Hướng nghiệp cho người thuộc nhóm Xã Hội & Quản Lý theo trắc nghiệm Holland

**Bài viết được thực hiện bởi chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho. Trước khi đọc bài, quý độc giả hãy tìm hiểu và sử dụng bài trắc nghiệm Sở thích nghề nghiệp theo Holland để xác định nhóm sở thích của mình.

Mở đầu

Điểm mạnh của nhóm Xã hội là lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho bản thân. Đặc tính này giúp họ làm những công việc liên quan đến giúp đỡ và hỗ trợ người khác, cộng đồng, xã hội rất tốt. Có điều, nhóm Xã hội có hai điểm mù khiến cho hiệu quả công việc họ giảm hẳn. Một là sự e ngại nhận tiền cho công sức của họ bỏ ra. Hai là việc thiếu khả năng quảng bá rộng rãi việc họ làm. Hai điểm yếu trên làm cho người ở trong ngành giúp đỡ sau một thời gian dễ nản chí, bỏ cuộc vì không đủ khả năng tài chính lo cho bản thân/gia đình cũng như không tạo được sự ảnh hưởng tốt ở diện rộng.

Vì vậy, khi một người thuộc nhóm đặc tính nghề nghiệp Xã hội cũng có những đặc tính nghề nghiệp thuộc nhóm Quản lý, các điểm yếu trên được bổ sung. Họ trở nên như hổ thêm cánh, vừa giúp người vừa giúp mình, đưa ảnh hưởng tốt của công việc mình làm đến xã hội ở diện rộng hơn. Những người có tổ hợp đặc điểm nghề nghiệp Xã hội – Quản lý thường sẽ đạt được thành công và phát triển dài lâu trong ngành giúp đỡ.

Xin lưu ý, hai người có cùng tổ hợp này chưa chắc đã hoàn toàn giống nhau vì sự khác biệt ở mức độ và đặc điểm bên trong mỗi nhóm sẽ tạo thành một tổ hợp hoàn toàn khác biệt ở mỗi người. Vì vậy, tôi đề nghị người đọc phân tích và suy nghĩ kỹ để cá nhân hoá những chia sẻ tôi viết sao cho phù hợp với mỗi người nhất có thể. Nếu có chỗ nào không đồng ý thì cứ bỏ qua và xem bài viết này như một nơi để tham khảo.

Như hổ thêm cánh – khi hai nhóm đặc tính nghề nghiệp Xã hội và Quản lý ở trong cùng một người

Trong những bài viết trước, tôi có chia sẻ rằng đặc điểm của nhóm Xã hội là lòng yêu thích và khả năng làm việc với con người, thích soi sáng, giúp đỡ, truyền đạt thông tin, huấn luyện hoặc chữa trị cho người khác, và thường có khả năng về ngôn ngữ[1]. Trong khi đó đặc điểm của nhóm Quản lý là sở thích làm kinh doanh và nghĩ đến việc kiếm tiền từ rất sớm. Họ thường biết rõ mình muốn gì cũng như có khả năng lãnh đạo và thuyết phục người khác (bạn bè đồng lứa) tin theo mình. Họ là người năng động, có tham vọng, và giao tiếp tốt. Họ xem trọng sự thành công trong những vai trò quản lý lớp/nhóm [2].

Những đặc điểm thường thấy ở những người có cả hai nhóm Xã hội và Quản lý là:

  • Họ thích giúp đỡ người khác và quảng giao. Nhờ vậy họ thường giúp người khác bằng cách kết nối những người có thể giúp nhau và các nguồn tài nguyên lại với nhau.
  • Họ có khả năng kinh doanh tốt và sự nhanh nhạy trong việc kiếm tiền nên họ ít khi bị khó khăn về tài chính như những người chỉ có đặc tính nghề của nhóm Xã hội.
  • Họ có tinh thần hành động rất nhanh. Đặc điểm này đi kèm với mạng lưới quan hệ rộng, sự không e ngại dấn thân trong tài chính, và tính ‘liều’ khiến họ nhận các dự án mà một người nếu chỉ có đặc tính nghề nghiệp của nhóm xã hội ít dám nhận.
  • Họ có khả năng về ngôn ngữ và diễn đạt tốt ý tưởng của mình. Đặc điểm này giúp họ thuyết phục cấp trên, đồng nghiệp, cấp dưới, người mới quen, bạn bè một cách dễ dàng khi họ thật sự tin vào điều gì đó. Nhờ vậy, những dự án cộng đồng có họ tham dự thường dễ dàng lan rộng và thành công.
  • Người xung quanh thường dễ bị niềm tin mạnh mẽ ‘mình có thể làm mà, mình hãy làm đi’ của những người có tổ hợp Xã hội – Quản lý ảnh hưởng và theo họ. Khi nhóm này đã thực sự tin và muốn làm điều gì đó, rất ít khi họ phải làm một mình vì họ có khả năng thu hút rất nhiều người theo họ.

Cũng như những tổ hợp khác, những người có tổ hợp Xã hội & Quản lý phải đối diện với những thách thức sau:

  • Họ hành động quá nhanh, thích là làm ngay nên nhiều khi chưa kịp suy xét và phân tích tình huống kỹ càng mà lao vào làm nhiều việc hơn khả năng cho phép. (Ví dụ: nhận một lúc nhiều dự án trong khi lịch đã rất bận).
  • Họ mất rất nhiều thời gian để giữ gìn và phát triển những mối quan hệ bên ngoài nên dễ rơi vào tình trạng bỏ bê chất lượng của mối quan hệ bên trong (với gia đình và bản thân). Nếu không cẩn thận thì phải mất đi người thân yêu hay sức khoẻ bản thân mới nhận ra và học được cách cân bằng.
  • Họ hay ‘bị’ nhờ vả bởi người khác và khó từ chối vì lòng yêu thương nên dễ rơi vào tình trạng gánh nhiều hơn sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) cho phép.

Nuôi dưỡng theo tự nhiên

Như hổ thêm cánh – khi hai nhóm đặc tính nghề nghiệp Xã hội và Quản lý ở trong cùng một người

Photo by Nathan Dumlao on Unsplash

Nhóm bạn trẻ có đặc điểm nghề của hai nhóm Xã hội và Quản lý khi còn nhỏ cần được những người xung quanh chú ý đến những điều sau:

  • Hiểu rằng ngoài những đặc điểm của nhóm Quản lý là khả năng và sở thích về kinh doanh, khả năng và sở thích thuyết phục và đóng vai trò lãnh đạo, họ cũng có những đặc điểm của nhóm Xã hội là sự nhạy cảm, khả năng hiểu cảm xúc và lòng yêu thích trợ giúp người xung quanh. Có rất nhiều bạn có tổ hợp Xã hội & Quản lý sau nhiều năm đi làm nhận ra mình không hạnh phúc vì hoàn toàn chưa được phát triển những đặc điểm của nhóm Xã hội.
  • Hãy cho phép họ ‘tung hoành’ khi còn nhỏ bên ngoài khuôn khổ của lớp học. Họ là những đứa trẻ ‘ăn cơm nhà vác ngà voi,’ thích chạy ngoài đường lo việc thiên hạ, ít khi ở nhà gần gũi và chăm sóc gia đình như những đứa trẻ khác. Hãy quan sát, hỏi han, và chia sẻ thay vì la mắng họ vì những đặc điểm này.
  • Hãy là cái ‘phanh’ khi họ cần vì những bạn trẻ thuộc tổ hợp này thường có tính liều lĩnh cao và chỉ khi nào đâm đầu vào tường thì mới chịu quay lại. Do đó, khi cần thì phân tích cho họ thấy những vùng nguy hiểm mà điểm mù không cho phép họ nhận ra. Sau đó, nếu họ vẫn quyết định đi tiếp thì hãy cho phép họ ‘ngã’ và ‘đứng lên’ trên đôi chân của chính họ thay vì phê phán, ‘Thấy chưa, đã nói rồi mà không nghe.’
  • Khuyến khích họ tập thói quen phản tư thường xuyên (mỗi ngày/tuần/tháng, v.v.) để họ có thể tự nhận ra những thành quả cũng như các lổ hỗng họ thường bỏ qua vì thích làm nhanh và làm ngay của mình. Khuyến khích họ không chỉ để ý tốc độ và số lượng của kết quả mà còn để tâm đến chất lượng của những gì họ đạt được.

Ở tuổi dậy thì, những bạn có đặc tính nghề nghiệp của hai nhóm Xã hội và Quản lý cần được hỗ trợ để:

  • Hiểu được đặc tính nghề nghiệp tự nhiên của mình và sống cùng những đặc tính ấy
  • Hiểu được các điểm yếu do những đặc tính nghề nghiệp tự nhiên mang lại và học cách bổ túc các điểm yếu ấy

Cơ hội nghề nghiệp

Theo bản đồ thế giới nghề nghiệp của ACT[3] và mạng nghề nghiệp O*net của Mỹ[4], tất cả các công việc phù hợp cho những người có hai nhóm đặc tính nghề nghiệp Xã hội và Quản lý bao gồm các đặc điểm sau:

  • Họ làm ở những vị trí công việc tiếp xúc với con người
  • Họ làm việc trong ngành giúp đỡ
  • Họ làm việc ở những vị trí quản trị và quản lý trong ngành giúp đỡ

Do đó, các công việc phù hợp với người có tổ hợp Xã hội và Quản lý trải dài qua nhiều khối ngành nghề khác nhau. Dưới đây là các ví dụ cụ thể của những công việc có thể phù hợp với tổ hợp này:

  • Hướng dẫn viên du lịch, Chuyên gia chăm sóc da, Điều phối viên thể hình và sức khoẻ, Huấn luyện viên, Giáo viên ngành kinh doanh, Nhà quản trị giáo dục, Chuyên viên công tác xã hội (trẻ em, gia đình, trường học), Chuyên gia dinh dưỡng.
  • Đại diện dịch vụ khách hàng, Tiếp viên hàng không, Cố vấn tín dụng, Nhà điều hành hoạt động tôn giáo và giáo dục.
  • Nhà quản trị nguồn nhân lực, Quản lý đào tạo và phát triển, Nhân viên đại lý bất động sản, Quản lý/bầu show cho diễn viên và vận động viên, Chuyên viên quan hệ lao động, Nhà quản trị dịch vụ y tế và sức khoẻ, Thẩm phán, Giáo viên dạy luật.
  • Tiếp tân và nhân viên quầy thông tin, Nhân viên đứng quầy tại quán ăn, quán cà phê, Cứu hộ, Tài xế xe buýt trường học, Tài xế xe buýt công cộng, v.v.

Trên đây chỉ là một số ít ví dụ nghề nghiệp mà những người thuộc hai nhóm Xã hội và Quản lý có thể thấy phù hợp với họ. Các bạn trẻ hãy lưu ý rằng còn rất nhiều ngành nghề khác phù hợp không kém. Do đó, khi trải nghiệm, thay vì để ý tên ngành nghề, bạn hãy để ý các đặc tính của ngành nghề ấy sao cho chúng phù hợp với cả hai nhóm Xã hội và Quản lý là được.

Kết

Tôi hy vọng bài viết này gửi đến độc giả một góc nhìn về tổ hợp Xã hội và Quản lý theo lý thuyết Holland[5]. Xin lưu ý khi viết tôi đã cố gắng đưa những thông tin căn bản từ các nguồn đã được nghiên cứu chứng thực. Tuy nhiên, sự trải nghiệm cá nhân của mỗi người rất quan trọng. Mong độc giả sử dụng bài viết này như một nguồn tham khảo và tự tìm hiểu thêm trước khi ra được quyết định nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Tôi chúc độc giả bình an và tìm được nhiều niềm vui trong hành trình hướng nghiệp sắp tới.


[1] https://huongnghiepsongan.com/khi-con-nhay-cam-va-giau-tinh-yeu-thuong-huong-nghiep-cho-con-thuoc-nhom-xa-hoi/

[2] https://huongnghiepsongan.com/huong-nghiep-cho-con-thuoc-ca-hai-nhom-quan-ly-va-nghiep-vu/

[3] https://huongnghiepsongan.com/nganh-nghe-theo-cac-nhom-holland/

[4] https://www.onetonline.org/explore/interests/Social/Enterprising/

[5] Holland, J.  (1985). Making Vocational Choices – A Theory Of Vocational Personalities And Work Environments. New Jersey: Prentice-Hall, Inc.

Nội dung trích lược từ: Hướng nghiệp cho con thuộc nhóm Xã hội & Quản Lý theo trắc nghiệm Holland của RMIT và cha mẹ