Quản lý ca

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 31
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sĩ công tác xã hội
  • Số giờ làm hằng tuần: tối thiểu 40 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Tổ chức phi chính phủ & quy mô dưới 100 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan? 

Trách nhiệm chính của chị là quản lý việc hỗ trợ các thân chủ được phân công trong tổ chức. 

Cụ thể, công việc quản lý ca trong công tác xã hội (CTXH) cần phải nắm rõ thông tin, vấn đề, tình trạng thân chủ đang gặp phải, cũng như mong muốn, nhu cầu của thân chủ để cùng lên kế hoạch hỗ trợ.

  • Với vấn đề lang thang không nơi ở của thân chủ, nhân viên CTXH sẽ đánh giá gốc rễ vấn đề, sau đó tìm các phương án hỗ trợ như đưa về gia đình, hỗ trợ thuê nhà, đưa về các nhà tình thương của tổ chức. 
  • Với vấn đề về sức khỏe, nhân viên CTXH sẽ hỗ trợ đưa đi khám chữa bệnh. 
  • Với các vấn đề học tập như bị đuổi học, bỏ học, chị sẽ hỗ trợ lên kế hoạch học tập phù hợp: 
    • nếu thân chủ ở lứa tuổi nhỏ, mình có thể hỗ trợ tìm gia sư, tìm trường tiếp nhận thân chủ 
    • nếu thân chủ lớn hơn có thể giới thiệu lớp học kỹ năng, học nghề 
  • Vấn đề liên quan đến tâm lý thì liên hệ bộ phận tâm lý của tổ chức để hỗ trợ
  • Vấn đề liên quan đến pháp luật thì liên hệ phòng luật hỗ trợ … 

Nhìn chung, một nhân viên quản lý ca cần phải làm việc với rất nhiều mạng lưới xung quanh cuộc sống của thân chủ như gia đình, bệnh viện, trường học, công an, bạn bè của thân chủ… nhưng luôn phải ghi nhớ THÂN CHỦ MÌNH LÀ TRỌNG TÂM.

Ngoài ra, chị cũng luôn tham gia vào các hoạt động liên quan của tổ chức. Khi làm công tác xã hội, mình cần giữ tinh thần của tổ chức là làm việc với con người. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất là tính nhân văn, tình yêu thương, đặc biệt là có sự cam kết trong chính sách bảo vệ trẻ em.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Từ khi còn nhỏ, chị đã luôn mong muốn được làm công việc chữa lành và giúp đỡ con người nên quyết định thi trường y để làm bác sĩ. Nhưng chị lại trượt nguyện vọng này và chuyển qua học cử nhân điều dưỡng. Chị nghĩ học ngành y là một lợi thế với công việc hiện giờ vì trước khi ra trường chị phải thực hành ở viện rất nhiều, trong khoảng 2 năm, với nhiều môi trường bệnh viện công khác nhau. 

Tuy nhiên, quá trình học tập và thực hành ở viện không làm thỏa mãn giá trị của chị về chữa lành và giúp đỡ con người ở mức toàn diện hơn. Năm 3 đại học thì chị phát hiện ra nghề công tác xã hội. Nghề này khi đó còn rất mới ở Việt Nam, nhưng phù hợp với các giá trị mà chị theo đuổi. Khi tìm hiểu, chị thấy ngành này sẽ cho chị cơ hội được làm việc cùng nhiều đối tượng yếu thế, có thể làm cá nhân, nhóm, cộng đồng. Chị cũng sẽ có sự tự do, cởi mở, sáng tạo khi làm việc. Quan trọng nhất là ngành này luôn yêu cầu sự tôn trọng với từng cá nhân, từ đó tìm ra điểm mạnh của thân chủ nên chị rất thích. Càng làm việc chị cũng càng hiểu vì sao công tác xã hội được ví là bác sĩ của xã hội.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

9:00 – 11:30 Gặp thân chủ có hẹn trước (vì một nhân viên CTXH thường quản lý rất nhiều ca). 

Gặp các bên liên quan như gia đình, nhà trường, công an, bác sĩ,.. đề giải quyết vấn đề cùng thân chủ

11:30 – 12:30 Đây là giờ ăn tại phòng ăn của tổ chức, cũng là giờ trực của nhân viên CTXH. 

Nếu là lượt trực ở phòng ăn, thì chị cần đảm bảo an toàn, trật tự như không có đánh nhau, nếu đánh nhau tranh giành thì cần giải quyết. Cần sắp xếp ngồi đủ mâm, và ăn xong trẻ biết dọn mâm nơi mình ngồi cũng như bật tắt nhạc trong giờ ăn.

12:30 – 5:30 Tiếp tục làm việc với thân chủ và các bên liên quan.

Giải quyết giấy tờ như hồ sơ, nhật ký cho thân chủ.

Thanh toán các khoản chi cho công việc

Ghi chú Công việc linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc do phụ thuộc lịch hẹn với thân chủ. Ví dụ như giáo viên, công an, bác sĩ, gia đình thân chủ thường hẹn sớm tại địa điểm họ chỉ định.

Có thể có những ca trực ở nơi sinh hoạt của các thân chủ trong tổ chức.

Đây là công việc liên quan đến con người nên hay có tình huống phát sinh. Do đó, bất kể thời gian địa điểm nào thì điện thoại của nhân viên CTXH luôn phải liên lạc được. Nhân viên CTXH cũng đòi hỏi phải nhanh chí, luôn có phương án giải quyết tình huống.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Khi chị trở thành nhân viên quản lý ca CTXH, điều chị thích nhất là nhìn thấy sự thay đổi của thân chủ theo chiều hướng tốt lên về mặt cảm xúc, hành vi, và những vấn đề của thân chủ được giải quyết theo mong muốn và sự nỗ lực của thân chủ. Ví dụ như các em không còn lang thang ngoài đường phố ngày cũng như đêm nữa, mà thay vào đó sẽ về nhà nhiều hơn, đến tổ chức sinh hoạt, quay lại trường học, tìm hướng học nghề, học các kỹ năng. Các em hạn chế giải quyết vấn đề bằng đánh nhau, mà tìm các phương án nhẹ nhàng hơn. Có những em cởi mở, nói chuyện, chơi đùa, tâm sự với mọi người hơn. Đặc biệt có những em sẽ biết giữ tính cam kết và làm theo kế hoạch em đã đưa ra cùng nhân viên CTXH, dù có những lúc em đã rất muốn bỏ cuộc, phá vỡ cam kết đó. 

Ngoài ra, chị sẽ luôn có những niềm vui nho nhỏ như khi mình ốm, đau các em biết quan tâm hỏi han mình. Quan trọng hơn hết chị cảm nhận được sự tin tưởng mà thân chủ dành cho chị.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Điều chị không thích nhất khi làm nhân viên CTXH quản lý ca là cảm giác không an toàn ở một vài hoàn cảnh và thời điểm. Chị cần tới từng gia đình, tìm hiểu thông tin liên quan đến thân chủ và gia đình thân chủ, để từ đó lên kế hoạch phù hợp nhất với nhu cầu và hoàn cảnh của họ. Tuy nhiên, thân chủ của chị thường sống ở nơi thiếu sự an toàn như địa điểm tụ tập buôn bán ma túy, các nơi đường xá không tốt, vắng vẻ, hẻo lánh nên chị hay gặp phải những ánh nhìn tò mò, lời trêu chọc không hay. Điều đó làm chị lo lắng và cảm thấy không an toàn. Sau này chị rút kinh nghiệm là nếu vãn gia sẽ rủ ít nhất một đồng nghiệp đi cùng cho mình an tâm hơn.

Công việc này rất ý nghĩa với chị, nhưng cũng đã có nhiều tình huống làm chị căng thẳng và lo lắng khi đối diện với những thân chủ, người nhà thân chủ, bạn bè thân chủ mà họ có những lời lẽ, hành động mang tính uy hiếp mình. Sau nhiều lần xảy ra các tình huống đó, chị thấy mình đã trưởng thành và có thêm nhiều kinh nghiệm ứng phó để làm dịu lại sự bực tức từ các đối tượng và trấn an luôn bản thân mình. Chị luôn sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chính sách của tổ chức, từ người giám sát và nhóm làm việc cùng.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Chủ động đọc và cập nhật về kiến thức về ngành công tác xã hội qua các nguồn uy tín.
  • Kỹ năng cần có: 
    • Trong ngành công tác xã hội: lắng nghe; thấu cảm; đặt câu hỏi; phản hồi; …
    • Trong công việc cụ thể: làm việc nhóm; làm việc độc lập; đánh giá tình huống; an toàn cho mình và thân chủ, mọi người xung quanh
    • Kỹ năng làm việc văn phòng cơ bản: viết văn bản, báo cáo, kế toán – thanh toán các chi phí liên quan,…
  • Thái độ trong công việc:
    • Chủ động và nhiệt tình trong công việc của mình, chủ động trong giao tiếp với đồng nghiệp
    • Tích cực xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy trong công việc
    • Tôn trọng thân chủ, đồng nghiệp, cộng tác viên, các đối tượng giao tiếp. Tôn trọng công việc của mình
    • Cầu thị, ham học hỏi

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Điều mọi người hay hiểu nhầm công việc này là đánh đồng công việc này như là công việc từ thiện giúp đỡ, xin cho đơn thuần. Đây là một công việc nghiêm túc, có yêu cầu nội dung công việc, kết quả cụ thể và mang tính tổ chức cao. Nhân viên CTXH được trả lương bình thường như các nghề khác.
  • Gia đình của nhân viên công tác xã hội có thể thấy là công việc này nguy hiểm nếu nhân viên đó chọn đối tượng thân chủ là người nghiện ma túy. Tuy nhiên cộng đồng yếu thế này cũng cần được quan tâm và đối xử công bằng như bao nhóm đối tượng khác, như trẻ em lang thang đường phố, phụ nữ bán dâm, hay nạn nhân của buôn bán người, bạo lực gia đình, v.v. 
  • Nhân viên CTXH làm về mảng phát triển cộng đồng phải đi đến vùng sâu vùng xa sẽ vất vả. Ở vùng sâu vùng xa, đi lại cũng như tiện nghi dĩ nhiên sẽ không thể như khu vực thành phố. Tuy nhiên, ở thành phố cũng sẽ có những đặc thù phức tạp khác yêu cầu nhân viên CTXH nghiêm túc với nghề.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Lương nhân viên CTXH sẽ được tính theo thang bậc lương của vùng với các cơ sở thuộc nhà nước, hoặc sẽ khá hơn đối với các nhân viên CTXH của các tổ chức quốc tế.

Thực tế lương sẽ mức trung bình dựa trên năng lực, kỹ năng chuyên môn của nhân viên đó. Nhìn chung, dù làm ở cơ sở nhà nước hay tổ chức quốc tế thì mức lương của nhân viên CTXH sẽ đều sống được nếu nhu cầu của em là cơ bản.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Nếu giá trị bản thân theo đuổi ở lĩnh vực phát triển con người, chữa lành, hỗ trợ người có tổn thương và yếu thế thì CTXH là một lựa chọn nghề em nên cân nhắc. Tuy nhiên, để hành nghề chuyên nghiệp thì ngoài lòng trắc ẩn còn cần có nền kiến thức căn bản và rèn luyện các kỹ năng làm việc với đối tượng mình mong muốn. Cần hiểu đối tượng, xác định những điểm phù hợp của bản thân với thân chủ. Sau đó, tìm mạng lưới các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp xã hội có cùng đối tượng thân chủ như mình muốn làm để xin việc.

Hiện tại, ngành CTXH ở Việt Nam tuy còn mới nhưng đã có rất nhiều vị trí để làm việc. Từ các cơ quan nhà nước, cấp xã phường đến trung ương, tới các tổ chức phi lợi nhuận trong và ngoài nước. Với những sự lựa chọn đối tượng công việc đa dạng như cá nhân, nhóm, cộng đồng; và không chỉ làm việc với con người nữa mà có thể làm việc về môi trường, văn hóa,… Hy vọng bài chia sẻ này phần nào giúp em hiểu hơn về một vai trò, một vị trí trong mạng lưới công việc đa dạng của ngành CTXH.