Sức khỏe nghề nghiệp ở người cao tuổi: Nghiên cứu và ứng dụng

Theo sự phát triển của lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp, các nhà lý thuyết và người làm tư vấn không chỉ quan tâm đến sự phù hợp của cá nhân với ngành nghề mà còn lưu tâm đến với mức độ ý nghĩa mà nghề nghiệp đem lại cho cuộc sống của mỗi cá nhân. Những nhà lý thuyết về hướng nghiệp như Super và Gottfredson nhấn mạnh rằng đối với một người, nghề nghiệp là một phần thiết yếu của “khái niệm về bản thân” (Self-concept), hay còn được hiểu là khả năng tự thấu hiểu về bản thân và vị trí của bản thân trong thế giới (Zunker, 2016). Theo đó, người làm tư vấn hướng nghiệp có nền tảng kiến thức về cách trị liệu dựa vào câu chuyện cá nhân có thể yêu cầu thân chủ chiêm nghiệm lại cách mà nghề nghiệp đã góp phần tạo nên cho họ một câu chuyện cuộc sống có ý nghĩa (Zunker, 2016). Chỉ trong ba năm qua, mối liên kết giữa công việc và ý nghĩa cuộc sống trở thành đề tài chính của các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí như Journal of Career Development (tạm dịch là Tạp Chí Phát Triển Nghề Nghiệp), Journal of Vocational Behavior (Tạp Chí Hành Vi Nghề Nghiệp), và Journal of Career Assessment (Tạp Chí Đánh Giá Nghề Nghiệp). Vì lĩnh vực của chúng ta hướng tới cuộc sống mạnh khỏe (wellness) – vốn được Myers, Sweeney, and Witmer (2000, tr. 200) định nghĩa là “cách sống hướng đến một sức khỏe tốt nhất về mặt thể chất lẫn tinh thần”, cho nên người làm tư vấn có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình đi tìm ý nghĩa này.

Việc tìm kiếm một cuộc sống ý nghĩa sẽ vẫn không kết thúc khi một người rời khỏi sự nghiệp của họ hay khi họ về hưu. Quá trình này thường được xem như gắn liền với một phần lợi ích đến từ công việc, chẳng hạn như cảm giác thấy mình hữu ích và mình được thể hiện tài năng và kỹ năng của bản thân. Do đó, người cao tuổi sau khi về hưu nên tìm những cách mới để hình thành khái niệm về những lợi ích từ công việc và đạt được những lợi ích đó trong giai đoạn về hưu. Người tư vấn khi làm việc với đối tượng lớn tuổi cần có trách nhiệm khuyến khích sự phát triển ở khía cạnh sức khỏe liên quan đến lợi ích từ công việc vốn dễ bị bỏ quên này ở người cao tuổi. Người làm tư vấn nên có những câu hỏi cụ thể như: “Làm sao để người cao tuổi sau khi về hưu đưa ra được khái niệm về khía cạnh sức khỏe liên quan đến lợi ích từ công việc và làm thế nào để chúng ta, người làm tư vấn có thể khuyến khích sự phát triển của hoạt động này?”.

“Nghề nghiệp” ở tuổi cao niên
Trong bài nghiên cứu về sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi, tác giả Fullen (trong bản thảo chờ đăng tải của mình) đưa ra thuật ngữ “sức khỏe nghề nghiệp” (“vocational wellness”) để mô tả những yếu tố về sức khỏe thường có liên quan đến thế giới công việc nhưng vẫn được xem là quan trọng trong giai đoạn về hưu. Fullen chọn từ “nghề nghiệp” (“vocation”) bởi vì đây là từ có gốc từ La Tinh “Vocare”, có nghĩa là gọi. Việc làm theo tiếng gọi từ cuộc sống vẫn có thể được tiếp tục sau khi một người rời khỏi sự nghiệp của họ. Đối với một số người cao tuổi, nghề nghiệp có thể được thể hiện dưới hình thức công tác tình nguyện hay đảm nhận một vai trò mới trong gia đình. Dik, Duffy, và Eldridge (2009) cũng đồng ý rằng nghề nghiệp là khái niệm có thể áp dụng được cho tuổi về hưu.

Về cốt lõi, nghề nghiệp là một vai trò cuộc sống mà trong đó một người tìm thấy mục đích hay ý nghĩa bên ngoài bản thân. Định nghĩa này có thể ứng dụng vào nhiều thân chủ cao tuổi khi họ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa trong các hoạt động như công việc tình nguyện, chính trị xã hội, kỹ năng thủ công, và chăm sóc gia đình. Chỉ với một từ nghề nghiệp này, người làm tư vấn đã được trang bị để có thể biết được những gì đang thiếu sót trong cuộc sống của một số người cao tuổi. Đó là cảm giác vẫn có ích, vẫn còn thành thạo các kỹ năng, vẫn có năng lực hay vẫn tràn đầy mục đích.

Cơ hội cho thực hành và nghiên cứu

Có một số cách trực tiếp mà chuyên viên tư vấn có thể áp dụng khái niệm sức khỏe nghề nghiệp khi tiếp cận với thân chủ lớn tuổi của mình. Người tư vấn có thể giới thiệu thuật ngữ nghề nghiệp này như là một cách để giúp người cao tuổi suy nghĩ về các vai trò trong cuộc sống và về mối quan hệ của họ để tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Chuyên viên tư vấn cũng có thể giúp những thân chủ lớn tuổi xem xét các phương pháp nhằm giúp họ thấy được mục đích trong các hoạt động hàng ngày và khuyến khích họ tìm ra những vai trò giúp thúc đẩy quá trình tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, để người tư vấn có thể hoàn toàn hiểu được sự liên quan của sức khỏe nghề nghiệp đối với cuộc sống của người lớn tuổi, trước hết chúng ta cần xây dựng một nền tảng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Người tư vấn và nhà đào tạo chuyên môn có thể bắt đầu bằng việc mở rộng những nghiên cứu trước đó về vai trò của nghề nghiệp trong phạm trù về ý nghĩa cuộc sống. Mặc dù sự kết nối giữa công việc và ý nghĩa cuộc sống vẫn đang trên đà phát triển trong lịch sử nghiên cứu tư vấn, nhưng lại có rất ít nghiên cứu về khái niệm này với đối tượng là những người lớn tuổi đã về hưu. Lĩnh vực của chúng ta cần những nghiên cứu định tính về các hoạt động nghề nghiệp của người lớn tuổi và tác động của các hoạt động đó lên sức khỏe tổng thể. Thông qua các buổi phỏng vấn, người nghiên cứu có thể biết được chính xác những gì có thể nuôi dưỡng ý nghĩa sống của người lớn tuổi và làm thế nào để nghề nghiệp có thể giúp người lớn tuổi cảm thấy khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần.

Ngoài ra, ngôn ngữ được sử dụng trong các công cụ đo lường về mặt tâm lý nhằm xác định mức độ ý nghĩa đến từ công việc thường làm hạn chế sự tham gia đầy đủ của một số người lớn tuổi – chẳng hạn như Bài kiểm tra về mục đích sống của các tác giả Crumbaugh và Maholick vào năm 1964, Bảng câu hỏi ý nghĩa cuộc sống của các tác giả Steger, Frazier, Oishi, và Kaler vào năm 2006, và Bảng câu hỏi về nghề và lời gọi (CVQ) của các tác giả Dik, Eldridge, Steger, và Duffy vào năm 2012. Trong đó, bảng câu hỏi CVQ bao gồm những câu gợi ý như “Tôi có ý định xây dựng một sự nghiệp sẽ đem lại cho tôi ý nghĩa trong cuộc sống”, “Tôi xem sự nghiệp của mình như là một con đường dẫn đến mục đích sống”, và “Sự nghiệp của tôi là một phần quan trọng trong ý nghĩa cuộc sống của tôi” (trang 260). Đối với người lớn tuổi đã về hưu, những câu hỏi này sẽ không phù hợp. Tuy nhiên, một câu gợi ý của CVQ chẳng hạn như “Sự nghiệp là một phần quan trọng trong ý nghĩa cuộc sống của tôi” có thể trở nên phù hợp với người lớn tuổi nếu như từ “sự nghiệp” được thay bằng từ “nghề nghiệp”. Các nhà nghiên cứu có thể sửa đổi những công cụ này (hay tạo ra những công cụ mới) nhằm giúp đo lường mức độ ảnh hưởng của nghề nghiệp đến ý nghĩa trong cuộc sống của người lớn tuổi.

Đối với nhiều người cao tuổi, việc về hưu là một tín hiệu của sự kết thúc. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không phải dành cho những ai vẫn đang tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống. Các nghiên cứu về sức khỏe nghề nghiệp ở lứa tuổi cao niên sẽ cung cấp cho chúng ta những cách mới nhằm khuyến khích sự phát triển đa diện trong một giai đoạn được cho là có sự giảm sút về khả năng, sự kết nối, và mục đích. Là người làm tư vấn, chúng ta có thể dùng khái niệm sức khỏe nghề nghiệp để giúp thân chủ lớn tuổi thấy rằng việc về hưu vẫn cho họ cơ hội được thấy mình hữu ích, có năng lực, thành thạo kỹ năng, sống có ý nghĩa, và trên hết là vẫn khỏe mạnh.

Photo by Kahar Erbol on Unsplash

Tác giả: Nick Gowen

Người dịch: Hiền Nguyễn

Biên tập: Hồ Lan

Nguồn bài viết: Vocational Wellness in Older Adulthood. Research and Practice https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/180133/_PARENT/CC_layout_details/false