nhau sẽ đi du lịch, học ngoại ngữ và tìm hiểu về phong tục tập quán của những người dân bản địa.

Nuôi dưỡng sự tò mò dẫn đến sự hài lòng và nâng cao hiệu suất công việc.

Tính tò mò là một nguồn sức mạnh nội tại thôi thúc mỗi người tìm tòi và khám phá những điều mới lạ. Khi chúng ta tò mò, chúng ta chủ động tìm hiểu về các chủ đề liên quan đến bản thân và công việc, từ đó tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.

Các nghiên cứu cho thấy, sự tò mò có mối liên hệ mật thiết với khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, sự tò mò về nhiều lĩnh vực khác nhau giúp chúng ta tạo ra những ý tưởng độc đáo và sáng tạo hơn nhờ việc tích lũy được nhiều kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, giúp kết nối những thông tin tưởng chừng như không liên quan để tạo ra những giải pháp mới. Vì sự tò mò có thể thúc đẩy quá trình khám phá bản thân, cơ hội và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của một người, có nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết rằng sự tò mò sẽ liên quan đến sự tự tin vào quyết định nghề nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua ý thức về bản sắc dân tộc.

Các “tips” để phát triển tính tò mò.

Sự tò mò là một cơ bắp cần được rèn luyện thường xuyên. Sau đây là ba cách để nuôi dưỡng sự tò mò mà có thể có tác động lớn đến thành công trong sự nghiệp của bạn. 

1. Đặt câu hỏi: Chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tạo

Albert Einstein, thiên tài vĩ đại của nhân loại, đã từng nói: “Tò mò là động lực thúc đẩy tôi”, và “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi.” Chính nhờ sự tò mò không ngừng về vũ trụ, Einstein đã đặt ra những câu hỏi táo bạo và tìm ra những đáp án thay đổi lịch sử.

Việc đặt câu hỏi không chỉ là một thói quen tốt, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để kích thích tư duy sáng tạo. Khi đối mặt với một vấn đề, thay vì vội vàng đưa ra giải pháp, hãy thử đặt ra những câu hỏi như: “Tại sao lại như vậy?”, “Có cách nào khác để giải quyết không?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?”. Những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, mở ra những khả năng mới mà chúng ta chưa từng nghĩ tới.

Việc đặt câu hỏi còn là động lực thúc đẩy chúng ta không ngừng học hỏi và khám phá. Khi có một câu hỏi trong đầu, chúng ta sẽ chủ động tìm kiếm câu trả lời, từ đó mở rộng kiến thức và hiểu biết của mình. Lâu dần, thói quen đặt câu hỏi sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp chúng ta phát triển tư duy phản biện, nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề hiệu quả.

Bản thân việc đặt câu hỏi không nên có giới hạn, nhưng bạn có thể tối ưu hóa lợi ích bằng cách tìm hiểu các kỹ thuật về đặt câu hỏi như các câu hỏi sức mạnh, câu hỏi diệu kỳ giúp khai phá tận cùng tiềm năng ở bản thân.

2. Chấp nhận rủi ro: Động lực cho sự đổi mới và thành công

Thành công thường được gắn liền với sự an toàn và chắc chắn. Tuy nhiên, những bước đột phá lại đến từ những người dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro khi phá vỡ các quy tắc và tìm kiếm giải pháp mới.

Khi Tiki bắt đầu hoạt động, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam còn khá mới mẻ và đầy rủi ro. Người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu quan tâm đến việc mua sắm trực tuyến, nhưng lại chưa có nhiều lựa chọn về các nền tảng thương mại điện tử uy tín. Các nhà sáng lập Tiki nhận ra rằng một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam là hệ thống logistics chưa hoàn thiện. Chính sự tò mò về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề này đã thúc đẩy Tiki nghiên cứu, tìm hiểu. Cuối cùng, Tiki đã quyết định chấp nhận rủi ro, đầu tư vào kho hàng và xây dựng hệ thống logistics hiện đại, mở rộng danh mục sản phẩm không chỉ bán sách mà còn là nhiều danh mục sản phẩm khác như điện tử, thời trang, mỹ phẩm,… Kết quả là Tiki đã trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và yêu thích, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người Việt.

Khi chúng ta sẵn sàng đối mặt với những điều không chắc chắn, dám thử nghiệm những ý tưởng mới, mặc dù chúng ta không thể chắc chắn rằng mình sẽ thành công, nhưng chắc chắn chúng ta gặt hái được nhiều kinh nghiệm. Những người thành công nhất không phải là những người không bao giờ thất bại, mà là những người biết cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã và tiếp tục tiến về phía trước.

Cần lưu ý rằng chấp nhận rủi ro không phải là một trò chơi may rủi, mà là một quyết định chiến lược dựa trên sự hiểu biết chuyên môn, kỹ năng quản lý cảm xúc và khả năng quản lý rủi ro. Khi chúng ta dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử nghiệm những điều mới lạ, chúng ta sẽ mở ra những cơ hội vô tận để thành công.

3. Nuôi dưỡng tư duy của người mới bắt đầu

Thiền sư nổi tiếng người Nhật Shunryu Suzuki từng phát biểu trong quyển sách The beginner’s mind (Tâm trí người mới bắt đầu): “Trong tâm trí của người mới bắt đầu, có vô vàn khả năng, nhưng trong tâm trí của người chuyên gia, chỉ có vài lựa chọn”.

Hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn bắt đầu một điều gì đó mới, ví dụ những ngày thơ bé khi bạn bắt đầu tập viết chữ. Bạn có thể trải nghiệm lại một phần cảm giác này bằng cách dùng viết chì đồ lên nét vẽ có sẵn trên giấy bằng tay không thuận. Trong lúc đồ lên nét vẽ, bạn không nhìn trực tiếp tờ giấy mà hãy nhìn vào ảnh phản chiếu của nét vẽ qua gương. Khi đó, hẳn là bạn sẽ cảm thấy thật ngạc nhiên nhưng cũng đầy thích thú với cách làm có phần kì quặc này. Đây chính là cảm giác, tâm thế của người bắt đầu – một cái nhìn trong sáng, sẵn sàng khám phá, tò mò học hỏi mọi thứ một cách tự nhiên, không phán xét.

Tâm trí của người bắt đầu không bị ràng buộc bởi kiến thức hay kinh nghiệm trước đó. Tư duy này khá hữu ích khi thực hành liên tục, ngay cả khi chúng ta trở thành chuyên gia vì nó cho phép chúng ta cởi mở hơn với các khả năng và không bị giới hạn bởi chuyên môn. Ta thường nhận được lời khuyên cởi bỏ những điều đã học, đặc biệt là những gì đã cũ (unlearn), khi tiếp cận một kiến thức mới. Nói cách khác, hãy mang một cái đầu mở, hay đặt mình trong tâm thế của “một tách trà cạn” khi học một điều mới. Đó là cách giúp ta tiếp nhận kiến thức một cách trọn vẹn, không phán xét, không bị những kiến thức cũ, những kinh nghiệm về thành công hay thất bại sẵn có của mình làm ảnh hưởng.    

Sự tò mò là một cơ bắp cần được rèn luyện thường xuyên.

Sự khác biệt giữa sự trì trệ và thành công lớn có thể chỉ đơn giản là trở nên tò mò hơn. Đây có thể là mắt xích còn thiếu trong thành công trong sự nghiệp của bạn. Cũng giống như Mai An Tiêm, trong cuộc sống và công việc, những người luôn giữ cho mình một trí tò mò sẽ dễ dàng khám phá ra những điều mới mẻ, tạo ra những ý tưởng độc đáo và đạt được những thành công vượt trội. 

Đừng để sự tò mò ngủ quên trong bạn. Hãy nuôi dưỡng nó mỗi ngày bằng cách đặt câu hỏi, tìm hiểu những điều mới và thử nghiệm những điều chưa biết.

Tài liệu tham khảo:

Ferne. Unlocking Success: The Power of Curiosity. https://ferneelizking.com/the-link-between-curiosity-and-success/

Pinar Celik, Martin Storme, Andrès Davila, Nils Myszkowski. (2016). Work-related curiosity positively predicts worker innovation. https://www.emerald.com/insight/content/doi/10.1108/JMD-01-2016-0013/full/html

Jay H. Hardy III, Alisha M. Ness, Jensen Mecca. (2016). Outside the box: Epistemic curiosity as a predictor of creative problem solving and creative performance. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S019188691630900X

Francesca Gino. (2022). Why Curiosity Matters for Career Success and 3 Ways to Cultivate and Apply It. https://www.linkedin.com/business/learning/blog/career-success-tips/why-curiosity-matters-for-career-success-3-ways-to-cultivate-and-apply-it

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Bạn có đang bỏ lỡ điều gì đó vì thiếu sự tò mò? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tầm quan trọng của “micro-break” trong công việc https://huongnghiepsongan.com/tam-quan-trong-cua-micro-break-trong-cong-viec/ Tue, 20 Aug 2024 01:06:39 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=23125 Tác giả: Thủy Trúc Biên tập: Minh Thảo Bạn có đang “quá tải”? 41% nhân viên cho biết họ cảm thấy rất căng thẳng trong ngày hôm trước (Gallup, 2024).  Còn bạn thì sao? Trên thang từ 1 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất), bạn cảm thấy căng thẳng ở mức nào trong công việc? [...]

Bài viết Tầm quan trọng của “micro-break” trong công việc đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Thủy Trúc

Biên tập: Minh Thảo

Bạn có đang “quá tải”?

41% nhân viên cho biết họ cảm thấy rất căng thẳng trong ngày hôm trước (Gallup, 2024). 

Còn bạn thì sao?

  • Trên thang từ 1 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất), bạn cảm thấy căng thẳng ở mức nào trong công việc?
  • Tình trạng này đã kéo dài bao lâu?

Trong cuộc sống cũng như khi đi làm, chúng ta không ai có thể tránh khỏi “stress” và “stress” không phải lúc nào cũng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục ở trong tình trạng căng thẳng cao độ mà không điều tiết được, rất có thể bạn sẽ nhận thấy sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất cũng như chất lượng mối quan hệ xung quanh của bản thân bắt đầu giảm sút. 

Đừng để đến lúc quá muộn khi bạn trở nên hoàn toàn kiệt sức! Ngay lúc này, hãy dành ít phút để nhìn lại, đánh giá tình trạng căng thẳng của bản thân thông qua hai câu hỏi trên và một số gợi ý từ Sông An về những hệ quả thường gặp khi căng thẳng kéo dài. Liệu bạn có đang:

  • Không ngủ đủ 7-8 tiếng và thường thức dậy với cảm giác mệt mỏi?
  • Thường xuyên cảm thấy cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn hoặc lo lắng?
  • Khó tập trung và dễ bị phân tâm?
  • Không có thời gian cho những việc cá nhân mà mình yêu thích?
  • Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng hoặc thường xuyên bỏ bữa?
  • Không có thời gian chất lượng dành cho gia đình và người thân?

Càng căng thẳng, càng khó thư giãn?

Khi nhận ra mình đang “quá tải”, hãy thử nhớ lại xem bạn thường làm gì để “giảm tải” cho bản thân? 

Có bao giờ bạn cảm thấy thật khó để thư giãn khi đang cố gắng đạt KPI hoặc đang làm dở một dự án? Đầu óc bạn luôn “nhảy số”. Công việc thậm chí đi theo bạn vào cả giấc mơ: bạn mơ thấy mình đang thuyết trình hoặc đang chỉnh sửa một spreadsheet nào đó. Ban ngày, bạn “nốc” 3-4 ly cà phê (hoặc nước tăng lực, trà sữa, v.v.) để giữ mình tỉnh táo và đủ năng lượng. Bạn tự an ủi bản thân rằng chỉ cần qua được tuần này, tháng này hoặc giai đoạn này thôi, mình sẽ được nghỉ ngơi. 

Bạn nghĩ rằng mình chỉ nên và chỉ có thể nghỉ ngơi khi hoàn thành công việc, nhưng bạn có để ý rằng, công việc không bao giờ dừng lại không? Dự án này sẽ nối đuôi dự án khác, KPI này hoàn thành thì sẽ luôn có những KPI mới được đặt ra? Trong khi đó, bộ não và cơ thể của bạn phải liên tục hoạt động và chịu áp lực để đáp ứng những đòi hỏi từ công việc. Điều này làm cho bạn thật khó để có thể thư giãn! Bạn sợ mình sẽ bị tụt lại, thậm chí cảm thấy tội lỗi nếu cho phép bản thân mình nghỉ ngơi khi chưa xong việc. 

Nhưng bạn biết không? Cơ thể và tâm trí được tái tạo năng lượng đầy đủ sẽ giúp nâng cao hiệu quả làm việc và chất lượng cuộc sống của bạn nói chung. Vì vậy, Sông An muốn mời gọi bạn đánh giá lại về cách bạn đang ứng phó với những căng thẳng trong công việc và chủ động lập kế hoạch cho việc nghỉ ngơi. Bạn có thể đọc thêm về Hệ thống nghỉ ngơi 3M: Micro – Meso – Macro break và 7 loại hình nghỉ ngơi được Sông An tổng hợp qua bài viết Nghỉ ngơi đúng cách: Chìa khoá tạo sức bền trong công việc.

Đầu tư vào “micro-break” – nghỉ ngơi ngắn

Trong tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới đi làm hiện nay, chúng ta không thể chỉ dựa vào những kỳ nghỉ phép dài ngày để tái tạo năng lượng mà cần học cách tạo dựng thói quen nghỉ ngơi ngắn và đều đặn mỗi ngày. Hình thức nghỉ ngơi này có tên gọi là “micro-break”, sở dĩ được gọi là “micro” vì đây là những khoảng nghỉ ngắn, kéo dài chỉ vài phút nên có ưu điểm là rất dễ thực hiện. Một nghiên cứu từ Đại học Sydney (Úc) cũng đã chỉ ra rằng chỉ cần 5 phút nghỉ không làm gì là đã có thể giúp ta tập trung lại và chú ý tốt hơn. Một số hoạt động “micro-break” khác mà Sông An có thể gợi ý cho bạn, chẳng hạn như:

  • Hít thở sâu bằng bụng.
  • Lắng nghe một bản nhạc không lời.
  • Nhớ lại một nơi mang lại cảm giác an toàn và thoải mái cho bạn. Nhắm mắt và cho phép mình quay về không gian đó.

Nếu bạn cần sự đồng hành để cam kết nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng, Sông An thân mời bạn đăng ký Ốc đảo 30 ngày giải toả căng thẳng công việc. Bạn sẽ nhận email vào 12:00 trưa trong 30 ngày liên tục, và chỉ cần dành ra 2 phút để hoàn thành một hoạt động đơn giản để xây dựng thói quen nghỉ ngơi ngắn. 

Sông An hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn sẽ bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào các hoạt động nghỉ ngơi cho bản thân nhé!

Tài liệu tham khảo

Gallup. (2024). State of the Global Workplace report. https://www.gallup.com/workplace/349484/state-of-the-global-workplace.aspx#ite-645944 

Schwartz, T., & McCarthy, C. (2007, October). Manage your energy, not your time. Harvard Business Review. https://hbr.org/2007/10/manage-your-energy-not-your-time 

University of Sydney. (2023, July 4). 5-minute brain break: refresh your mind (anywhere). https://www.sydney.edu.au/news-opinion/news/2023/07/04/5-minute-brain-break-refresh-your-mind-attention-psychology-expert.html 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Tầm quan trọng của “micro-break” trong công việc đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Để chuyển ngành, khi nào bạn biết bạn đã sẵn sàng? https://huongnghiepsongan.com/de-chuyen-nganh-khi-nao-ban-biet-ban-da-san-sang/ Fri, 09 Aug 2024 15:24:27 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=23042 Tác giả: Minh Thảo Biên tập: Thủy Trúc Ngày nay, câu chuyện chuyển hướng sự nghiệp có lẽ rất quen thuộc với hầu hết mọi người. Hoặc chính bạn là nhân vật chính trong câu chuyện của mình, hoặc bạn được lắng nghe chia sẻ từ những người thân, bạn bè xung quanh. Chọn một [...]

Bài viết Để chuyển ngành, khi nào bạn biết bạn đã sẵn sàng? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Minh Thảo

Biên tập: Thủy Trúc

Ngày nay, câu chuyện chuyển hướng sự nghiệp có lẽ rất quen thuộc với hầu hết mọi người. Hoặc chính bạn là nhân vật chính trong câu chuyện của mình, hoặc bạn được lắng nghe chia sẻ từ những người thân, bạn bè xung quanh.

Chọn một con đường sự nghiệp mới không chỉ đơn giản là thay đổi công việc mà còn là hành trình một người khám phá lại bản thân, giá trị và đam mê của mình. Trong bối cảnh tương lai 5 năm tới, với dự đoán rằng 69 triệu việc làm mới được tạo ra và 83 triệu việc làm biến mất, 44% các năng lực nền tảng yêu cầu ở người lao động sẽ có chuyển đổi đáng kể (theo báo cáo The Future of Jobs 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – WEF), việc chuyển đổi nghề nghiệp, lĩnh vực làm việc thường xuyên sẽ sớm trở thành một xu hướng của thời đại.

Trong bối cảnh hiện tại, đây vẫn không phải là một quyết định dễ dàng với nhiều người. Khi thay đổi con đường sự nghiệp, một người gặp thường gặp áp lực không chỉ từ chính mình mà còn từ môi trường bên ngoài. Nỗi lo lắng về một tương lai bất định cùng với những kỳ vọng, hay bất đồng quan điểm với gia đình, bạn bè có thể khiến họ mất động lực, chần chừ đưa ra quyết định, dần dần mất đi niềm tin ở bản thân và bỏ lỡ những cơ hội phù hợp.

Nếu bạn đang ấp ủ kế hoạch thay đổi con đường sự nghiệp và đang phân vân rằng liệu mình đã sẵn sàng để hành động chưa, thì hãy thử tự đánh giá bản thân với 3 câu hỏi sau.

Tôi đã có định hướng cho bản thân ở giai đoạn sắp tới chưa?

Việc có một mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp bạn xác định rõ hướng đi cần thiết. Nếu không có mục tiêu, bạn có thể dễ dàng lạc lối hoặc phân tâm bởi những lựa chọn không phù hợp với tầm nhìn của mình. Mục tiêu của bạn cần đủ cụ thể, sao cho bạn có thể bẻ nó ra thành những mảnh ghép nhỏ hơn, cho phép bạn thực hiện từng bước một. Theo đó, bạn hoàn toàn có thể dõi và đánh giá tiến độ thực hiện của mình và có thể điều chỉnh kế hoạch hành động, hoặc thay đổi phương pháp để tiến tới mục tiêu cuối cùng.

Ví dụ, một người bạn của tôi sau khi trải nghiệm một vài năm làm việc trong mảng Brand Marketing đã quyết định chọn một hướng đi chuyên môn là nghiên cứu thị trường. Từ mong muốn đó, người bạn ấy đã xác định cho mình một mục tiêu là học lên cao hơn về Nghiên cứu – Phát triển Thị trường tại một đất nước khác. Để có cơ sở thuyết phục hội đồng tuyển sinh của trường nơi bạn chọn theo học, đồng thời để trải nghiệm học tập đạt được hiệu quả cao nhất, bạn quyết định dành ra 2 năm làm việc tại Việt Nam ở vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường, tích lũy kinh nghiệm. Trước khi rời khỏi công việc hiện tại vốn không phù hợp với định hướng tương lai của mình, bạn đã định hình lĩnh vực, quy mô công ty, tính chất và mô tả công việc, hình dung về đồng nghiệp và người hướng dẫn,v.v. cho vị trí công việc tiếp theo. Tuy vậy, câu chuyện tìm việc làm mới sau đó không mấy thuận lợi với bạn. Trải qua hơn 6 tháng với những cơ hội không thật sự phù hợp, đã có rất nhiều lần bạn chán nản và cảm thấy lung lay với quyết định của mình. Tuy nhiên, nhờ có một mục tiêu rõ ràng, bạn không đi chệch khỏi con đường mà mình mong muốn. Ở tháng thứ 8 kể từ khi bắt đầu hành trình, bạn đã tìm được một nơi phù hợp với các tiêu chí của mình, hoàn thành được một bước trên hành trình sự nghiệp lâu dài. Người bạn ấy ở hiện tại cảm thấy hài lòng với những thành tựu của mình trong công việc trong 2 năm qua, và đã tự tin chuẩn bị hồ sơ, bắt đầu thực hiện giai đoạn tiếp theo trong kế hoạch dài hơi của mình.

Ở một chiều hướng khác, chúng ta rất dễ bắt gặp câu chuyện của một người nào đó, tuy muốn chuyển hướng sự nghiệp nhưng chưa có một hình dung rằng bản thân sẽ làm gì tiếp theo. Họ quyết định dừng công việc hiện có một cách ngẫu hứng, sau đó dành thời gian cho bản thân như đi du lịch, học ngoại ngữ, làm một dự án cá nhân, v.v. Sau một khoảng thời gian, họ bắt đầu cảm thấy trống rỗng, hoài nghi về ý nghĩa của những việc mình đang làm.

Khi thiếu một mục tiêu, chúng ta dàn trải thời gian, năng lượng và các nguồn lực của mình ở nhiều hoạt động, mà một vài trong số đó có thể là không thật sự đóng góp vào sự phát triển cá nhân mà ta đang cần. Một mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn cam kết với bản thân và tiếp tục kiên trì ngay cả khi gặp trở ngại.

Tôi có biết và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn sẽ phát sinh không?

Mỗi khi bắt đầu một điều gì mới, chắc chắn chúng ta sẽ gặp thử thách nhất định. Với những ai quyết định “làm lại” – chọn một sự nghiệp mới, thử thách mà họ phải đối mặt còn nhiều thêm một phần. Đó chính là sự đánh đổi những gì ổn định hiện có để tạo lập một nền tảng mới.

  • Có thể bạn cần theo học Đại học một lần nữa ở chuyên ngành mới
  • Hoặc bạn phải bắt đầu lại từ một vị trí công việc thấp với mức lương trở lại mức khởi điểm, đồng thời sẽ làm việc với các đồng nghiệp trẻ hơn nhưng có chức vụ cao hơn.

Ngoài ra, còn có yếu tố xã hội và gia đình, khi những người xung quanh có thể không hiểu hoặc không ủng hộ quyết định của bạn, khiến cho việc chuyển hướng sự nghiệp càng trở nên cô đơn và khó khăn hơn.

Hai tình huống này chỉ là những ví dụ tiêu biểu nhất. Còn rất nhiều thử thách có thể phát sinh, tùy vào trải nghiệm của mỗi cá nhân.

Quay lại câu chuyện ở trên, tuy đã lường trước tình huống rằng bản thân sẽ đi sau những đồng nghiệp trẻ hơn nhưng có nhiều kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực mới, người bạn của tôi vẫn không hoàn toàn tránh khỏi cảm giác mất tự tin. Xen lẫn vào đó còn là sự hối tiếc khi nghĩ về những điều bạn từng có và các cảm xúc phức tạp khác như bất mãn, uể oải trong công việc. Phải mất một khoảng thời gian học cách điều chỉnh suy nghĩ và cảm xúc, bạn mới dần thích nghi với thực tế, tìm ra những giá trị mới trong công việc và bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn với vị trí mới.

Bạn cũng chia sẻ với tôi rằng ở giai đoạn đầu của chặng đường này, những câu chuyện bình thường trên bàn cơm, hay những lời thăm hỏi đơn giản từ gia đình cũng thường bị bạn, dưới áp lực và nỗi lo từ bên trong, nhìn nhận như là một ám chỉ tiêu cực về lựa chọn của mình. Chỉ đến khi tháo gỡ được nút thắt bên trong chính mình, bạn mới biết được cách giao tiếp đúng đắn hơn với người thân và bạn bè xung quanh. Một số quan điểm bất đồng vẫn còn đó, nhưng người bạn ấy không còn ôm tất cả cảm xúc tiêu cực về phía mình, đồng thời thông cảm hơn với nỗi lo của gia đình và trân trọng tình cảm mà họ dành cho mình. Từ đó, bạn càng quyết tâm để đi tiếp con đường mới mình đã chọn để người thân an lòng.    

Tôi có thể dự phòng tài chính trong bao lâu cho quá trình chuyển đổi? 

Ngoài thời gian và công sức, việc chuyển hướng sự nghiệp thường đòi hỏi nguồn lực để học hỏi những kỹ năng mới và thích nghi với môi trường mới. Các chi phí liên quan đến việc học tập có thể khá cao, làm tăng thêm gánh nặng tài chính trong khi thu nhập có thể bị giảm sút. Đặc biệt nếu quá trình chuyển đổi kéo dài hơn dự kiến, hoặc khi bạn đang có những vai trò quan trọng khác như chăm sóc cha mẹ, con nhỏ, áp lực tài chính có sẽ càng lớn hơn.

Tìm kiếm một vòng quanh các nền tảng mạng xã hội với các từ khóa như “thay đổi sự nghiệp”, “bắt đầu lại”,v.v. và lắng nghe người thật với những câu chuyện thật, chúng ta có thể bắt gặp nhiều người thậm chí muốn quay trở lại công việc hay ngành nghề cũ dù trước đó họ rất chắc chắn với quyết định rời đi của mình. Nguyên nhân phổ biến nhất chính là áp lực về tài chính khi họ chưa kịp có được nguồn thu nhập mới, trong khi khả năng đạt được mức thu nhập nhờ kinh nghiệm cũ vẫn còn đó và hoàn toàn có thể khai thác được.

Tóm lại, áp lực tài chính khi chuyển đổi sự nghiệp là một thách thức lớn, đòi hỏi người lao động cần có kế hoạch tài chính cụ thể, chuẩn bị tâm lý, và sẵn sàng đối mặt với những khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Việc này cần sự cân nhắc kỹ lưỡng và có thể cần sự hỗ trợ từ gia đình hoặc các chuyên tư vấn và/hoặc cố vấn để vượt qua.

Kết

Dù con đường đầy thử thách, hãy nhớ rằng mỗi bước đi đều đang đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu mới. Trong quá trình đó, không phải lúc nào bạn cũng có thể dễ dàng xác định hướng đi đúng đắn hoặc tìm ra giải pháp cho những thách thức gặp phải. Mong bạn nhớ rằng bạn không cô đơn trên hành trình phát triển nghề nghiệp. Bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ Sông An qua Dịch vụ tư vấn hướng nghiệp. Chúc bạn “chân cứng đá mềm” và luôn vững tâm trên con đường bạn đã chọn!

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Để chuyển ngành, khi nào bạn biết bạn đã sẵn sàng? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Hiểu rõ bản thân, vượt qua biến cố: Khám phá mô hình 4S của Schlossberg https://huongnghiepsongan.com/hieu-ro-ban-than-vuot-qua-bien-co-kham-pha-mo-hinh-4s-cua-schlossberg/ Sat, 03 Aug 2024 09:13:33 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=22998 Tác giả: Hoàng Nguyễn Biên tập: Minh Thảo “Sự an toàn duy nhất của chúng ta nằm ở khả năng thay đổi” – John Lilly. Trên hành trình phát triển bản thân trong thế giới hiện đại, việc vun đắp cho sự nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ có định hướng nghề [...]

Bài viết Hiểu rõ bản thân, vượt qua biến cố: Khám phá mô hình 4S của Schlossberg đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Hoàng Nguyễn

Biên tập: Minh Thảo

“Sự an toàn duy nhất của chúng ta nằm ở khả năng thay đổi” – John Lilly.

Trên hành trình phát triển bản thân trong thế giới hiện đại, việc vun đắp cho sự nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, mỗi cá nhân có thể tự tin khẳng định bản thân, xây dựng nền tảng cuộc sống vững vàng và góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, con đường chinh phục thành công luôn ẩn chứa nhiều thử thách, đặc biệt là khi đối mặt với những bước ngoặt mang tính chuyển đổi như tốt nghiệp cấp 3 lên Đại học, ra trường tìm kiếm việc làm, hay những quyết định đổi nghề, chuyển công ty, thậm chí là mất việc. Mỗi biến đổi, dù lớn hay nhỏ, đều có thể tác động đến thói quen sinh hoạt, vai trò xã hội và các mối quan hệ của mỗi cá nhân. Do đó, khả năng thích nghiứng phó hiệu quả với những biến đổi này chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc sống.

Sông An xin giới thiệu đến bạn Mô hình 4S của Nancy K. Schlossberg, một công cụ đắc lực giúp mỗi cá nhân vượt qua những giai đoạn chuyển đổi nghề nghiệp đầy thử thách và chinh phục mục tiêu nghề nghiệp lâu dài. 

Các loại chuyển đổi

Bước đầu tiên để ứng phó hiệu quả với những biến đổi trong cuộc sống là hiểu rõ bản chất của các loại chuyển đổi vì mỗi loại chuyển đổi mang những đặc điểm và tác động riêng biệt đến mỗi cá nhân. Dưới đây là cách phân loại ba nhóm chuyển đổi chính:

  • Chuyển đổi dự đoán trước: Loại chuyển đổi này có thể được lường trước và chuẩn bị sẵn sàng, ví dụ như một sinh viên nếu học hành chăm chỉ thì phần nhiều kết quả học tập sẽ tương xứng với nỗ lực, có khả năng cao thi đậu vào trường mơ ước.
  • Chuyển đổi bất ngờ: Loại chuyển đổi này xảy ra đột ngột và không thể lường trước, ví dụ như mất việc, tai nạn, hay thiên tai.
  • Chuyển đổi hụt: Loại chuyển đổi này đáng lẽ xảy ra nhưng lại không diễn ra, ví dụ như không thi đậu Đại học dù đã rất nỗ lực, không được thăng chức như kỳ vọng, không tìm được việc làm dù đã rất cố gắng.

Mô hình 4S

Mô hình 4S đóng vai trò như la bàn dẫn đường, giúp bạn khám phá bốn yếu tố then chốt ảnh hưởng đến khả năng ứng phó hiệu quả với các biến đổi, bao gồm: Tình huống (Situation), Bản thân (Self), Hỗ trợ (Support) và Chiến lược (Strategy).

Nguồn: Mô hình 4S của Nancy K. Schlossberg. Chuyển thể từ Tư vấn cho người trưởng thành trong quá trình chuyển đổi: Liên kết lý thuyết của Schlossberg với thực hành trong thế giới đa dạng của M. L. Anderson, J. Goodman và N. K. Schlossberg, 2012, trang 62. Bản quyền năm 2012 thuộc về Springer Publishing.

Bằng cách phân tích Tình huống, chúng ta có được cái nhìn rõ ràng về những cơ hội và thách thức, mức độ ảnh hưởng, khả năng chủ động ứng phó với sự chuyển đổi . Khám phá sâu vào Bản thân cho phép chúng ta hiểu rõ điểm mạnh, giá trị và nguyện vọng của mình. Xây dựng mạng lưới Hỗ trợ vững chắc cung cấp sự hướng dẫn và động viên quý giá. Cuối cùng, phát triển Chiến lược hiệu quả, chẳng hạn như học hỏi các kỹ năng mới và tìm kiếm những trải nghiệm thực tế có liên quan, sẽ mở đường để đạt được lộ trình sự nghiệp mong muốn. 

Hãy cùng Sông An thử phân tích 4 yếu tố này ở các tình huống chuyển đổi khác nhau, lần lượt lấy ví dụ một học sinh chuẩn bị vào Đại học, một sinh viên sắp ra trường và một người đi làm nghỉ việc sau thời gian dài làm việc ở một công ty để hiểu hơn ứng dụng của lý thuyết này vào hành trình phát triển nghề nghiệp của bạn.

1. Tình huống

Ví dụ sự chuyển đổi của một học sinh chuẩn bị vào Đại học.

Giai đoạn chuyển đổi lên Đại học là một hành trình đầy thử thách, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, mang đến sự thay đổi to lớn trong cuộc sống của mỗi học sinh. Từ môi trường học tập cấp 3 với sự kiểm soát chặt chẽ, học sinh giờ đây được tự do hơn trong việc học tập, sinh hoạt và đưa ra quyết định cá nhân. Học sinh có thể tự chủ trong việc lựa chọn ngành học, phương pháp học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa và xây dựng mối quan hệ mới. Học sinh đã có những lần chuyển đổi tương tự trước đó như chuyển cấp từ tiểu học lên trung học nên phần nào dự đoán được những thay đổi có thể có và có những kinh nghiệm ứng phó nhất định, tuy nhiên lần chuyển đổi mang tính bước ngoặt này có thể có nhiều thách thức hơn do áp lực học tập, thích nghi môi trường mới xa nhà, bạn bè, thay đổi môi trường học tập và sinh hoạt, vấn đề tâm lý như lo lắng, stress, sự tự tin, khó khăn trong việc quản lý tài chính; cần thêm kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm. 

Hiểu về tình huống để xác lập tâm thế chủ động ứng phó với thay đổi, bằng cách phân tích mức độ thay đổi của tình huống so với trạng thái trước đây, mức độ kiểm soát của cá nhân lên tình huống chuyển đổi, mức độ mơ hồ hay rõ ràng của thông tin về tình huống chuyển đổi.

Các câu hỏi gợi ý để hiểu về tình huống chuyển đổi
  • Sự chuyển đổi ảnh hưởng đến mức độ nào đến cuộc sống? 
  • Sự chuyển đổi diễn ra đúng thời điểm không? 
  • Những yếu tố nào của sự chuyển đổi nằm trong phạm vi điều khiển của học sinh/sinh viên/người đi làm? Liệu có thể có những lựa chọn khác? 
  • Sự chuyển đổi sẽ diễn ra lâu hay mau? 
  • Đây là lần chuyển đổi đầu tiên hay đã từng diễn ra?
  • Những khó khăn khác xuất hiện ngay tại thời điểm chuyển đổi?

2. Bản thân

Ví dụ sự chuyển đổi của một sinh viên sắp ra trường.

Mô hình 4S của Schlossberg nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố hiểu về Bản thân trong quá trình chuyển đổi. Khi áp dụng vào trường hợp sinh viên sắp ra trường, yếu tố hiểu bản thân đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ đối diện với những thử thách và cơ hội mới trong cuộc sống. Tìm hiểu về thái độ sống, mức độ kiên trì, niềm tin vào bản thân, nhận thức về bản thân và sức khỏe giúp dự đoán được khả năng thích nghi, kỹ năng đối phó của sinh viên trước sự chuyển đổi. Một người lạc quan thường có xu hướng tìm kiếm giải pháp và cơ hội, trong khi người bi quan dễ dàng bỏ cuộc. Một người kiên trì sẽ có thể vượt qua những trở ngại trong công việc và cuộc sống. Việc một người tin vào số phận đã được sắp đặt hay tin vào khả năng làm chủ cuộc đời của mình sẽ ảnh hưởng đến động lực và sự chủ động của họ. Và trên hết sức khỏe thể chất và tinh thần tốt là nền tảng để một người có thể làm việc hiệu quả và đối mặt với áp lực trong sự chuyển đổi.

Bạn có thể tham khảo trắc nghiệm Holland, trắc nghiệm Indigo Thang đo bền chí để có cái nhìn toàn diện về bản thân dưới góc nhìn hướng nghiệp. 

Các câu hỏi gợi ý để hiểu về bản thân
  • Bạn là người bi quan hay lạc quan/ tiêu cực hay tích cực/ nhìn nửa ly nước đầy hay nửa ly nước vơi?
  • Bạn kiên cường đến đâu trước các khó khăn trong cuộc sống?
  • Bạn tin vào số phận sắp đặt hay tin mình có thể làm chủ cuộc đời?
  • Sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của bạn?

3. Hỗ trợ

Ví dụ sự chuyển đổi của người đi làm mất việc sau một thời gian dài làm ở một công ty.

Khi một người đi làm lâu năm bất ngờ mất việc, họ sẽ trải qua một giai đoạn chuyển đổi lớn. Trong mô hình 4S của Schlossberg, yếu tố mạng lưới hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cá nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nó bao gồm mạng lưới các mối quan hệ, tình hình tài chính và các nguồn lực khác mà cá nhân có thể dựa vào. 

Ở mạng lưới mối quan hệ, sự đồng hành, chia sẻ, động viên từ gia đình sẽ giúp cá nhân cảm thấy được an ủi và có thêm động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Mối quan hệ bạn bè thân thiết cung cấp một không gian để chia sẻ cảm xúc, nhận được lời khuyên và động viên. Tham gia vào các nhóm, câu lạc bộ hoặc cộng đồng có cùng sở thích sẽ giúp mở rộng mạng lưới xã hội và tạo ra những mối quan hệ mới.

Khi mất việc, áp lực về tài chính là một trong những nỗi lo lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khả năng tìm kiếm việc làm mới và tốc độ phục hồi của cá nhân. Việc có một nguồn tài chính ổn định sẽ giúp cá nhân giảm bớt căng thẳng và tập trung vào việc tìm kiếm công việc mới. Quỹ tiết kiệm, bảo hiểm thất nghiệp, sự giúp đỡ về tài chính từ người thân giúp cá nhân duy trì cuộc sống trong một khoảng thời gian nhất định, song song đó họ có thể dành thời gian và tâm trí để tìm kiếm một công việc phù hợp, thay vì phải vội vàng chấp nhận bất kỳ công việc nào chỉ để có thu nhập. Bằng cách lên kế hoạch tài chính hợp lý như lập kế hoạch ngân sách, ưu tiên các khoản chi tiêu, tìm kiếm các nguồn thu nhập bổ sung, tận dụng các nguồn hỗ trợ và duy trì tinh thần lạc quan, người mất việc có thể nhanh chóng ổn định cuộc sống và tìm kiếm được công việc mới.

Các câu hỏi gợi ý để hiểu về mạng lưới hỗ trợ
  • Bạn có ai đồng hành để đi qua sự chuyển đổi này: bạn bè, gia đình?
  • Tình hình tài chính
  • Các nguồn lực khác

4. Chiến lược

Sau khi đã phân tích kỹ lưỡng các yếu tố Tình huống, Bản thân và mạng lưới Hỗ trợ, việc xây dựng một chiến lược cụ thể là vô cùng quan trọng. Chiến lược này sẽ là kim chỉ nam, giúp cá nhân định hình hành động rõ ràng, vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong quá trình chuyển đổi. Tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể, chiến lược cần được thiết kế với các bước hành động chi tiết, có thời gian biểu rõ ràng và khả năng điều chỉnh linh hoạt.

Đối với những cá nhân đang cảm thấy bi quan hoặc mất niềm tin, việc thay đổi góc nhìn sẽ là một bước đệm quan trọng. Thay vì tập trung vào những tiêu cực, hãy hướng đến những cơ hội mới và tiềm năng phát triển bản thân. Bên cạnh đó, quản lý cảm xúc hiệu quả cũng là yếu tố then chốt.

Ở các ví dụ lần lượt được phân tích ở trên, chiến lược cho mỗi trường hợp sẽ có những đặc thù riêng. Ví dụ, học sinh sắp vào đại học cần tập trung vào lập kế hoạch học tập, nghiên cứu ngành nghềquyết định chọn trường. Sinh viên sắp ra trường lại cần lên các bước tìm kiếm việc làm, nâng cao kỹ năng mềmxây dựng thương hiệu cá nhân. Còn đối với người đi làm lâu năm bị mất việc, tái thiết lại sự tự tin, cập nhật kiến thức, học thêm kỹ năng mớimở rộng mạng lưới quan hệ là những ưu tiên hàng đầu.

Các câu hỏi gợi ý để hiểu về chiến lược
  • Đổi góc nhìn: tìm trong các cách nhìn khác nhau về sự chuyển đổi, chọn góc nhìn lạc quan, hi vọng
  • Quản lý cảm xúc
  • Tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ

Lựa chọn bình an

Đứng trước mọi chuyển đổi, cho dù loại chuyển đổi được dự báo trước hay là loại chuyển đổi bất ngờ, ắt hẳn ai trong chúng ta đều cảm thấy ít nhiều bối rối. Sông An mong rằng mô hình 4S giúp bạn bình tâm trước các ngã rẽ, sáng suốt trong các phân tích và bình an với các quyết định. Và nhất là, trong thế giới với những đổi thay nhanh chóng, hãy giữ tâm thế cởi mở với các thay đổi, cái nhìn lạc quan trước tình huống, kiên trì với các giải pháp, tò mò khám phá các giới hạn, và tin rằng thích ứng với thay đổi là một trong những kỹ năng thiết yếu của thời đại.   

Tài liệu tham khảo:

Derrick. Becoming the boss: using Schlossberg’s Transition Theory to explore new supervisors’ transition to supervisory roles at a federal government agency. https://www.semanticscholar.org/paper/Becoming-the-boss%3A-using-Schlossberg’s-Transition-a-Derrick/94758d297dd221ec45cac59b8d74af979daa8feb

University of North Texas Health Science Center. Schlossberg’s Transition Theory. https://www.unthsc.edu/students/wp-content/uploads/sites/26/Schlossberg.pdf.

Transitioning well. Transition guide. https://www.transitioningwell.com.au/wp-content/uploads/2024/01/TW-Transition-Guide-Information.pdf

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Hiểu rõ bản thân, vượt qua biến cố: Khám phá mô hình 4S của Schlossberg đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Cha mẹ đi làm, làm sao để có thể trọn vẹn ở cả hai vai trò? https://huongnghiepsongan.com/cha-me-di-lam-lam-sao-de-co-the-tron-ven-o-ca-hai-vai-tro/ Fri, 28 Jun 2024 04:00:19 +0000 https://huongnghiepsongan.com/?p=22818 Tác giả: Tiến Toàn Biên tập: Minh Thảo Thách thức của cha mẹ đi làm khi có con Làm cha mẹ đồng nghĩa với việc gánh vác thêm vô số trách nhiệm mới, từ việc chăm sóc, nuôi dạy con cái đến việc vun vén hạnh phúc gia đình. Các trách nhiệm và công việc [...]

Bài viết Cha mẹ đi làm, làm sao để có thể trọn vẹn ở cả hai vai trò? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>
Tác giả: Tiến Toàn

Biên tập: Minh Thảo

Thách thức của cha mẹ đi làm khi có con

Làm cha mẹ đồng nghĩa với việc gánh vác thêm vô số trách nhiệm mới, từ việc chăm sóc, nuôi dạy con cái đến việc vun vén hạnh phúc gia đình. Các trách nhiệm và công việc này đè lên áp lực công việc thường ngày, đặc biệt là khi nghĩ đến chuyện có con cũng là lúc những người cha, người mẹ tương lai đã có vài năm kinh nghiệm đi làm, đang trong giai đoạn thăng tiến sự nghiệp. Điều này khiến cha mẹ thêm phần bận rộn và khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. 

Ngoài áp lực của câu chuyện nhiều hoạt động ở các vai trò khác nhau, một áp lực khủng khiếp hơn chính là sự kỳ vọng của bản thân về việc trở thành cha mẹ giỏi và nhân viên xuất sắc. Cha mẹ luôn mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, đồng thời cũng muốn gặt hái thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, việc ôm đồm quá nhiều trách nhiệm và đặt ra những kỳ vọng quá cao sẽ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Để vượt qua những thách thức này, cha mẹ cần có một tư duy hợp lý và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết.

Chuyển tư duy “cân bằng công việc – cuộc sống” thành “hòa hợp công việc – cuộc sống”

Khái niệm “cân bằng công việc – cuộc sống” (work-life balance) có lẽ đã quá phổ biến trong xã hội. Tuy vậy, khái niệm này đặt “công việc” và phần “không phải là công việc” ra hai phần tách biệt nhau và đối lập nhau trên hai cán cân, được cái này là mất cái kia. Một góc nhìn mới hiện đại hơn là “hòa hợp công việc – cuộc sống” (work-life fit). Theo đó, hãy làm sao để mỗi bên hòa hợp và bổ sung cho nhau, tạo ra những tương tác rất đỗi tích cực. 

Cách đây 3 năm, khi lần đầu có con, tôi chia sẻ băn khoăn về làm sao để cân bằng công việc – cuộc sống với một anh đồng nghiệp. Vì cùng là đàn ông, thường xem trọng sự nghiệp, anh nhận ra ngay rằng tôi đang lo chuyện gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng tiến. Khi đó, trong đầu tôi sẽ chỉ có những ý tưởng để làm sao hạn chế ảnh hưởng tiêu cực chứ không thể nghĩ đến chuyện tận dụng lợi thế mà hoàn cảnh mới có thể đem lại. Chuyển góc nhìn, tôi thấy sáng ra và thoải mái hơn rất nhiều cũng như thấy được những ý tưởng hay. 

Câu chuyện gia đình ấm cúng giúp tiếp thêm nhiều động lực tích cực cho công việc của bạn, củng cố sự thành công. Hay việc nuôi dạy con trẻ cũng cho mình những bài học rất hay khi làm việc với đội nhóm, nhân viên. Và ngược lại, các kỹ năng hay thu nhập từ sự nghiệp giúp gia đình bạn thêm hạnh phúc. Khi không xem hai gia đình và sự nghiệp là đối lập mà là bổ sung và hợp tác, chúng ta có thể cảm thấy dễ chịu hơn để nghĩ ra những giải pháp sáng tạo. 

Nhiều bậc cha mẹ, và đa phần là người mẹ khi có con thì quyết định dành hết thời gian của mình cho con, thậm chí nghỉ dài hạn để chăm con. Nhưng tôi cũng đã từng gặp trường hợp thân chủ, sau này nhìn lại thì thấy rằng bản thân con cũng không cần mình dành nhiều thời gian cho bạn ấy như vậy, và việc đó ảnh hưởng tiêu cực cho hành trình phát triển bản thân của chị. Vậy nên, sự hòa hợp chính là cốt lõi. Khi cân bằng các ưu tiên để mỗi ưu tiên đều là vừa đủ và hài hòa thì cha mẹ có thể trọn vẹn trong nhiều vai trò của mình

Quản lý kỳ vọng bản thân

Đây là kỹ năng quan trọng đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ bởi đây thường là cái bẫy nguy hiểm nhất của cha mẹ đi làm. Chúng ta luôn muốn mọi thứ ở mức hoàn hảo nhấtkỳ vọng đó vượt quá khả năng của chúng ta

Tôi biết một chị bạn bị căng thẳng đến mức bật khóc khi chia sẻ về áp lực này. Bạn thử tưởng tượng chị ấy đang cố gắng lấy lại guồng làm việc sau khi sinh và kỳ vọng sẽ được thăng chức, việc được công ty tạm hoãn lại do chị ấy nghỉ sinh. Công việc chị ấy nhiều nên chị cũng thường đem việc về nhà làm. Thương con, chị tự chuẩn bị đồ ăn cho bé, 5 giờ sáng chị đã dậy để làm cháo, xé thịt gà,… Chồng phụ chăm con chị cũng không vừa ý, rồi tự mình ôm lấy. Người giúp việc thì cũng hay bị khiển trách và đổi liên tục. Cứ như thế, trong một thời gian rất dài, chị luôn trong trạng thái căng thẳng với đủ việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, đặc biệt là lúc con bị ốm đau thì chị lại càng căng thẳng, mệt mỏi hơn nữa.  

Thật sự, nỗ lực này đáng quý nhưng nhìn dài hạn, nó khiến các bậc cha mẹ kiệt sức hoặc không đủ sức để tạo ra một kết quả có chất lượng, phần hại chắc sẽ nhiều hơn. 

Chúng ta nên đánh giá và xem lại kỳ vọng của chúng ta như thế nào là hợp lý với nguồn lực của mình (sức của mình, của vợ/ chồng hay sự hỗ trợ khác từ gia đình, đồng nghiệp) để có được sự cân bằng trong dài hạn

Luyện kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

Sắp xếp thời gian hợp lý là kỹ năng bắt buộc phải học để cha mẹ có thể hoàn thành tốt các vai trò của mình. Hãy: 

  • Đánh giá và xây dựng kế hoạch ưu tiên cho mình. Ví dụ: giai đoạn con còn nhỏ, dưới 3 tuổi, con quan trọng hơn công việc. Khi con từ 3 tuổi trở lên, đã đi học, cha mẹ ưu tiên công việc hơn. Tùy hoàn cảnh của mình, hãy đưa ra hướng ưu tiên phù hợp. 
  • Từ ưu tiên lớn đó, hãy xác định đâu là việc quan trọng và lên kế hoạch cho tuần, tháng,…
  • Học cách nói “Không” với với những yêu cầu không cần thiết. Thực sự, giai đoạn này, chúng ta có thể giảm bớt các hoạt động như xem phim, đi gặp bạn bè,… Đó không phải là sự đánh đổi mà mình hiểu mình cần ưu tiên cho việc nào giá trị và quan trọng nhất với cuộc sống của ta. 
  • Lưu ý về khái niệm “Quality Time” để đảm bảo khi chúng ta dành thời gian cho con cái hay công việc, đó là “thời gian rất chất lượng” để đạt được kết quả cao nhất. Nhiều khi, bạn chỉ cần 30 phút chất lượng, tập trung bên con nhưng mang lại kết quả tốt hơn rất nhiều so với 2 tiếng cùng con mà thiếu tập trung, lướt điện thoại, kém chất lượng. Điều này cũng có thể được áp dụng tương tự cho công việc của mình. 

Giao tiếp cởi mở và sẵn sàng nhận sự hỗ trợ

Một tâm lý thường thấy của bố mẹ là đây là chuyện riêng của mình, mình phải tự giải quyết lấy. Nhưng cha mẹ cũng hãy thử nhìn góc nhìn mới rằng chuyện này là chuyện của mọi nhà; đồng nghiệp, người thân có thể cảm thông cho bạn. Mặt khác, nếu bạn tự xử lý mọi công việc nhưng kết quả không được tốt, điều đó có thể ảnh hưởng đến những kết quả chung như công việc của đội nhóm không hiệu quả và liên đới đến nhiều người khác. Nhiều cha mẹ đã tự giải quyết các vấn đề một mình và chịu những tác động tâm lý lớn, có ảnh hưởng lâu dài về sau. 

Đừng ngại chia sẻ khó khăn với người bạn đời, gia đình và đồng nghiệp. Họ có thể là nguồn hỗ trợ đắc lực giúp cha mẹ đấy. Ví dụ như chị bạn của tôi đã hỗ trợ tôi tổ chức một cuộc họp trong công ty để tôi có thể work from home và đưa con đi khám bệnh. Hay ông bà hỗ trợ chăm cháu ắt cũng là chuyện thường tại Việt Nam. Hay thậm chí, khi con chúng ta đã lớn, có ý thức nhất định, bạn ấy cũng có thể là người đỡ đần chúng ta ấy chứ. Có nhiều cha mẹ khuyến khích con tham gia vào việc nhà từ nhỏ với những trách nhiệm phù hợp với độ tuổi.

Đặc biệt, trong một số tình huống, có thể cha mẹ cần những dịch vụ chuyên nghiệp như chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ tâm lý,… Hãy thử tìm hiểu và tận dụng lợi ích của các dịch vụ này nhé. 

Chăm sóc bản thân

Để đương đầu với khối lượng công việc lớn này, năng lượng và sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân là rất quan trọng. Nhiều cha mẹ lúc này chỉ sống cho công việc và con cái mà quên đi bản thân mình. Để rồi đến khi bạn sập nguồn, kiệt sức thì sự suy sụp đó sẽ tác động rất lớn đến bạn và những người hay việc bạn dành thời gian cho. Vì vậy, đừng bao giờ quên dành thời gian cho bản thân. Nếu bạn cảm thấy mình cần có một khoảng thời gian riêng tư để có thể thư giãn và nạp năng lượng như xem phim giải trí, tập luyện thể thao, theo đuổi một vài sở thích cá nhân như viết lách, nấu ăn,… hãy tìm cách thực hiện điều đó. Ví dụ, bạn có thể bàn với người bạn đời để mỗi tuần, một người sẽ chăm sóc con để người còn lại có thêm thời gian cá nhân, có thể là 3 tiếng đồng hồ, một buổi sáng, hay là cả một ngày. Hãy cố gắng duy trì lối sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần cho chính mình.

Hòa nhịp với con

Tôi thấy nhiều cha mẹ rất hay khi họ tạo ra hoặc hiểu rõ nếp sinh hoạt của con, từ đó lồng ghép các hoạt động của mình vào để tạo sự hòa hợp. Ví dụ như cha mẹ tận dụng thời gian con chơi tự chủ, con ngủ trưa để làm các công việc cá nhân. Hay cha mẹ kết hợp cho con tham gia cùng mình trong các hoạt động hay công việc của chính mình. Đừng chỉ nghĩ rằng dành thời gian cho con là mình phải làm theo nhu cầu/lịch trình của con mà cũng có thể là con làm theo cách của mình, bởi con cái cũng có nhu cầu muốn biết cuộc sống của cha mẹ như thế nào mà. Một người thầy của tôi hay dắt con trai nhỏ của mình theo đến lớp cuối tuần. Thỉnh thoảng tụi tôi hay chơi với bạn hoặc trong lớp, thầy cũng nhờ bạn phụ cái này cái kia. Bạn rất vui vì được gặp bạn bè của cha mình và phụ giúp được nhiều. Thầy nói phải như vậy chứ không hai cha con dễ xa cách. Tôi thấy cách làm ngày rất hay. Thậm chí, có một chị bạn còn kết nối với con bằng cách buổi tối tâm sự, ngoài việc hỏi con hôm nay thế nào, ra sao, chị cũng chia sẻ công việc của chị và xin con lời khuyên và nhận được nhiều góc nhìn rất mới mẻ từ con cho công việc của mình. 

Sử dụng công nghệ để có thêm sự hỗ trợ 

Công nghệ có thể là công cụ hữu ích giúp cha mẹ tiết kiệm thời gian và quản lý công việc hiệu quả hơn. Hiện tại, khi bạn google từ khóa “app for working parent” (ứng dụng dành cho cha mẹ đi làm), bạn sẽ thấy những ứng dụng được thiết kế dành riêng cho cha mẹ đi làm để quản lý thời gian, đặt lịch nhắc nhở, kiến thức về bé,… Hãy tận dụng các sức mạnh công nghệ này để giúp bạn nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhé. 

Làm cha mẹ và phát triển sự nghiệp song song là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Bằng cách thay đổi tư duy, trang bị những kỹ năng cần thiết và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ, cha mẹ hoàn toàn có thể cân bằng giữa công việc, gia đình và con cái. Hãy luôn nhớ rằng, bạn không đơn độc và có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để bạn vượt qua những khó khăn và gặt hái thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

Little Big World. 7 Essential Tips to maintain work-life balance for working parents.

https://www.linkedin.com/pulse/7-essential-tips-maintain-work-life-balance-/

Robert Myers, PhD. Balancing work and family: tips for working parents.

https://childdevelopmentinfo.com/parenting/balancing-work-and-family-tips-for-working-parents/

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài viết Cha mẹ đi làm, làm sao để có thể trọn vẹn ở cả hai vai trò? đã xuất hiện đầu tiên vào ngày Hướng nghiệp Sông An.

]]>