Tác giả: Hoàng Nguyễn
Biên tập: Minh Thảo
Cơ hội dành cho người lao động
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ hai trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam vào năm 2023, mở nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt. Môi trường văn hóa công ty Nhật được biết đến với các đặc trưng: ổn định, kỷ luật, đúng giờ, đề cao sự tỉ mỉ, tinh thần đồng đội và tính trách nhiệm v.v. Tuy mỗi ngành nghề sẽ có những yêu cầu riêng khác nhau, ví dụ công ty nghệ thuật đề cao tính sáng tạo hay khối sản xuất đặt nặng tính chính xác, hầu như các đặc trưng chung vừa kể trên không thay đổi. Vậy, bạn có sẵn sàng cho môi trường làm việc của Nhật Bản?
Lý giải văn hóa Nhật Bản dưới góc nhìn lý thuyết đặc tính nghề Holland
Lý thuyết đặc tính nghề Holland giải thích có thể chia đặc tính nghề nghiệp vào 6 nhóm sở thích, tương ứng với 6 nhóm môi trường làm việc là Kỹ thuật, Nghiên cứu, Nghệ thuật, Xã hội, Quản lý và Nghiệp vụ và cho rằng người lao động khi được làm việc trong môi trường tương thích với nhóm sở thích nổi trội của mình thì dễ hài lòng và dễ thăng tiến trong công việc. Bạn có thể thử làm trắc nghiệm Sở thích nghề nghiệp theo Holland và đọc thêm về các nhóm đặc tính Holland tại chuyên mục Hiểu mình của Sông An.
Chúng ta hãy cùng phân tích và liên hệ văn hóa công sở Nhật Bản với các đặc tính nghề nghiệp Holland.
Nhật bản có triết lý sản xuất nổi tiếng là tinh thần Monozukuri, đề cao việc tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với sự tỉ mỉ và chính xác. Monozukuri bao gồm nhiều nguyên tắc và phương pháp, với cốt lõi là sự chú trọng vào chất lượng: mọi khâu trong quá trình sản xuất đều được thực hiện với sự cẩn trọng và chính xác cao nhất để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Monozukuri không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực sản xuất mà còn được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ, giáo dục, v.v. và còn là một triết lý được áp dụng trong cuộc sống. Đặc trưng văn hóa này của Nhật tương ứng với nhóm Nghiệp vụ theo lý thuyết Holland, dùng để mô tả những người cẩn thận, tỉ mỉ, quan tâm đến chi tiết, thích các hoạt động có tính rõ ràng, có trật tự, hệ thống, hướng đến các tiêu chuẩn chính xác và có tính cầu toàn.
Tinh thần Kikubari là một triết lý quan trọng khác trong văn hóa Nhật Bản, đề cao việc luôn quan tâm chu đáo và tinh tế đến nhu cầu và mong muốn của người khác. Một nhân viên có tinh thần Kikubari sẽ luôn chú ý đến nhu cầu của đồng nghiệp và sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết. Trong giao tiếp, họ sẽ chú ý đến cảm xúc của người khác, biết cách lắng nghe cẩn thận, biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp và đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về ý kiến của người khác. Nét văn hóa này gần với đặc điểm của nhóm Xã hội, dùng để mô tả những người thường quan tâm đến lợi ích của người khác, có chất đồng cảm và khả năng nuôi dưỡng các mối quan hệ.
Ngoài ra, văn hóa Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với những giá trị thẩm mỹ độc đáo, tinh tế và mang đậm dấu ấn riêng. Khác với quan niệm đề cao sự hoàn hảo, lộng lẫy của nhiều nền văn hóa khác, cái đẹp trong văn hóa Nhật Bản ẩn chứa sự tinh tế, giản dị và hướng đến sự hài hòa với thiên nhiên. Cái đẹp được thể hiện ở mọi mặt trong cuộc sống từ kiến trúc, ẩm thực, đến nghệ thuật làm vườn, cắm hoa và cả trong các môn võ thuật. Người yêu cái đẹp, sự cân bằng, sự hài hòa chính là đặc điểm tính cách của nhóm Nghệ thuật.
Nhìn chung, môi trường làm việc Nhật yêu cầu người lao động tập trung vào chi tiết, đề cao sự quan tâm lẫn nhau với tinh thần đồng đội, và giá trị hài hòa giữa các thành viên trong một tổ chức. Người lao động có nhóm Holland nổi trội là nhóm Nghiệp vụ, Xã hội, Nghệ thuật sẽ dễ tìm thấy nhiều nét tương đồng khi làm việc ở môi trường văn hóa Nhật bản.
Lý giải văn hóa Nhật Bản dưới góc nhìn Xu hướng hành vi và Động lực
Ngoài việc dò tìm sự tương thích của bản thân với môi trường làm việc thông qua sở thích nghề nghiệp, người đi làm còn có thể để ý xem liệu xu hướng hành vi và động lực của mình sẽ phù hợp với môi trường làm việc nào. Trong lĩnh vực hướng nghiệp, trắc nghiệm Indigo là một công cụ đáng tin cậy hỗ trợ người làm thấu hiểu bản thân toàn diện qua 3 chiều kích là Hành vi, Động lực và Kỹ năng.
Chúng ta hãy tiếp tục phân tích văn hóa công ty Nhật bằng cách ứng dụng Indigo, mà cụ thể là ở 2 chiều kích Hành vi và Động lực, từ đó dự đoán một người có xu hướng hành vi và động lực như thế nào thì sẽ phù hợp với văn hóa làm việc này.
Hành vi
Ở khía cạnh hành vi, công cụ dựa theo hệ thống DISC với 4 kiểu hành vi cơ bản D-I-S-C, tượng trưng cho Quyết đoán (Dominance), Ảnh hưởng (Influence), Kiên định (Stable) và Tuân thủ (Compliance). Điểm số mỗi hành vi khái quát phản ứng căn bản của một cá nhân trước các tình huống trong cuộc sống.
Tại Nhật Bản, quyết định kiểu Ringi là một phương pháp ra quyết định độc đáo đề cao sự tham gia đóng góp ý kiến của tập thể, sự đồng thuận của số đông và trách nhiệm chung. Ngoài ra còn có văn hóa họp Nemawashi tập trung tìm kiếm sự đồng thuận qua việc thu thập ý kiến và phản hồi từ nhiều cấp bậc và bộ phận khác nhau trong tổ chức, để đảm bảo mọi người đều hiểu rõ và ủng hộ quyết định trước khi buổi họp chính thức được diễn ra. Cả Ringi và Nemawashi đều là tập quán lâu đời được thực hành phổ biến trong văn hóa doanh nghiệp Nhật bản. Chúng có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tăng cường mức độ tương tác của người lao động, tránh sự xung đột không đáng có khi tranh luận, và giúp tập thể đưa ra quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, cả Ringi và Nemawashi cũng có thể làm tốn thời gian bởi thủ tục phức tạp. Đây có thể là thử thách cho người có kiểu hành vi D nổi trội, vốn là những người bộc dạn, trực diện, quyết đoán, cần tập trung vào kết quả và ra quyết định nhanh, gọn. Người có nhóm D thấp với xu hướng hành vi hợp tác, hòa nhã, dễ chịu sẽ dễ thích nghi hơn với văn hóa này.
Mặc khác, người Nhật thường ít thể hiện cảm xúc thật ra ngoài, đặc biệt là môi trường công sở. Họ tin rằng những cảm xúc cá nhân thể hiện ra bên ngoài như tức giận, buồn bực có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tập thể các đồng nghiệp xung quanh. Họ có thể thật điên cuồng ở các buổi tiệc với đồng nghiệp sau giờ làm nhưng ở công ty, trong công việc, thì luôn nghiêm túc, chừng mực để giữ bầu không khí làm việc ôn hòa với năng lượng tích cực. Mô tả này gần với người có điểm S cao, là người thường thể hiện tính kiên định, dễ đoán và bình tĩnh.
Động lực
Ở khía cạnh động lực, tức những khao khát bên trong thôi thúc hành vi con người, trắc nghiệm Indigo cho rằng người lao động cần xác định động lực đi làm của bản thân trong 6 nhóm là Duy mỹ, Thực tiễn, Lý thuyết, Cá nhân, Xã hội và Truyền thống. Hiểu về động lực giúp một người xác định được hướng đi đúng đắn cũng như ra được các quyết định nhanh chóng vì động lực có liên hệ trực tiếp đến cảm giác thỏa mãn và ý nghĩa trong công việc. Hầu hết mọi người đều cảm thấy hạnh phúc nhất khi lựa chọn nghề nghiệp dựa trên hai động lực mạnh nhất.
Vậy văn hóa công sở Nhật Bản sẽ lý tưởng cho những cá nhân có động lực nào?
Khác với ngôn ngữ các nước thể hiện sự bình đẳng trong câu từ, tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ có tính thứ bậc, với ngữ vựng và cấu trúc bao gồm kính ngữ, khiêm nhường ngữ. Có thể vì thế mà đức tính khiêm tốn, thứ bậc phân chia tiền bối-hậu bối là một nét đặc trưng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản. Song song với đó, tinh thần đội nhóm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp Nhật, khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ thành công của đội nhóm thay vì tập trung vào thành tích cá nhân. Người có động lực Xã hội với đặc điểm ưa thích làm việc chung với người khác, thích giúp đỡ mọi người hoàn thành công việc chung với lý tưởng chia sẻ có thể cảm thấy mình phù hợp tại một công ty Nhật Bản. Ngược lại, người có động lực Cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc hòa hợp với môi trường này. Lý do là vì đó là những người có xu hướng sáng tạo, độc lập, dám nghĩ dám làm, có thể có tố chất lãnh đạo tốt, với khả năng truyền cảm hứng, định hướng và dẫn dắt đội nhóm, khao khát kiểm soát công việc và được công nhận khi biểu hiện tốt – vốn là những đặc điểm đi ngược với tinh thần đội nhóm của môi trường doanh nghiệp Nhật Bản. Lời khuyên cho những người lao động có động lực Cá nhân mong muốn làm việc tại một doanh nghiệp Nhật Bản hay một môi trường khác có văn hóa tương tự là họ cần cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, cũng như cần chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác và lắng nghe để hòa nhập tốt hơn với môi trường xung quanh.
Việc một người có phù hợp trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực, kỹ năng, thái độ và cách họ hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp. Bạn hãy tham khảo công cụ Trắc nghiệm Indigo để được hỗ trợ trong việc thấu hiểu bản thân một cách toàn diện, từ sở thích nghề nghiệp, xu hướng hành vi và động lực, từ đó có những dự đoán về sự tương thích của bản thân với một công việc và có những chiến lược thích nghi phù hợp.
Kết
Tóm lại, xác định sự tương thích của bản thân với một môi trường văn hóa doanh nghiệp là bước quan trọng, cần được thực hiện một cách cẩn thận và chu đáo nhằm đảm bảo bạn có một trải nghiệm làm việc tích cực, hiệu quả và lâu dài. Bài viết trên minh họa cách một cá nhân có thể tự tìm hiểu về sở thích, xu hướng hành vi và động lực nghề nghiệp, đánh giá mức độ hòa hợp giữa mình với môi trường làm việc qua những nét tương đồng và khác biệt. Không nên vội vàng đưa ra quyết định mà hãy dành thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng và suy nghĩ thấu đáo. Nếu bạn cảm thấy không phù hợp với một môi trường văn hóa doanh nghiệp nào đó, hãy cân nhắc tìm kiếm cơ hội khác phù hợp hơn với bản thân.
Tài liệu tham khảo:
NCDA. Basic Skills Curriculum, Module 1: The Career Theory of John Holland Facilitator’s Curriculum. https://www.ncda.org/aws/NCDA/asset_manager/get_file/72603
JapanBiz. Nemawashi – Văn hóa cuộc họp tại Nhật. https://japanbiz.vn/nemawashi-van-hoa-cuoc-hop-tai-nhat/
JapanBiz. Kikubari – Nghệ thuật quan tâm của người Nhật Bản. https://japanbiz.vn/kikubari-nghe-thuat-quan-tam-cua-nguoi-nhat-ban/
Kilala. Omotenashi: sự hiếu khách của người Nhật. https://kilala.vn/van-hoa-nhat/omotenashi-su-hieu-khach-cua-nguoi-nhat.html
Bài viết liên quan: