Bộ quy tắc đạo đức hành nghề – Hướng Nghiệp Sông An ban hành và áp dụng

(Dựa trên nền tảng của NCDA Code of Ethics 2015, bổ sung kèm chỉnh sửa các yếu tố phù hợp với văn hóa Việt Nam và thực tế hành nghề tại HNSA)
Cập nhật: 10/2023

Vui lòng xem bản đầy đủ của Bộ quy tắc đạo đức hành nghề – Hướng nghiệp Sông An ban hành và áp dụng bằng cách nhấp vào nút bên dưới.

GIỚI THIỆU

Doanh nghiệp Xã hội Hướng nghiệp Sông An (HNSA) là đơn vị tiên phong tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và giáo dục hướng nghiệp với mong muốn xây dựng mạng lưới chuyên viên hướng nghiệp (CVHN) chuyên nghiệp, theo chuẩn quốc tế và hiểu rõ văn hóa, con người cũng như thị trường Việt Nam. 

Bộ quy tắc đạo đức hành nghề do HNSA ban hành nhằm định hướng quá trình hành nghề của CVHN theo các giá trị và chuẩn mực về hành vi phù hợp với vai trò của CVHN được trình bày trong văn bản nơi các tổ chức chuyên nghiệp vẫn đang thực hành và hướng đến. Văn bản này giúp mỗi chuyên viên xác định được hành vi chuẩn mực và góp phần bảo vệ cộng đồng, ngành nghề và những cá nhân thực hành trong lĩnh vực hướng nghiệp.

Trên thực tế, HNSA không chỉ đơn thuần dịch nội dung của bộ tài liệu NCDA Code of Ethics 2015, mà còn giảm bớt, bổ sung kèm chỉnh sửa các yếu tố phù hợp với văn hóa Việt Nam và thực tế hành nghề tại HNSA. Do đó, tài liệu này khó có thể trình bày toàn bộ nội dung của NCDA (do tính chất và đặc trưng văn hóa chưa phù hợp với VN) nên quý độc giả vui lòng xem toàn bộ văn bản tại https://ncda.org/aws/NCDA/asset_manager/get_file/3395.

PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA TÀI LIỆU

Bộ quy tắc nghề nghiệp do HNSA ban hành được trình bày cho học viên khi tham gia khóa học Chuyên viên Hướng nghiệp và là một phần không thể thiếu xuyên suốt các chuyên đề huấn luyện và giám sát nhóm được tổ chức bởi HNSA. 

  • HNSA yêu cầu các nhân viên, cộng tác viên, học viên và các cá nhân được các đối tượng này phục vụ (ví dụ như thân chủ, học viên, người được giám sát…) cho các dịch vụ chuyên môn tuân thủ và thực hiện trong toàn bộ khả năng của mình. 
  • HNSA mong đợi các học viên mới, cựu học viên và đối tác luôn đồng hành cùng chúng tôi theo sát bộ quy tắc đạo đức này trong suốt quá trình thực hành và triển khai các dịch vụ hướng nghiệp tại Việt Nam.

CÁC NGUYÊN TẮC VÀ GIÁ TRỊ HÀNH NGHỀ

Theo NCDA, giá trị hành nghề là cách minh chứng sự cam kết với hành vi đạo đức. Các chuyên viên phát triển hướng nghiệp thấu hiểu những giá trị hành nghề sau đây:

  1. Không ngừng phát triển nghề nghiệp qua từng giai đoạn cuộc đời
  2. Duy trì tính chính trực trong các mối quan hệ hành nghề
  3. Thực hành trong khả năng và hợp đạo đức
  4. Cổ vũ cho những giá trị, phẩm chất, tiềm năng và nét độc đáo nơi con người
  5. Đề cao tính đa dạng và thúc đẩy công bằng xã hội 
  6. Những giá trị hành nghề này tạo nền tảng quan điểm cho các nguyên tắc đạo đức bên dưới. Những nguyên tắc này là nền tảng cho việc thực hành hành vi đạo đức và ra quyết định. Những nguyên tắc thực hành hành vi đạo đức căn bản này bao gồm:
  • Tự chủ (Autonomy): tạo điều kiện cho cá nhân kiểm soát chính đời mình
  • Vô hại (Nonmaleficence): tránh hành vi gây hại
  • Sinh lợi (Beneficence): hành động có ích cho cá nhân và xã hội qua việc gia tăng sức khỏe tinh thần và sự an lạc
  • Khách quan (Objectivity): đối xử công bằng với mọi người
  • Trách nhiệm (Accountability): tôn trọng cam kết và giữ lời hứa, bao gồm hoàn thành trách nhiệm của bản thân liên quan đến mối quan hệ hành nghề
  • Chân thật (Veracity): chuyên viên phát triển hướng nghiệp cư xử chân thành với các cá nhân có liên quan

Bộ quy tắc đạo đức do HNSA ban hành gồm 9 mục sau:

 

Mục A – Mối quan hệ chuyên nghiệp

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Giúp thân chủ trưởng thành và phát triển qua cách khơi dậy sở thích và lợi ích của thân chủ và thúc đẩy hình thành các mối quan hệ lành mạnh. 
  • Tôn trọng và bảo vệ quyền lợi thân chủ liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật với hồ sơ và tài liệu.
  • Giải thích rõ ràng với thân chủ về bản chất của tất cả dịch vụ bản thân cung ứng, đồng thời cho thân chủ quyền lựa chọn và xác nhận đồng thuận.
  • Không gây hại và tránh áp đặt các giá trị không đồng nhất với mục đích của thân chủ.
  • Chủ động tìm hiểu các nền tảng văn hóa đa dạng của thân chủ và gia đình của họ; đồng thời, khám phá các nét đặc trưng văn hóa của bản thân và nắm bắt những ảnh hưởng của các giá trị và niềm tin đó đến tương quan làm việc của mình. 
  • Nghiêm cấm chuyên viên thực hiện các hành vi hoặc mối quan hệ tình dục/tình cảm với TC hiện tại, người yêu hoặc vợ/chồng hoặc các thành viên trong gia đình của họ.
  • Đóng góp vào cộng đồng qua việc cống hiến các hoạt động chuyên môn với mức phí không cao hoặc không thu phí (vì lợi ích cộng đồng).

Mục B – Bảo mật, trao đổi bí mật và riêng tư

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Nhận biết niềm tin là một trụ cột quan trọng của mối quan hệ chuyên nghiệp. 
  • Tạo niềm tin cho thân chủ qua cách thiết lập mối quan hệ cộng tác hiện tại, hình thành và giữ vững các giới hạn phù hợp và cam kết bảo mật. 
  • Đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật của thân chủ với cấp dưới và cấp trên, bao gồm các nhân viên, người được giám sát, học viên, thư ký, tình nguyện viên; đồng cấp, bao gồm cả đội ngũ can thiệp của mình; và với gia đình hoặc người thân của thân chủ.
  • Trao đổi về nội dung bảo mật theo trình độ văn hóa của thân chủ. 

Mục C – Trách nhiệm của chuyên viên

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Giao tiếp cởi mở, chân thành và chính xác với cộng đồng và các chuyên viên khác. 
  • Chỉ thực hành trong các giới hạn về năng lực cá nhân và chuyên môn, thực hành có giám sát, đảm bảo sức khỏe thể lý và tinh thần, cũng như có trách nhiệm tuân thủ bộ quy tắc đạo đức do HNSA ban hành. 
  • Chủ động tham gia vào các hiệp hội ở địa phương và quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển và thăng tiến khi hành nghề. 
  • Đảm bảo các chứng nhận của mình không được phép sai, lừa dối, nhầm lẫn hoặc gian lận khi quảng bá hoặc giới thiệu dịch vụ tới cộng đồng.
  • Không phớt lờ hoặc dính líu vào việc phân biệt đối xử với bất kỳ cá nhân nào; đồng thời không can dự vào các hoạt động xâm hại thân chủ hoặc người thân của thân chủ.
  • Cần phải thúc đẩy sự thay đổi nơi cá nhân, nhóm, cơ sở và xã hội theo hướng giúp cải thiện chất lượng sống cho các đối tượng đó, đồng thời loại bỏ các chướng ngại tiềm ẩn khi thân chủ tiếp cận dịch vụ. 
  • Có trách nhiệm gắn kết cộng đồng cùng tham gia thực hành đạo đức và trách nhiệm thực hành chuyên môn dựa trên các phương pháp nghiên cứu khoa học chuẩn xác. 
  • Cần phải phục vụ cộng đồng qua cách đóng góp một phần thời gian dành cho hoạt động chuyên môn với mức phí không cao hoặc không thu phí (thực hành chuyên môn không thu phí). 
  • Tham gia vào các hoạt động chăm sóc bản thân để duy trì và thúc đẩy sự bình an về cảm xúc, thể lý, tinh thần và tâm linh để đáp ứng tốt nhất các trách nhiệm chuyên môn của mình.

Mục D – Mối quan hệ với các chuyên viên khác

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Ghi nhận rằng chất lượng tương tác với đồng nghiệp có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung ứng cho thân chủ; đồng thời, thông hiểu đồng nghiệp trong và ngoài ngành. 
  • Tạo lập mối quan hệ làm việc và phương cách giao tiếp tích cực với đồng nghiệp nhằm cải thiện dịch vụ cho thân chủ. 
  • Có thể khai vấn và/hoặc tư vấn cho cá nhân, nhóm hoặc tổ chức, nhưng phải thực hiện trong khả năng và đúng với tư cách nghề nghiệp của mình.

Mục E – Lượng giá, Đánh giá, và Giải thích

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Cần cân nhắc sử dụng những thông tin cá nhân và yếu tố/bối cảnh văn hóa của thân chủ, khi sử dụng các công cụ đánh giá như một phần trong quy trình hướng nghiệp. 
  • Thực hiện dịch vụ trắc nghiệm và đánh giá chỉ khi đã qua quá trình huấn luyện, đào tạo hoặc có khả năng thực hiện và giải thích, đồng thời thân chủ phải hiểu rõ về bản chất, mục tiêu công cụ và xác nhận đồng thuận thực hiện.
  • Thúc đẩy sự bình an nơi thân chủ hoặc nhóm thân chủ thông qua việc phát triển và sử dụng hợp lý những công cụ đánh giá về nghề nghiệp, giáo dục, và tâm lý.

Mục F – Thực hiện dịch vụ hướng nghiệp trực tuyến, áp dụng công nghệ và mạng xã hội

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Chủ động tìm hiểu bản chất phát triển của ngành nghề khi thực hiện dịch vụ hướng nghiệp trực tuyến, áp dụng công nghệ và/hoặc mạng xã hội và vận dụng các tài nguyên để phục vụ thân chủ tốt hơn. 
  • Thực hành cũng như thông thạo các tài nguyên này và thừa nhận rằng cần tham gia huấn luyện định kỳ để phát triển khả năng chuyên môn và công nghệ. 
  • Thấu hiểu các mối bận tâm khác khi thực hiện dịch vụ hướng nghiệp trực tuyến và áp dụng công nghệ và/hoặc mạng xã hội và nỗ lực hết sức đảm bảo bảo mật và an toàn dữ liệu, đảm bảo minh bạch và công bằng cho thân chủ và đáp ứng các yêu cầu pháp lý và đạo đức khi sử dụng các tài nguyên đó. 

Mục G – Giám sát, Huấn luyện và Giảng dạy

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Tạo lập các mối quan hệ chuyên môn chân thành và ý nghĩa, cũng như duy trì các giới hạn phù hợp với các cá nhân được giám sát và học viên. 
  • Có đủ nền tảng lý thuyết và sư phạm cho công việc của mình và hướng đến tính công bằng, chính xác và chân thật khi đánh giá các chuyên viên hướng nghiệp khác, học viên và người được giám sát.

Mục H – Nghiên cứu và Xuất bản

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Đóng góp nền tảng kiến thức đó của ngành nghề và đẩy mạnh hiểu biết rõ hơn về các điều kiện giúp tạo nên một cuộc sống lành mạnh cho xã hội khi tham gia nghiên cứu. 
  • Hỗ trợ các nhà nghiên cứu bằng cách sẵn lòng tham gia trọn vẹn khi có thể. 
  • Giảm thiểu các thiên kiến và tôn trọng sự đa dạng trong quá trình thiết kế và tiến hành nghiên cứu.
  • Ghi nhận các thành quả đóng góp của đồng nghiệp và tuyệt đối không đạo văn, nghĩa là CVHN không trình bày công trình/sản phẩm của người khác mà xem đó như là của mình.

Mục I – Giải quyết các vấn đề đạo đức 

Chuyên viên hướng nghiệp:

  • Ứng xử phù hợp với luật pháp, đạo đức và luân lý khi thực hành chuyên môn. 
  • Ý thức về sự an toàn và niềm tin của thân chủ phụ thuộc vào tiêu chuẩn cao của chuyên viên khi hành nghề. 
  • Tin rằng các chuyên viên khác ở cũng tiêu chuẩn như mình và sẵn sàng hành động phù hợp để giữ vững các tiêu chuẩn đó. 
  • Giải quyết tình huống khó xử về đạo đức qua trao đổi trực tiếp và cởi mở với các bên liên quan và rồi tham khảo với đồng nghiệp và giám sát khi cần. 
  • Tuân theo các tiêu chuẩn khi thực hành trong công việc thường ngày. 
  • Tham gia vào quá trình học tập và phát triển liên tục dựa theo các chủ đề hiện có về đạo đức và luân lý khi hành nghề.

ĐIỀU CHỈNH THÍCH NGHI VỚI VIỆT NAM

Các tình huống buộc CVHN phải tiết lộ thông tin bảo mật của thân chủ

CVHN sẽ trao đổi với thân chủ về 3 tình huống mà theo các tiêu chuẩn hành nghề và luật pháp buộc CVHN phải tiết lộ nội dung buổi gặp với các bên nằm ngoài dịch vụ tư vấn/tham vấn:

  • Tình huống 1: Khi thân chủ trình bày về ý định gây hại cho bản thân hoặc người khác, CVHN sẽ phải có hành động phù hợp ngăn thân chủ thực hiện hành vi đó và phải chuyển sang nhờ hỗ trợ bởi các bên liên quan để trợ giúp kịp thời cho tình huống đó (dịch vụ tham vấn tâm lý/tâm thần, liên lạc với gia đình họ …).
  • Tình huống 2: CVHN cũng cần thông báo cơ quan chức năng phù hợp để trợ giúp cho các hoàn cảnh lạm dụng hoặc ngược đãi trầm trọng trẻ em và người cao tuổi.
  • Tình huống 3: Khi được yêu cầu bởi tòa án hoặc cơ quan pháp lý, CVHN buộc phải tiết lộ thông tin về buổi gặp với thân chủ hoặc ra tòa theo lệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

American Counseling Association’s Ethics Code:
http://www.counseling.org/knowledge-center/ethics 

An Ethical Decision-making Model:
http://www.ethics.org/resource/plus-decision-making-model 

Ethical Principles of Psychologists:
https://www.apa.org/ethics/code/index.aspx

National Association of Colleges and Employers Ethics:
https://www.naceweb.org/knowledge/ethics.aspx 

NCDA code of ethics:
https://ncda.org/aws/NCDA/asset_manager/get_file/3395 

Use of Human Research Participants:
http://www.hhs.gov/ohrp/index.html (see Policy and Guidance)

Makela, J. P. (2009) A Case Study Approach to Ethics in Career Development: Exploring Shades of Gray. Broken Arrow, OK: NCDA

NCDA – National Career Development Association | 305 North Beech Circle Broken Arrow, OK 74012
Phone: (918) 663-7060 | Fax: (918) 663-7058 | www.ncda.org

Page, A. C., & Stritzke, W. G. (2015). Clinical psychology for trainees. Cambridge University Press. Chapter 10 – Case Management