Giám đốc Marketing

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 21
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân Digital Marketing
  • Số giờ làm hằng tuần: 60 – 80
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): 

Công ty thiết kế và truyền thông D (4-8 thành viên) | Công ty phân phối hạt M (4-8 thành viên)

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Ở công ty phân phối hạt M (công ty nhập, phân phối và dịch vụ thương mại), vai trò của mình là Giám đốc điều hành và Giám đốc Marketing. Trách nhiệm chính của mình là xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm của công ty nói chung và thương hiệu công ty nói riêng. Điều này được thực hiện thông qua việc xây dựng các hệ thống Marketing và bán lẻ, xây dựng các kênh truyền thông và các kênh mạng xã hội cần thiết, xây dựng chiến lược thương hiệu, xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông, hợp tác và mở rộng kênh phân phối, …
  • Ở công ty thiết kế và truyền thông D, mình chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội để xây dựng kênh thông tin lan tỏa (viral); đồng thời quản lý các hoạt động chính của công ty liên quan đến mảng thiết kế thương hiệu.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

  • Mình bắt đầu nghề này từ những ngày làm thiết kế ở trường đại học. Với ít vốn liếng về thiết kế đồ họa, mình may mắn nhận được việc thiết kế bán thời gian ở khoa mình đang học, sau đó thì được giới thiệu và tự tìm hiểu sang các mảng truyền thông, truyền thông qua mạng xã hội, quảng cáo ở các phòng ban và các sự kiện khác tại trường. 
  • Bước ngoặt đến khi mình được nhận vào làm Digital Marketing Consultant tại một công ty giáo dục và được đào tạo rất kĩ bởi các chuyên viên Marketing tại đây. Từ đó thì mình hướng tới xây dựng chiến lược và tập trung vào thương hiệu nhiều hơn vì mình nghĩ đó là mảng phù hợp với tính cách và năng lực của mình.
  • Mình chọn con đường này vì trải qua nhiều công việc thì thấy đây thứ mình làm tốt nhất và cũng may mắn được nhiều người ủng hộ. Bên cạnh đó, những lúc đi làm mình cảm thấy vui và có hứng thú làm việc, mình nghĩ điều đó là quan trọng để tiếp tục công việc.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8:00 – Lên ý tưởng cho công ty thiết kế và truyền thông
Giao đầu việc và kiểm tra tiến độ
Thiết kế các thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng
Sửa brief
Trực tiếp làm và kiểm tra tiến độ
Ghi chú Ngày nào cũng khác nhau do đặc tính công việc phụ thuộc vào đơn hàng từ khách

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Tính tự do trong sáng tạo và tính chiến lược trong tư duy.

  • Công việc đòi hỏi phải liên tục sáng tạo giúp mình cảm thấy được sống. 

Để sáng tạo trong công việc, mình phải dựa trên những cảm nhận, những chiêm nghiệm về con người xung quanh, về chính bản thân mình. Do đó, trải nghiệm đi làm giúp mình hiểu nhiều hơn về con người nói chung, và về bản thân nói riêng. Đây là điều khiến mình cảm thấy cảm xúc khi đi làm không bị quá khô khan.

  • Tư duy đòi hỏi phải có tính chiến lược cao giúp mình cảm thấy được thách thức, từ đó hứng thú với công việc hơn.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Điều làm mình cảm thấy khó cân bằng trong ngành là số lượng công việc đôi lúc sẽ trở nên rất nhiều. Một phần ảnh hưởng nhất là do những sản phẩm sáng tạo rất khó để được định vị hay đánh giá theo một chuẩn mực, nên đa phần thời gian những sản phẩm được tạo ra sẽ phải đi qua rất nhiều quá trình chỉnh sửa và hoàn chỉnh, vốn là một bước tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự chấp nhận và chắt lọc ý kiến cao. Đôi lúc, việc phải thay đổi những sản phẩm sáng tạo tâm huyết sẽ tạo ra cảm giác khó chấp nhận, thậm chí dẫn đến bất đồng.
  • Do tính chất là công việc tác động đến cộng đồng, nhưng bản chất lại là công việc xuất phát từ tư duy và cá tính cá nhân, việc trung hòa và chấp nhận giữa 2 yếu tố vừa kể trên là điều kiện cần thiết để phát triển trong lĩnh vực sáng tạo nói chung và marketing nói riêng. Và đây cũng là điểm theo mình nghĩ là “khó nhằn” nhất khi làm nghề.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Kiến thức chuyên ngành Marketing – nên được đào tạo bài bản và cập nhật thường xuyên để tránh tốn thời gian và công sức đi học thêm. 
  • Ngoài ra, các kiến thức về văn hóa, xã hội, tâm lý, tính cách, v.v
  • Ngoại ngữ: với mình là tiếng Anh, bạn cũng có thể học các ngoại ngữ khác, nhưng trong ngành theo mình khá phổ biến tiếng Anh
  • Kỹ năng
    • giao tiếp với các đối tượng khác nhau
    • kiên nhẫn, trung hòa và đôi khi là chấp nhận

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  1. Làm marketing = Bán hàng

Có khá nhiều phụ huynh/học sinh và thậm chí cả nhiều người ở những ngành nghề không liên quan cho rằng marketing và sale là 2 lĩnh vực tương đồng với nhau. Khái niệm này xảy ra tương đối dễ hiểu. Thậm chí ở một số công ty, marketing và sale được gộp vào một phòng ban hoặc chịu trách nhiệm bởi duy nhất một người. Tuy vậy, điều này tương đối không đúng. Marketing, xuất phát từ “market”-ing, có thể hiểu đơn giản là “làm thị trường”, tức là người làm marketing sẽ làm những cách khác nhau tùy vào thị trường của họ (làm digital ads, làm chiến dịch truyền thông,…) để chinh phục thị trường qua việc được thị trường biết đến/ủng hộ/chia sẻ,… Đối với việc sales, mục đính chính lại nằm ở việc bán được mặt hàng đến với khách hàng. Nói một cách đơn giản, marketing sẽ là hoạt động nhằm đưa thương hiệu đến với nhận thức/tư duy của khách hàng, còn sales sẽ là bước để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm từ thương hiệu.

  1. Digital Marketing tốt hơn Marketing

Trong thời đại Kỹ thuật số lên ngôi, hiện tại đang có rất nhiều người cho rằng Digital marketing là yếu tố tối quan trọng và “chỉ học marketing sẽ không tìm được việc”. Điều này là tương đối sai. Có thể xem digital marketing là một nhánh trong những gì bạn cần biết để trở thành một marketer. Tuy là phần được ứng dụng rất nhiều vào thời điểm hiện tại, digital marketing phục vụ cho mục đích của bức tranh toàn thể về chiến lược marketing của một công ty nói riêng và sự phát triển của một công ty nói chung.

  1. Làm marketing không tìm được việc

Đối với mình, marketing là một trong những lĩnh vực có tính áp dụng cao và đa dạng nhất. Đối với tất cả mọi ngành nghề hiện hữu, tập trung vào cả đối tượng là khách hàng doanh nghiệp lẫn khách hàng tiêu dùng, marketing đều có thể được ứng dụng và đóng vai trò quan trọng giúp sản phẩm được biết đến, tin dùng, có uy tín và đến tay người dùng theo cách hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn. 

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Như đã chia sẻ, mình đi làm từ khi còn học đại học, nên công việc này đã nuôi được mình ngay từ khi đang đi học. Hiện giờ cũng được tính là mới ra trường thì sống cũng khá ổn.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Mình sẽ không giới thiệu sách hay bài viết, vì mình nghĩ những tư liệu cần học về ngành vốn đã đang hiện hữu và rất phổ biến ở cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Điều quan trọng nhất mình nghĩ đã đúc kết được trong những năm vừa qua là việc giữ được tinh thần luôn mong muốn được học hỏi, lắng nghe và hiểu biết nhiều hơn. Đây là một lĩnh vực liên tục thay đổi và đòi hỏi những người tâm huyết với nó sẵn sàng mở lòng để tiếp thu thật nhiều điều mỗi ngày. Với mình, đó cũng là điều đẹp nhất về ngành. Vì bỏ qua tất cả những tự do, những thách thức, những khao khát được thể hiện bản thân,… điều làm mình thực sự yêu nghề. Marketing nằm ở cả một thế giới tri thức, quan điểm và tư duy để tiếp thu, để thấu hiểu, để yêu thương.

Được phát triển bản thân và thấu hiểu thế giới nhiều hơn như vậy thực sự rất vui. Hãy cố gắng nhiều hơn, không ngừng thách thức bản thân, và lắng nghe những tiếng nói nhỏ to từ thế giới xung quanh, ngành Marketing sẽ trở nên vô cùng thú vị!