Tác giả: Thùy Chi
Biên tập: Thảo Chi
Ngày 14/02/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về các trường hợp cấm dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Ngay lập tức, quy định này trở thành chủ đề “nóng” trong các cuộc thảo luận của phụ huynh, giáo viên và học sinh.
Không ít người bày tỏ lo lắng: “Học sinh không học thêm thì làm gì? Ai sẽ giúp học sinh củng cố kiến thức? Rồi thời gian ngoài giờ học, học sinh sẽ ở đâu, làm gì?”. Những băn khoăn này không phải không có cơ sở, bởi từ lâu, việc học thêm đã trở thành một phần quen thuộc trong hành trình học tập của học sinh Việt Nam. Ở vai trò là giáo viên dạy môn Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp, các thầy cô có thể nhìn nhận vấn đề này từ một góc độ khác và có thể nói rằng, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để giáo dục đổi mới theo hướng phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Từ “học để biết” sang “học để làm”, “học để chung sống”, “học để kiến tạo”
Trong nhiều năm qua, với chương trình giáo dục “chạy theo điểm số”, phần lớn học sinh chỉ tập trung vào “học để biết” – tức là tiếp thu kiến thức lý thuyết, làm bài tập và thi cử. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống và thị trường lao động, điều mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm lại là những cá nhân có khả năng làm việc, tư duy sáng tạo, biết hợp tác và có sự tự tin vào chính mình.
Theo quan điểm của UNESCO, giáo dục không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức, mà còn cần hướng tới ba mục tiêu cốt lõi:
- “Học để làm”: Thay vì chỉ học lý thuyết, học sinh có thể tham gia các hoạt động thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm, làm quen với công việc, từ đó hiểu hơn về cách vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
- “Học để chung sống”: Đây là cơ hội để học sinh kết nối với gia đình và bạn bè, tham gia hoạt động xã hội, phát triển nhân cách và cảm xúc, điều mà học sinh không thể rèn luyện được khi bị giới hạn trong phạm vi nhà trường.
- “Học để kiến tạo”: Không bị cuốn vào lịch học thêm dày đặc, học sinh sẽ có thời gian khám phá đam mê, thử nghiệm các dự án cá nhân và rèn luyện tư duy độc lập.
Việc không học thêm triền miên không có nghĩa rằng, học sinh sẽ “bỏ trống” thời gian, mà ngược lại, đây chính là dịp để các em có thêm những trải nghiệm phong phú và ý nghĩa hơn.
Giáo viên hướng nghiệp đồng hành cùng học sinh như thế nào?
Là một chuyên gia giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, tôi từng gặp rất nhiều học sinh sau 12 năm miệt mài học tập, nhưng khi đứng trước lựa chọn nghề nghiệp lại loay hoay, không biết bản thân thực sự thích gì. Ngược lại, những em có cơ hội trải nghiệm từ sớm, tham gia nhiều hoạt động khác nhau thì thường tự tin hơn, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và có định hướng rõ ràng cho tương lai.
Vì thế, để giúp học sinh không thấy lo lắng khi không còn học thêm, giáo viên hướng nghiệp có thể:
- Khuyến khích học sinh thử sức với những dự án cá nhân nho nhỏ để khám phá năng lực của bản thân. Ví dụ như: tìm hiểu về một chủ đề mà các em yêu thích, thực hiện một mô hình lắp ráp, sáng tác một tác phẩm nghệ thuật, tham gia một hoạt động thiện nguyện, v.v. Việc trải nghiệm sớm giúp các em không chỉ có thêm kỹ năng mà còn phát triển tư duy độc lập.
- Phối hợp với nhà trường, các giáo viên bộ môn để tạo các chương trình ngoại khóa cho học sinh tham gia theo sở thích, như các đội thể thao, câu lạc bộ nghệ thuật, câu lạc bộ nghiên cứu, nhóm đọc sách, các cuộc thi làm đồ thủ công, hay thậm chí là các chương trình bán hàng gây quỹ để học sinh thử khởi nghiệp. Những hoạt động này giúp học sinh có môi trường để phát triển năng lực cá nhân và có thể trở thành nền tảng nghề nghiệp cho các em trong tương lai.
- Hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự lập, tự học hỏi từ đời sống thực tế. Bởi lẽ, giáo dục không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn trong gia đình, trong các trải nghiệm cá nhân và những mối quan hệ xã hội.
Giáo dục cá nhân hóa – Xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, cá nhân hóa lộ trình học tập đang trở thành một xu hướng quan trọng. Thay vì áp đặt một phương pháp chung cho tất cả học sinh, mỗi đứa trẻ cần có một lộ trình phát triển riêng, phù hợp với năng lực và sở thích của mình. Đó cũng là mục tiêu quan trọng của chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Nhìn chung, việc cấm dạy thêm có thể là một bước đi quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục, giúp học sinh thoát khỏi áp lực học tập nặng nề và có cơ hội phát triển toàn diện hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, vai trò của giáo viên hướng nghiệp cũng góp một phần quan trọng. Nếu giáo viên chủ động tìm hiểu, thay đổi cách tiếp cận học sinh về khía cạnh hướng nghiệp, khuyến khích các em học hỏi từ thực tế, thì các thầy cô giáo có thể tạo nên một bước ngoặt đầy ý nghĩa trong hành trình trưởng thành của các em.
Bài viết liên quan: